Đột quỵ là tình trạng cấp tính, xảy ra khi nguồn cung máu lên não đột ngột bị gián đoạn ngưng trệ. Nếu không được cấp cứu và can thiệp kịp thời, đột quỵ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhận thức, vận động của người bệnh, thậm chí gây tử vong. Vậy ai có thể bị đột quỵ? Cách xử trí và phòng ngừa cho các đối tượng nguy cơ cao như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn.
Menu xem nhanh:
1. Ai có thể bị đột quỵ?
Thực tế cho thấy, đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ ai, không kể độ tuổi, giới tính. Tuy nhiên, một số đối tượng nguy cơ cao có thể kể đến như:
1.1 Ai có thể bị đột quỵ – Người có bệnh lý “nền”
Máu nhiễm mỡ
Cholesterol trong máu được tạo nên từ chất béo bão hòa. Cholesterol tốt đóng vai trò giúp thành mạch mềm mại từ đó quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru hơn. Ngược lại, cholesterol xấu có thể bám vào thành động mạch, hình thành các mảng xơ vữa làm hẹp, tắc nghẽn lòng mạch. Các mảng xơ vữa này khi bong ra có thể tạo thành các cục máu đông di chuyển lên não gây tắc nghẽn mạch máu não hay thiếu máu cục bộ. Đây là nguyên nhân chiếm tới 87% các trường hợp đột quỵ não.
Đái tháo đường (tiểu đường)
Người mắc đái tháo đường được cho là có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường từ 2 – 4 lần. Nguy cơ này càng cao đối với những người mắc tiểu đường ở độ tuổi trẻ.
Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài thường kéo theo sự tích tụ chất béo trong động mạch, dẫn đến máu nhiễm mỡ – một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ hàng đầu. Người bệnh đột quỵ không kiểm soát được lượng đường huyết ổn định cũng có nguy cơ tử vong và để lại di chứng sau đột quỵ nặng hơn.
Tăng huyết áp
Tương tự với huyết áp cao, khi diễn ra trong thời gian dài, bệnh cũng làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch, dẫn đến hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn lòng mạch, gây thiếu máu não cục bộ và đột quỵ.
Mặt khác tăng huyết áp đồng thời cũng làm tăng áp lực lên các động mạch não, làm phình mạch não. Khi áp lực gây ra quá lớn có thể dẫn đến vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Đây cũng là một nguyên nhân đột quỵ khác có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp kịp thời.
Người mắc bệnh lý tim mạch
Các nghiên cứu chỉ ra, người mắc bệnh tim mạch thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người không mắc bệnh này. Một số vấn đề tim mạch như: bệnh tim bẩm sinh, rung nhĩ, hở van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành… có thể dẫn đến sự gián đoạn, tắc nghẽn của mạch máu hoặc khiến quá trình cấp máu đến não thiếu trơn tru. Khi não không nhận đủ máu, sẽ xảy ra đột quỵ.
1.2 Ai có thể bị đột quỵ – Người có thói quen sống không lành mạnh
Ăn nhiều thức ăn nhanh, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động, thức khuya ngủ muộn,… cũng là những nguyên nhân khiến nhiều người trở thành “con mồi” của đột quỵ. Tất cả những thói quen, cách sinh hoạt này khi tích tụ lại, về lâu dài sẽ gây nên các bệnh lý mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, tim mạch… tiếp tục chuỗi tác động đến mạch máu não và gây ra đột quỵ.
1.3 Người cao tuổi
Ở đội tuổi sau trung niên, khi hệ miễn dịch, sức đề kháng suy giảm do quá trình lão hóa, người lớn tuổi có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, bao gồm đột quỵ. Cùng với đó, các bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu cũng tăng theo tuổi tác khiến nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi tăng cao. Gần 3/4 số ca đột quỵ xảy ra ở những bệnh nhân lớn hơn 65 tuổi. Kể từ sau 55 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi mỗi 10 năm.
1.4 Người béo phì
Người bị thừa cân, béo phì luôn đi kèm những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác như: tăng huyết áp. máu nhiễm mỡ, tiểu đường…. Chất béo dư thừa trong cơ thể cũng dễ dẫn tới tình trạng viêm, ảnh hưởng đến lưu lượng máu và làm tắc nghẽn mạch máu. Tất cả những yếu tố này đều mở ra “con đường” đến với đột quỵ.
1.5 Người có tiền sửa gia đình từng mắc đột quỵ cần lưu ý
Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh đột quỵ là bệnh lý có khả năng di truyền. Tuy nhiên ở các bệnh nền có nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao…, di truyền có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống, sinh hoạt từ gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên. Với những gia đình ăn uống không lành mạnh, ít vận động, khi nhìn vào lịch sử sức khỏe gia đình, có thể coi đây là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
2. Phòng ngừa bệnh đột quỵ
Nếu bạn hoặc người thân đang thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ nói trên, chủ động phòng ngừa đột quỵ là cách duy nhất để ngăn chặn bệnh xảy ra hoặc làm giảm ảnh hưởng của đột quỵ lên cơ thể.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ có thể gây nên cơn đột quỵ não như các bất thường, bệnh lý về tim mạch, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp cao… Từ đó, người bệnh có thể chủ động trong việc điều trị, kiểm soát các chỉ số này để tránh tối đa khả năng đột quỵ do bệnh lý liên quan.
Ngoài ra, mỗi người cũng nên xây dựng và duy trì lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, tránh xa thuốc lá, giữ ấm cơ thể, tăng cường hoạt động thể chất để tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng như giúp kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu… để ngăn đột quỵ xảy ra.
Nói tóm lại, bằng cách ghi nhớ ai có thể bị đột quỵ, bạn có thể chủ động trong thăm khám định kỳ, điều trị các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình. Ngay cả khi không thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa đột quỵ vẫn có ý nghĩa củng cố sức khỏe, giúp bạn chống chọi lại với bệnh tật.