Nhiều người thường chỉ cảm thấy sợ hãi khi nghe tới ung thư mà không biết rằng tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và gây nguy cơ tử vong rất cao. Đặc biệt bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị để luôn có một trái tim khỏe mạnh.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh lý tim mạch – Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 trường hợp là do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, cao nhất là nguyên nhân do bệnh tim mạch với tỷ lệ 31%, tiếp đó là ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) 6%, đái tháo đường 4%. Các bệnh không lây nhiễm khác 18%.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong mỗi năm vì bệnh tim mạch khoảng 200.000 người. Theo thống kê năm 2015, cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Căn bệnh này làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Trước đây, bệnh tim được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên các vấn đề tim mạch có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào. Thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn chúng ta nghĩ và ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do người trẻ thường chủ quan với sức khỏe, cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường không có biện pháp phòng ngừa hợp lý.
2. Các bệnh tim mạch thường gặp
Có rất nhiều bệnh tim mạch khác nhau nhưng thường gặp nhất là:
2.1 Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là bệnh xảy ra do mạch máu vành nuôi tim bị thu hẹp bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, phổ biến nhất là do các mảng xơ vữa. Tình trạng này khiến cơ tim bị thiếu máu giàu dinh dưỡng và oxy, gây ra cơn đau thắt ngực.
2.2 Bệnh động mạch ngoại biên
Bên ngoài động mạch nuôi tim và nuôi não, trong cơ thể còn tồn tại hệ thống gồm các động mạch vừa và nhỏ có nhiệm vụ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận của cơ thể được gọi là động mạch ngoại vi hay ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi mạch này có tích tụ các mảng bám. Theo thời gian, mảng bám này có thể phát triển dày lên, cứng lại, gây thu hẹp các động mạch, hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan.
2 thể bệnh chính là: Bệnh Buerger – viêm thuyên tắc mạch máu và viêm/tắc động mạch do xơ vữa động mạch.
2.3 Thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim (thiếu máu cơ tim cục bộ) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cơ tim sẽ không nhận đủ lượng oxy cần thiết để co bóp đưa máu đi nuôi cơ thể. Điều này gây tổn thương cho tim, gây loạn tim và nhồi máu cơ tim.
2.4 Bệnh van tim hậu thấp
Đây là bệnh lý viêm tự miễn sinh ra bởi liên cầu khuẩn Streptococus beta Hemolytique, thường gặp ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, gió mùa như Việt Nam. Bệnh van tim hậu thấp có thể dẫn đến hẹp hở van tim, tổn thương mô khớp nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
2.5 Bệnh viêm cơ tim
Đây là bệnh tim mạch có thể xảy ra ở mọi đối tượng, kể cả người khỏe mạnh, chưa từng mắc bệnh tim, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm cơ tim có tỷ lệ đột tử cao. Nguyên nhân gây bệnh là do các loại siêu vi trùng (phổ biến nhất là Coxacki), hóa chất hoặc sự gia tăng hormone tuyến giáp.
2.6 Suy tim
Suy tim là tình trạng tim giảm hoặc không thể thực hiện chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách hiệu quả. Bệnh suy tim có thể điều trị cải thiện nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
2.7 Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút). Đây là nguyên nhân gây ra 80% trường hợp đột tử nếu không theo dõi sát sao và chữa trị sớm.
3. Nguyên nhân gây bệnh tim mạch
3.1 Nguyên nhân gây bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi
Nguyên nhân gây bệnh tim ở người cao tuổi chủ yếu là do vấn đề tuổi tác. Khi cơ thể lão hóa, chức năng của các cơ quan dần suy giảm, trong đó có hệ tim mạch. Những thay đổi về cấu trúc ảnh hưởng đến khả năng thực hiện chức năng của tim. Quá trình này thường bắt đầu từ khi còn trẻ, phát triển dần, ngày càng biểu hiện rõ nét hơn và gây ảnh hưởng đến người cao tuổi, đặc biệt là khi họ mắc kèm các bệnh mạn tính khác như gan mật, tiểu đường,…
3.1 Nguyên nhân gây bệnh lý tim mạch thường gặp ở người trẻ
Khác với người già, các bệnh tim ở tuổi trưởng thành và trung niên thường do các thói quen thiếu lành mạnh như:
– Hút thuốc lá
– Béo phì, ít vận động
– Căng thẳng (stress)
– Chế độ ăn quá nhiều muối, nhiều chất béo
– Thường xuyên uống rượu bia
– Tăng huyết áp
– Mỡ máu
– Đái tháo đường
– Các bệnh tim bẩm sinh
4. Khi nào người mắc bệnh tim cần gặp bác sĩ chuyên khoa?
Tùy vào từng bệnh lý và các mức độ khác nhau mà các biểu hiện của các bệnh nhân tim mạch sẽ khác nhau. Nhưng thông thường, các triệu chứng của bệnh thường không hoặc ít xuất hiện ở giai đoạn nhẹ. Khi các triệu chứng trở nên rõ ràng thì hầu như bệnh đã chuyển nặng, cần đi khám ngay. Các biểu hiện đó là:
– Đau thắt ngực: Cơn đau ngực ở người mắc bệnh tim có tính chất đè ép giữa xương ức, có thể lan lên cằm và vai, tay trái. Nếu cơn đau kéo dài trên 20 phút không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi thì thường là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim.
– Khó thở, đặc biệt mức độ khó thở tăng lên khi nằm xuống
– Vã mồ hôi hoặc ngất
– Mệt khi gắng sức
– Tím
– Yếu liệt nửa bên người hoặc chi, khó diễn tả bằng lời nói, méo miệng… nếu những khiếm khuyết của hệ tim mạch gây ảnh hưởng đến não.
Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu nhồi máu cơ tim và đột quỵ não, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời. Dù các triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua, bạn cũng không nên chủ quan mà cần đi khám tim mạch sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Việc thăm khám định kỳ cũng rất quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch và điều trị hiệu quả.
5. Chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch
Với sự phát triển của y học, rất nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng giúp chẩn đoán hiệu quả và chính xác các vấn đề tim mạch. Có thể kể đến như:
– Siêu âm tim
– Chụp X-quang
– Chụp vi tính cắt lớp
Các phương pháp điều trị được chỉ định tùy thuộc vào tình hình thực tế của bệnh nhân. Trong đó, điều trị bằng nội khoa và thay đổi lối sống vẫn là phương pháp chủ yếu. Trong các trường hợp nặng hơn, bệnh đã gây ra biến chứng hoặc điều trị nội khoa không đáp ứng thì các biện pháp can thiệp ngoại khoa có thể được áp dụng, tuy nhiên cần tuân theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
6. Phòng ngừa các bệnh lý tim mạch bằng cách nào?
Tuy nguy hiểm nhưng các bệnh tim mạch vẫn có thể chữa khỏi hoặc phòng ngừa. Theo Uỷ ban Bệnh tật của Hoa Kỳ, 80% các biến cố tim mạch có thể phòng ngừa được nếu chúng ta tầm soát sớm, kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ bằng cách thăm khám thường xuyên.
7 thói quen được khuyên để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch gồm:
– Không hút thuốc lá
– Tập thể dục, tần suất ít nhất 30 phút mỗi ngày
– Ăn uống lành mạnh (ăn nhiều rau xanh, ít chất béo bão hoà, giảm lượng muối và rượu bia)
– Kiểm soát cân nặng
– Giữ huyết áp ổn định
– Thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết
– Ổn định cholesterol máu
Trên đây là những thông tin về bệnh lý tim mạch, hi vọng đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám, bệnh nhân vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.