Hẹp van tim là tình trạng van tim dày lên, không thể mở hoàn toàn, do đó, làm giảm lượng máu qua các buồng tim và đi nuôi cơ thể. Vậy, bệnh hẹp van tim có nguy hiểm không? Làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn các biến chứng của bệnh? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Hẹp van tim có nguy hiểm không?
Bệnh hẹp van tim có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào loại van tim bị hẹp, mức độ hẹp của van tim.
1.1 Mức độ nguy hiểm theo loại van tim bị hẹp
Có 4 loại hẹp van tim theo loại van, đó là:
– Hẹp van tim 2 lá
– Hẹp van tim 3 lá
– Hẹp van động mạch chủ
– Hẹp van động mạch phổi
Trong đó, hẹp van tim 2 lá và hẹp van động mạch chủ là nguy hiểm hơn cả. Bởi hẹp van 2 lá sẽ khiến máu không được bơm đủ từ nhĩ trái xuống thất trái. Còn nếu van động mạch chủ không mở được hoàn toàn thì tim không thể cung cấp đủ máu đi nuôi cơ thể.
Nếu chỉ có 1 van tim bị hẹp thì tim có thể vẫn hoạt động bình thường. Nhưng nếu tình trạng dính hẹp xảy ra trên nhiều van tim cùng một lúc thì có thể hoạt động co bóp của tim bị rối loạn, lượng máu cung cấp bị thiếu hụt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.
1.2 Mức độ nguy hiểm theo tình trạng hẹp van
Dựa vào khả năng mở tối đa của van tim, các bác sĩ chia hẹp van tim thành các mức độ:
– Hẹp nhẹ: diện tích mở van > 1,5 cm2
– Hẹp vừa: diện tích mở van 1,0 – 1,5 cm2
– Hẹp nặng: diện tích mở van < 1,0 cm2
Diện tích mở của các bạn tim càng nhỏ thì van hẹp càng nặng, cũng có nghĩa máu lưu thông qua van tim càng khó khăn. Điều này có thể gây nhiều khó chịu cho người bệnh, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Theo các nghiên cứu, tỉ lệ sống sau 3 năm của những người đã bị hẹp van động mạch chủ nặng chỉ vào khoảng 50%.
2. Khi nào bệnh hẹp van tim trở nên nguy hiểm
Đa số các trường hợp hẹp van tim giai đoạn đầu, mức độ nhẹ ít gây nguy hiểm và thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng kịp thời, người bệnh vẫn có cơ hội kéo dài tuổi thọ.
Ngược lại nếu phát hiện và điều trị muộn sẽ gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Tim phải hoạt động nhiều hơn nên dễ bị suy yếu. Máu bị ứ đọng tại các buồng tim là nguyên nhân hình thành các cục máu đông gây kẹt van, hỏng van. Trường hợp cấp tính có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.
Bệnh trở nên nguy hiểm khi xuất hiện những triệu chứng như:
– Đau ngực
– Mệt mỏi, chân tay lạnh
– Khó thở
– Ngất xỉu
– Giảm khả năng gắng sức
– Ho
– Phù hay sưng mắt cá chân
Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim rất đáng lưu tâm.
Khi thấy các triệu chứng này, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
3. Đối tượng dễ gặp nguy hiểm do hẹp van tim
– Người cao tuổi
Người cao tuổi dễ bị hẹp van tim do các van tim đã bị lão hóa, vôi hóa theo thời gian, không còn mềm mại và đóng mở linh hoạt được nữa. Không chỉ van tim mà nhiều cơ quan trong cơ thể cũng đã hoạt động kém hơn nên người bệnh dễ đối mặt với các biến chứng do bệnh hẹp van tim gây ra. Các bệnh lý nền mà người già thường mắc phải cũng là yếu tố làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh hẹp van tim ở đối tượng này.
– Những người bị u tim
Khối u trong tim có thể gây cản trở dòng máu chảy trong tim (đặc biệt ở van hai lá). Điều này gây chít hẹp van tim, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn tới đột quỵ hoặc ngất.
– Người có sức đề kháng kém
Những người có sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn như liên cầu nhóm A. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các lá van bị tổn thương, dính lại với nhau. Khi bị các bệnh nhiễm trùng, những người này thường khó phục hồi hơn và có nguy cơ cao gặp các biến chứng, trong đó có hẹp van tim.
4. Cách điều trị bệnh hẹp van tim tránh bệnh diễn tiến gây nguy hiểm
4.1 Điều trị với trường hợp bệnh nhẹ
Đối với các trường hợp chưa có triệu chứng, người bệnh thường chưa phải điều trị. Thay vào đó họ được khuyến khích thay đổi lối sống để dự phòng nguy cơ bệnh tiến triển nặng và gây biến chứng. Các biện pháp bao gồm:
– Ăn thức ăn ít muối để giảm áp lực lên tim. Tránh các thực phẩm đóng hộp, kho, xào.
– Ăn trái cây tươi, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa bảo vệ tim.
– Ăn các thực phẩm ít béo hoặc chứa chất béo không bão hòa như cá, thịt gia cầm bỏ da, dầu thực vật…
– Hạn chế đồ uống chứa cồn hay caffeine để tránh làm tăng nặng các triệu chứng do hẹp van như rối loạn nhịp tim, đau ngực, khó thở…
– Đối với những người bệnh đang dùng thuốc chống đông, không nên ăn các loại rau màu xanh thẫm, các loại rau họ cải, rau diếp, cải bắp, rau cải, súp lơ, măng tây…
– Tập luyện vừa phải để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa các biến cố tim mạch
4.2 Điều trị các trường hợp bệnh nặng
Điều trị nội khoa vẫn là một trong những phương pháp chủ yếu với người bệnh hẹp van tim ở mức độ vừa. Các loại thuốc được chỉ định tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, có tác dụng chủ yếu là làm giảm các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng. Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm, các Digitalis, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông… Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà cách sử dụng (gồm loại thuốc và liều dùng) sẽ khác nhau. Để biết cách dùng thuốc phù hợp, bạn nên thăm khám tim mạch hoặc liên hệ bác sĩ chuyên khoa nhờ tư vấn chi tiết.
Nếu các biện pháp nội khoa không đem lại hiệu quả hoặc tình trạng bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng các biện pháp can thiệp khác.
Như vậy, bệnh hẹp van tim có nguy hiểm không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thực tế đã chứng minh, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh hẹp van tim hoàn toàn có thể được kiểm soát. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy duy trì việc thăm khám định kỳ để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.