Hay quên là một chứng bệnh rất nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để cải thiện trí nhớ cho người hay quên? Đọc bài viết dưới đây để hiểu hơn về chứng bệnh này có có biện pháp can thiệp kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ
Tùy vào từng đối tượng mà nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ sẽ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về trí nhớ:
1.1 Bệnh hay quên ở người trẻ
– Do mất ngủ: Khi thiếu ngủ hoặc mất ngủ, não bộ sẽ không đào thải được các độc tố cũng như củng cố trí nhớ dài hạn dẫn đến tình trạng hay quên. Mất ngủ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đầu óc mơ hồ làm ảnh hưởng đến sự tập trung và khả năng ghi nhớ. Dần dần, đầu óc sẽ trì trệ và trí nhớ bị suy giảm.
– Căng thẳng, stress: Áp lực từ học tập và công việc khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng xấu đến tế bào thần kinh và gây thoái hóa não bộ. Khi đó, chức năng của não bộ sẽ bị giảm sút và rối loạn.
– Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh: Thường xuyên sử dụng các chất kích thích, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ngọt,…là nguyên nhân khiến não bộ bị “ăn mòn”.
1.2 Bệnh hay quên ở người già
– Thoái hóa do tuổi tác: Các chuyên gia chứng minh, sau 25 tuổi mỗi ngày sẽ có 3000 tế bào thần kinh bị chết đi và không có sản sinh thêm. Đây là lý do dẫn đến càng lớn tuổi thì trí nhớ càng kém đi.
– Do bệnh lý: Một số bệnh lý như đột quỵ, thiếu máu não, viêm não,… sẽ có biểu hiện là suy giảm trí nhớ.
2. Biện pháp cải thiện trí nhớ dành cho người hay quên
Dưới đây là các biện pháp giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và hạn chế quá trình lão hóa của não bộ:
2.1 Tiếp tục học tập có thể cải thiện trí nhớ cho người hay quên
Não bộ được củng cố qua quá trình rèn luyện hàng ngày. Điều này có nghĩa là não bộ của bạn phải được sử dụng hàng ngày vào các công việc tư duy, tính toán, tập trung,… Tuy nhiên, những hoạt động đó lặp đi lặp lại hàng ngày thì trí nhớ sẽ không thể phát triển được. Vì vậy, bạn nên học hỏi những điều mới, tiếp thu kiến thức mới để tăng cường khả năng ghi nhớ cho não bộ.
Bạn có thể lựa chọn học một ngôn ngữ mới, vẽ tranh, làm gốm, nhạc cụ, trò chơi trí tuệ, giải câu đố,… Bên cạnh đó, thói quen đọc sách giúp bạn thư giãn đầu óc, đặc biệt là phát triển trí tưởng tượng, tăng cường khả năng ghi nhớ. Ngoài ra, bạn nên ghi lại, nói lại hoặc nghĩ về những kiến thức mới để trí nhớ được cải thiện và nhớ lâu hơn.
2.2 Vận dụng các giác quan để ghi nhớ
Thay vì học một cách máy móc để lưu trữ thông tin trong đầu, bạn nên dùng nhiều các giác quan để liên kết và tổng hợp thông tin. Khoa học đã chỉ ra rằng những ký ức liên quan đến một sự việc sẽ nằm rải rác ở khắp các trung tâm cảm giác của não. Nếu một trong các giác quan được kích thích để gợi lên trí nhớ thì những ký ức ở các giác quan khác cũng được kích hoạt.
Vì vậy, khi làm quen với một thứ mới, bạn nên dùng tất cả các giác quan để cảm nhận. Ví dụ như đoán các thành phần trong một món ăn mới, ngửi mùi các vật liệu sử dụng khi vẽ tranh hoặc làm gốm,…
2.3 Ngủ đủ giấc có thể cải thiện trí nhớ cho người hay quên
Giấc ngủ có tác động trực tiếp đến não bộ, đặc biệt là việc củng cố trí nhớ diễn ra vào giai đoạn ngủ sâu. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ, khả năng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Trung bình, người trưởng thành cần ngủ đủ 6 đến 8 tiếng mỗi ngày. Có thể cải thiện giấc ngủ bằng một số phương pháp sau:
– Thiết lập một đồng hồ sinh học cho giấc ngủ: Nên ngủ trước 23h và thức dậy lúc 6 – 7h. Lịch trình này nên được tuân thủ hàng ngày kể cả cuối tuần
– Hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, ipad,…trước khi đi ngủ
– Không ăn quá no và đồ ăn khó tiêu vào bữa tối, hạn chế các loại đồ uống có chất kích thích, đặc biệt là caffeine
– Thư giãn đầu óc, nghe nhạc nhẹ sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn
– Thiền hoặc yoga giúp lưu thông mạch máu, thư giãn cơ thể
– Ngủ trưa sau khi vừa tiếp thu một kiến thức mới cũng giúp não bộ ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn
2.4 Cải thiện chế độ ăn uống và luyện tập thể thao
– Tăng lượng vitamin E trong khẩu phần ăn hàng ngày vì vitamin E là chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm nguy cơ về mắc các bệnh về suy giảm trí nhớ. Một số thực phẩm giàu vitamin E là các loại hạt, tôm, cá hồi, dầu ô liu, kiwi, bí, bơ,…
– Ăn nhiều các loại trái cây và rau xanh
– Bổ sung các chất béo lành mạnh: dừa, hạt óc chó, trứng, bơ,…
– Tránh nạp nhiều đường cho cơ thể, đặc biệt là đường hóa học
– Đồ ăn nhanh và đồ ăn nhiều calo có thể gây béo phì và dẫn đến suy giảm trí nhớ
– Tập thể dục hàng ngày giúp làm tuần hoàn máu, tăng nhịp tim từ đó não bộ được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất giúp cải thiện trí nhớ
– Thường xuyên vận động cơ thể còn giúp giảm nguy cơ các bệnh góp phần làm suy giảm trí nhớ như tiểu đường hoặc các bệnh về tim mạch
– Các môn thể thao tốt cho não bộ gồm: đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội,…
2.5 Tích cực hoạt động xã hội
Các mối quan hệ trong xã hội có ý nghĩa cải thiện tâm trạng và chức năng của não bộ. Tích cực trò xuyên và giao tiếp với người xung quanh giúp nâng cao khả năng tiếp nhận và ghi nhớ của não bộ.
Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó, đầu óc tỉnh táo hơn giúp ích cho việc tập trung và ghi nhớ kiến thức mới.
Ngoài ra, đối với những người trung tuổi gặp khó khăn trong việc bắt kịp cuộc sống năng động hoặc ghi nhớ các thông tin thì hãy ghi chép, lập kế hoạch, danh sách mua sắm,…để củng cố và tăng cường trí nhớ.