Sâu răng là vấn đề về răng miệng không ai mong muốn nhưng lại rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Không chỉ gây đau đớn trong hoạt động ăn nhai, nó còn gây mất thẩm mỹ và dẫn đến biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng tổng thể. Vậy làm thế nào để hạn chế sự hình thành sâu răng? Nắm rõ cơ chế hình thành bệnh, các chuyên gia răng hàm mặt đã đưa ra 6 cách ngừa sâu răng khoa học và đơn giản.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh sâu răng xuất hiện do đâu
Sâu răng là hiện tượng bề mặt răng bị tổn thương, phát triển thành những lỗ sâu hoặc khe sâu. Nếu sâu răng không được điều trị từ sớm, tổn thương tại răng sẽ lớn dần và ảnh hưởng đến các cấu trúc sâu hơn của răng như ngà răng, tủy răng. Điều này có thể dẫn tới tình trạng đau răng nghiêm trọng và một số bệnh lý về răng miệng như viêm lợi, viêm quanh cuống, nhiễm trùng và thậm chí gây mẻ, vỡ, mất răng.
1.1 Cơ chế gây sâu răng
Sâu răng là một quá trình âm thầm và dài hơi với cơ chế tiếp diễn từ hình thành mảng bám đến sự sinh sôi phát triển và tấn công của vi khuẩn.
Sự hình thành mảng bám chính là khởi nguồn sâu răng. Mảng bám là lớp màng dính bao phủ bề mặt răng, có thể nằm ở phía dưới hoặc trên đường viền nướu. Sự tích tụ đường, tinh bột từ thức ăn do không vệ sinh răng miệng kỹ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó mảng bám hình thành và cứng dần thành cao răng. Lúc này, mảng bám càng khó để loại bỏ hơn và trở thành lá chắn tự nhiên cho vi khuẩn phát triển.
Khi vi khuẩn chuyển hóa đường và tinh bột sẽ sinh ra acid, chính acid này sẽ phá hủy các khoáng chất (quá trình hủy khoáng) trong lớp men răng. Sự ăn mòn này gây ra các lỗ nhỏ li ti hoặc các vệt nâu, đen trên men răng – giai đoạn đầu của sâu răng. Khi vi khuẩn và acid phá hủy hết lớp men răng, sẽ tiếp tục tấn công vào ngà răng – nơi có các đường ống nhỏ li ti thông với buồng tủy. Do đó nên khi sâu răng tấn công vào đến đây sẽ gây ê buốt cho người bệnh.
Lượng vi khuẩn càng cao, acid chúng tiết ra càng nhiều, tình trạng sâu răng càng nhanh biến chuyển nặng hơn. Khi ăn mòn qua lớp ngà răng, vi khuẩn sẽ tiếp tục di chuyển thẳng đến tủy răng, nơi có chứa dây thần kinh và mạch máu. Ở giai đoạn này người bệnh thường phải chịu những cơn đau dữ dội, thậm chí cảm giác đau lan ra tận xương hàm.
1.2 Các tác nhân làm tăng nguy cơ sâu răng
Bên cạnh việc làm sạch răng miệng không kỹ khiến vi khuẩn sinh sôi gây sâu răng, còn nhiều tác nhân khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ sâu răng:
– Vị trí răng: Răng hàm và tiền hàm có nhiều rãnh, lỗ và kẽ sẽ dễ gây mắc thức ăn và khó làm sạch hơn so với những chiếc răng cửa.
– Sử dụng nhiều thực phẩm dễ gây sâu răng: Những thực phẩm có thể bám lâu trên răng như đường, kẹo, sữa, mật ong, nước ngọt, bánh quy,.. có khả năng gây sâu răng nhiều hơn những loại thực phẩm dễ bị rửa trôi.
– Thường xuyên ăn vặt: Thường xuyên ăn vặt và sử dụng đồ uống có đường sẽ cung cấp môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tạo ra acid tấn công men răng và làm mòn răng. Ngoài ra các đồ uống có tính acid cũng tạo ra một lượng acid liên tục phủ lên răng và làm mòn men răng.
– Cho trẻ uống sữa/bú trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại.
– Tình trạng thiếu florua: Florua là một khoáng chất tự nhiên, có tác dụng giúp ngăn ngừa sâu răng và cải thiện tổn thương men răng giai đoạn đầu. Thiếu florua có thể khiến men răng yếu và dễ bị ăn mòn hơn.
– Độ tuổi: Sâu răng có tỉ lệ mắc ở trẻ nhỏ, thiếu niên, và cả người cao tuổi cao hơn các độ tuổi khác.
– Rối loạn ăn uống: Tình trạng chán ăn và ăn uống không điều độ, rối loạn ăn uống có thể gây cản trở việc sản xuất nước bọt. Axit trong dạ dày do nôn trớ cũng ảnh hưởng đến men răng.
2. 6 cách ngừa sâu răng từ chuyên gia
2.1 Vệ sinh răng miệng tốt là cách ngừa sâu răng cơ bản nhất
Theo Hiệp hội Sức khỏe Nha khoa Quốc tế, có tới khoảng 42% người trưởng thành chỉ đánh răng để vệ sinh răng miệng. Nếu muốn bảo vệ răng khỏi sâu, chúng ta cần chịu khó thực hiện các bước vệ sinh răng miệng đầy đủ ít nhất là 2 lần/ngày với các bước sau:
– Đánh răng trong 2 phút ít nhất 2 lần/ngày, tốt nhất là nên đánh răng cả sau khi ăn 30 phút để loại bỏ thức ăn bám trên răng. Cố gắng chải kỹ tất cả các bề mặt của răng, kể cả ở các góc xa nhất và theo đúng hướng dẫn của nha sĩ.
