Tìm hiểu thông tin bệnh án viêm tụy cấp gồm cơ chế gây viêm, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị để có thể chủ động đối phó tốt với căn bệnh được coi là “lưỡi hái tử thần” này.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế gây viêm tụy cấp
Về cơ chế gây viêm tụy cấp đến từ hiện tượng tự hủy mô tụy do men tụy gây ra.
Tuyến tụy là nơi sản xuất ra men tụy để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Men tụy khi mới được sinh ra đều ở dạng chưa hoạt động, chúng chỉ được hoạt hóa ở tá tràng. Nhưng đến từ một nguyên nhân nào đó, men tụy bị hoạt hóa sớm ngay tại tuyến tụy và gây ra sự tự hủy mô tụy. Hậu quả là dẫn tới viêm tụy cấp.
Viêm tụy cấp được chia theo 3 thể trên lâm sàng:
– Viêm tụy cấp thể phù nề
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết
– Viêm tụy cấp thể hoại tử (Đây là trường hợp viêm tụy cấp nguy hiểm nhất với tỷ lệ gây tử vong lên tới 80-90%).
Viêm tụy cấp là bệnh lý cấp tính đặc biệt nguy hiểm, diễn biến trở nặng nhanh chóng, biến chứng nặng nề. Nhiều trường hợp viêm tụy không được cấp cứu kịp thời còn dẫn tới tử vong.
2. Nguyên nhân bệnh án viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp gây ra bởi 3 nguyên nhân phổ biến là:
– Do sỏi túi mật gây tắc nghẽn (chiếm tới 40-50% tổng ca viêm tụy cấp)
– Do nghiện rượu bia
– Do chỉ số mỡ máu tăng cao
Ngoài ra, viêm tụy cấp còn đến từ những nguyên khác như do chấn thương ở vùng bụng, biến chứng sau phẫu thuật dạ dày – đại tràng, do nhiễm virus, do rối loạn chuyển hóa, do tác dụng phụ của một số loại thuốc, dị ứng, di truyền,…
Dù từ nguyên nhân gì thì người bệnh viêm tụy cấp thường biểu hiện triệu chứng chung là:
– Đau bụng thượng vị, cơn đau dữ dội và lan nhanh ra sau lưng.
– Buồn nôn, nôn
– Ngoài ra, ở những ca bệnh nặng còn có các triệu chứng vàng da, sốc, sốt, rối loạn nhu động ruột, chướng bụng, tụt huyết áp, biểu hiện suy hô hấp,….
3. Đánh giá mức độ tiến triển viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp diễn ra với các mức độ viêm khác nhau. Theo đó, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cũng khác nhau. Việc đánh giá đúng tình trạng bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ của một ca bệnh viêm tụy cấp là rất cần thiết. Điều này giúp bác sĩ có hướng xử trí thích hợp nhằm làm giảm thiểu các rủi ro cho người bệnh.
Hiện nay việc đánh giá về mức độ viêm tụy cấp sẽ dựa theo 3 mức độ:
– Viêm tụy cấp nhẹ: Tình trạng viêm được giới hạn ở tuyến tụy và một số vùng/bộ phận lân cận. Bệnh nhân không có dấu hiệu của suy cơ quan, không có các biến chứng tại chỗ, không gặp các biến chứng hệ thống. Viêm tụy cấp nhẹ gần như không có tỷ lệ gây tử vong.
– Viêm tụy cấp nặng vừa phải: Bệnh nhân có những dấu hiệu của biến chứng tại chỗ hoặc biến chứng toàn thân nhưng không có biểu hiện biến chứng suy cơ quan, hoặc chỉ gặp biến chứng suy cơ quan tạm thời (tình trạng suy cơ quan sẽ tự khỏi trong vòng 48 tiếng).
– Viêm tụy cấp nặng: Bệnh nhân có dấu hiệu của suy đa tạng dai dẳng (>48 tiếng). Hầu hết ở các ca bệnh viêm tụy cấp nặng đều xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng tại chỗ. Viêm tụy cấp nặng có tỷ lệ gây tử vong cao, lên tới trên 30%.
4. Chẩn đoán và điều trị
Càng để lâu bệnh tình viêm tụy cấp sẽ càng dễ tiến triển nặng thêm. Vì vậy, Các trường hợp nghi ngờ dấu hiệu viêm tụy cấp cần nhanh chóng được đưa đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tiến hành cấp cứu điều trị kịp thời.
4.1. Chẩn đoán bệnh án viêm tụy cấp
Để chẩn đoán đúng về viêm tụy cấp, người bệnh cần tiến hành thăm khám lâm sàng với bác sĩ kết hợp làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
– Khám lâm sàng: Bác sĩ tìm hiểu bệnh sử sỏi mật, triệu chứng, đặc điểm cơn đau bụng, chế độ ăn uống,…
– Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm máu và nước tiểu. Kiểm tra định lượng men amylase máu cao gấp 3 lần, amylase nước tiểu > 500UI/L.
– Chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, Xquang, MSCT, MRI: Phát hiện các tổn thương ở tụy như tụy phù nề, tăng kích thước, nang giả tụy, vỡ nang giả tụy, ổ hoại tử vùng tụy,… Ngoài ra, các chẩn đoán hình ảnh còn giúp phát hiện nguyên nhân viêm tụy cấp do sỏi, giun làm tắc nghẽn đường mật, đường tụy.
Dựa vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ viêm tụy để chỉ định phương pháp chẩn đoán hợp lý giúp kết luận chính xác về bệnh, phục vụ việc điều trị toàn diện, hiệu quả.
4.2. Điều trị bệnh án viêm tụy cấp
Tiến hành kịp thời và đúng phương pháp là hai yêu cầu quan trọng trong điều trị viêm tụy cấp. Khi có chẩn đoán bệnh, kết luận mức độ viêm và biến chứng nếu có, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị chi tiết gồm các chỉ định được thực hiện song song bảo gồm:
– Điều trị nội khoa (giảm đau, giảm triệu chứng, giảm tiết dịch tụy, sử dụng kháng sinh,….)
– Truyền dịch, nuôi ăn
– Điều trị biến chứng
– Can thiệp ngoại khoa, phẫu thuật khi cần thiết: Phẫu thuật loại bỏ sỏi mật, phẫu thuật loại bỏ mô tụy chết, nang giả tụy lớn hoặc giải quyết biến chứng xuất huyết, nhiễm trùng nặng,…
Việc điều trị viêm tụy cấp đòi hỏi cần có sự tham gia của đội ngũ bác sĩ giỏi, chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và được hỗ trợ đầy đủ bởi các thiết bị y tế, máy móc hiện đại. Vì vậy, bạn cần cân nhắc lựa chọn những bệnh viện tuyến đầu, bệnh viện quốc tế có cơ sở hiện đại để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.
Bệnh án viêm tụy cấp là một vấn đề sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng và không thể chủ quan. Thực hiện thăm khám, chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp sớm là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ rủi ro và biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, áp xe tụy, nang giả tụy, suy đa tạng,…