Cúm A là căn bệnh có thể xuất hiện quanh năm và ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, thời tiết vào mùa Đông – Xuân thay đổi thất thường đang là điều kiện thuận lợi để chủng virus này phát triển cũng như tồn tại lâu hơn trong môi trường, lây lan cho nhiều người. Xem ngay cách phòng bệnh cúm A hiệu quả để bảo vệ chính bạn và những người thân yêu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tình hình dịch bệnh cúm A hiện nay
Theo thông tin từ Bộ Y tế, những tháng cuối năm 2023, nước ta đang ghi nhận nhiều ca bệnh đường hô hấp gia tăng, đặc biệt là các bệnh cúm A. Vừa qua, hàng loạt trường học ở Hà Nội ghi nhận nhiều học sinh có biểu hiện ho, sốt và phải nghỉ học do cúm mùa, có lớp gắng tới gần nửa số học sinh do cúm.
Đơn cử tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc TCI, chỉ trong nửa cuối tháng 12/2023, tỷ lệ người bệnh thăm khám và nhập viện do bệnh cúm mùa được ghi nhận lên tới hàng trăm bệnh nhân, cao gấp đôi so với cùng kỳ các tháng trước. Nhiều phòng kín giường bệnh, nhiều trẻ diễn biến nặng, phải thở máy. Hầu hết các bệnh nhân khi vào thăm khám hầu hết đều có các biểu hiện như: ho, sốt, đau họng, khò khè, khó thở, trẻ thì bỏ ăn, quấy khóc,…
Nguyên nhân của sự gia tăng số ca mắc cúm A này không chỉ bởi khả năng miễn dịch kém của người bệnh mà còn do thời tiết nước nước ta đang vào mùa Đông-Xuân, thời tiết chuyển biến liên tục, nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan. Đặc biệt, dịp Tết nguyên Đán 2024 cận kề là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, dễ làm bùng phát trên diện rộng các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh, nhưng đa phần các ca mắc cúm A hiện nay đang là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và trẻ đang độ tuổi học đường. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng nặng khi mắc cúm A. Thực tế này cảnh báo tất cả người dân cần chủ động bảo vệ mình trước dịch bệnh cúm A gia tăng cận Tết, đặc biệt là bảo vệ cho con trẻ nhỏ trước nguy cơ lây nhiễm cao.
2. Bệnh cúm A là bệnh gì?
Cúm A là chủng virus gây bệnh cúm mùa phổ biến, cùng với các chủng khác như virus cúm B, virus cúm C. Trong đó, các chủng cúm A thường tấn công và gây bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp ở người là virus cúm A/H3N2 và virus cúm A/H1N1. Thông qua ho hoặc hắt xì hơi, người nhiễm bệnh có thể dễ dàng lan truyền virus gây bệnh ra môi trường và lây truyền cho những người xung quanh khi chẳng may hít phải virus cúm A hoặc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt, đồ vật nhiễm virus từ người bệnh.
Virus cúm A khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và hình thành nên bệnh với các biểu hiện ban đầu như: mệt mỏi, đau đầu, ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng và đau nhức cơ thể. Do những biểu hiện bệnh gần giống như bệnh cảm cúm thông thường hoặc các bệnh đường hô hấp khác, người mắc bệnh dễ chủ quan và chỉ đi mua thuốc về uống mà không đến viện thăm khám, điều trị. Việc này làm cho tình trạng cúm A kéo dài, tăng nguy cơ diễn biến nặng nề và để lại các biến chứng nguy hiểm.
Nếu cúm A không được phát hiện sớm cũng như kịp thời điều trị, người mắc bệnh có thể phải đối mặt với các hệ lụy sức khỏe như: viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm màng não, thậm chí là viêm cơ tim hay nhiễm khuẩn thứ phát, có thể dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia Y tế cảnh báo, nếu người mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có cơ địa béo phì, người mắc các bệnh mạn tính, người già hoặc phụ nữ đang mang thai nếu mắc phải bệnh cúm A có nguy cơ gặp nhiều biến chứng và biến chứng nặng nề hơn so với các đối tượng nhiễm bệnh có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Do đó, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa là việc làm cấp bách để đẩy lùi bệnh lý cúm A trong cộng đồng.
3. Phòng bệnh cúm A hiệu quả
3.1. Các biện pháp ngừa bệnh cúm A
Để bảo vệ hiệu quả trước nguy cơ lây nhiễm cúm A, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, từ trẻ em tới người lớn thực hiện các biện pháp ngừa bệnh như sau:
– Tiêm vắc xin cúm: Biện pháp phòng ngừa mang lại hiệu quả cao cho trẻ và gia đình là tiêm vắc xin cúm hàng năm. Đối tượng nên tiêm vắc xin bao gồm người có yếu tố nguy cơ cao như: trẻ nhỏ, trẻ đang tuổi học đường, người lớn trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai. Thời điểm muộn nhất nên tiêm vắc xin ngừa cúm là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, trước khi cúm mùa vào độ “cao điểm”.
– Tăng cường vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng và mũi khi hoặc hắt hơi để ngăn chặn virus lây lan.
– Vệ sinh môi trường sống: Duy trì vệ sinh trong nơi ở, lớp học và phòng làm việc. Mở cửa để không khí thông thoáng, giảm sự lây truyền virus lây bệnh trong không khí ở các không gian kín.
– Lau chùi bề mặt và vật dụng: Sử dụng các dung dịch sát khuẩn để lau chùi bề mặt và vật dụng hàng ngày.
– Tự theo dõi sức khỏe: Kiểm tra sức khỏe hàng ngày trong thời điểm dịch bệnh tăng cao. Nếu có triệu chứng như sốt, hoặc đau họng, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Người mắc cúm cần cách ly và đeo khẩu trang.
– Tăng cường miễn dịch: Uống đủ nước, duy trì chế độ ăn uống đủ chất, tăng cường thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.
– Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện bệnh và đeo khẩu trang khi cần thiết.
3.2. Các loại vắc xin ngừa bệnh cúm A
Hiện nay, Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI đang cung cấp dịch vụ chủng ngừa cúm mùa, bao gồm cúm A với các loại vắc xin hiệu quả cho mọi lứa tuổi:
*Vắc xin cúm tứ giá:
– Vắc xin phòng ngừa cúm Vaxigrip tetra (Pháp)
– Vắc xin phòng ngừa cúm Influvac Tetra (Hà Lan)
– Vắc xin ngừa cúm GCFLU Quadrivalent (Hàn Quốc)
*Vắc xin cúm tam giá:
– Vắc xin ngừa cúm Ivacflu-S (Việt Nam)
Các loại vắc xin này ngừa được các chủng gây virus cúm A gây bệnh phổ biến như virus cúm A/H3N2 và virus cúm A/H1N1. Tiêm vắc xin giúp tạo “lá chắn” miễn dịch chủ động, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh lên tới 90% (theo Cục Y tế dự phòng), đồng thời ngăn chặn các hậu quả nặng nề có thể gặp phải nếu mắc bệnh.
Như vậy, bài viết vừa chia sẻ đến bạn đọc các thông tin về bệnh cúm A và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Chủ động tiêm chủng vắc xin tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh trước sự đe dọa của dịch cúm A, bạn nhé!