– Dùng chỉ nha khoa để làm sạch những thực phẩm còn sót lại ở kẽ răng àm việc đánh răng chưa làm sạch đầy đủ.
– Sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn để loại bỏ mọi vi khuẩn còn sót lại trong khoang miệng. Không nên súc miệng lại bằng nước sạch để các chất có lợi trong nước súc miệng được kéo dài hoạt động.
2.2 Chú ý đến tuổi thọ của bàn chải đánh răng
Lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Hãy chọn bàn chải có đầu nhỏ hoặc trung bình để đảm bảo rằng lông của nó có thể chạm vào mọi ngóc ngách và các kẽ hở của răng hàm, nơi thức ăn dễ ẩn sót. Lưu ý nên chọn loại bàn chải có lông mềm để tránh gây tổn thương nướu và nguy cơ viêm nướu.
Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh cho bàn chải khỏi sự sinh sôi của vi khuẩn trong quá trình sử dụng cũng rất quan trọng:
– Cần chú ý mốc thay bàn chải mỗi 3 tháng để tránh tích tụ vi khuẩn.
– Không nên dùng đồ bao bàn chải vì chúng có thể trở thành nơi tích tụ vi sinh vật và vi khuẩn.
– Rửa bàn chải với nước sau mỗi lần sử dụng và để tại nơi khô thoáng, tránh để trong phòng vệ sinh vì vi khuẩn bồn cầu có thể xâm nhập.
2.3 Thay đổi thói quen ăn uống cũng là cách ngừa sâu răng hiệu quả
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Anh, thay đổi trong chế độ ăn uống thực sự có thể giúp cải thiện và ngăn ngừa tình trạng sâu răng phát triển thêm.
– Ăn các sản phẩm từ sữa mỗi ngày như sữa tươi, sữa chua, phô mai để bổ sung canxi – thành phần chính giúp xây dựng xương và răng.
– Sử dụng các sản phẩm không đường: Thay vì các sản phẩm nước ngọt, soda, bạn nên uống các loại đồ uống ít đường hoặc không chứa đường như nước lọc, sinh tố trái cây, trà không đường.
– Ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau củ, trái cây và các loại hạt sẽ giúp giảm tình trạng khô miệng, tăng tiết nước bọt nhiều hơn, hỗ trợ làm sạch răng.
– Bổ sung chất dinh dưỡng và vitamin để tăng cường sức khỏe nướu, giúp răng chắc hơn. Những thực phẩm tiêu biểu gồm táo, chuối, rau cải mầm Brussels, đậu Hà Lan, các loại ngũ cốc nguyên hạt, cá hồi, cá trích, cá ngừ…
2.4 Nhai kẹo cao su chứa Xylitol
Hầu hết keo cao su không đường đều có chứa xylitol – chất làm ngọt tự nhiên. Không giống như thực phẩm, chất xylitol không thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong miệng. Thêm vào đó, hoạt động nhai kẹo cao su còn giúp miệng tiết nhiều nước bọt, giúp rửa sạch thức ăn, làm sạch răng một cách tự nhiên.
2.5 Tới nha sĩ để làm sạch răng chuyên sâu
Sự thật là dù bạn chải răng hay xỉa răng kỹ đến đâu vẫn sẽ luôn tồn tại một số khu vực rất khó tiếp cận và làm sạch. Chính vì vậy việc đến nha sĩ làm sạch răng chuyên sâu là điều cần thiết vì nếu có cao răng thì chúng ta không thể loại bỏ nó tại nhà. Nha sĩ sẽ làm sạch các phần này bằng những dụng cụ chuyên dụng và thao tác chuyên môn.
Ngoài ra việc thăm khám răng mỗi 6 tháng còn giúp bạn kiểm soát được các vấn đề khác về răng miệng mà bạn không ngờ đến. Việc phát hiện sớm các bệnh lý răng miệng sẽ giúp quá trình điều trị đơn giản và nhanh chóng hơn, đồng thời hiệu quả đem lại cũng tốt hơn rất nhiều.
2.6 Súc miệng với dầu dừa mỗi ngày
Có một tip giúp làm sạch răng rất tốt và phổ biến đó là súc miệng mỗi ngày với dầu dừa nguyên chất sau khi đã làm sạch răng. Dầu dừa có khả năng tống đẩy vi khuẩn khỏi răng và khoang miệng, đồng thời có thể chữa lành các tổn thương nhẹ tại niêm mạc miệng một cách tự nhiên, giảm viêm.
Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần ngậm và súc miệng nhẹ nhàng với một muỗng dầu dừa trong 20 phút sau đó không nuốt mà nhổ đi. Nếu thực hiện đều đặn hàng ngày sẽ giúp hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn, làm sạch răng, ngăn mảng bám, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị sâu răng.
Những phương pháp trên đây đều là những cách ngừa sâu răng đơn giản, tuy nhiên lại không có tác dụng điều trị đối với răng đã bị sâu. Để điều trị sâu răng triệt để hoặc thăm khám phát hiện sâu răng, bạn nên ghé nha sĩ thường xuyên và định kỳ để kiểm soát được sức khỏe răng miệng của bản thân, tránh việc để sâu răng lâu ngày gây nên nhiều biến chứng có hại.