Ho kéo dài và dai dẳng không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe mà còn gây ra nhiều phiền toái trong công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Có một số nguyên nhân khiến nhiều trường hợp ho mãi không khỏi.
Menu xem nhanh:
Đường hô hấp bị kích thích sau khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm
Nguyên nhân thường gặp nhất khiến nhiều người ho mãi không khỏi là do ảnh hưởng của cảm lạnh hoặc cảm cúm. Thông thường, các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm sẽ thuyên giảm và biến mất sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên tình trạng ho lại có thể kéo dài nhiều tuần vì virus gây cảm cúm hoặc cảm lạnh có thể khiến đường hô hấp bị sưng và rất nhạy cảm. Ho sẽ kéo dài cho tới khi cơ thể đã loại bỏ hết hoàn toàn virus.
Có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn
Ngoài cảm cúm hoặc cảm lạnh, có một số bệnh lý tiềm ẩn khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ho kéo dài, dai dẳng, chẳng hạn như dị ứng hoặc hen suyễn.
Trào ngược dạ dày thực quản và chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ho mạn tính. Tuy nhiên các bệnh lý này đều có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.
Tới bệnh viện để kiểm tra ngay nếu có các dấu hiệu của chứng trào ngược dạ dày thực quản như ợ nóng, ho liên tục… Tương tự với chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, người bệnh cũng nên thăm khám chẩn đoán chính xác nguyên nhân để được tư vấn điều trị khi có các triệu chứng như:
- Mất ngủ
- Ngáy to
- Thở hổn hển khi ngủ
- Thức giấc nhiều lần trong đêm
- Hay buồn ngủ vào ban ngày
Căng thẳng
Căng thẳng, đặc biệt là mạn tính, có thể khiến khiến cảm cúm hoặc cảm lạnh kéo dài, dẫn tới ho liên tục. Để giảm bớt tình trạng này, kiểm soát tình trạng căng thẳng trong khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Làm việc hoặc suy nghĩ quá nhiều chỉ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nên dành thời gian thư giãn và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc từ 7 – 8 giờ/đêm.
Uống ít nước
Khi bị cảm cúm hoặc cảm lạnh, nên cố gắng uống nhiều nước. Nước làm loãng chất nhầy trong đường hô hấp, giúp người bệnh dễ ho để loại bỏ dịch nhầy ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên không nên lựa chọn các loại đồ uống có chứa caffeine và chất cồn vì chúng gây mất nước.
Lạm dụng thuốc xịt mũi
Thuốc xịt mũi chống sung huyết có thể làm giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên không nên sử dụng liên tục trong hơn 3 ngày. Nếu lạm dụng, khi ngừng dùng thuốc, các triệu chứng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Sử dụng thuốc xịt mũi khiến cho niêm mạc mũi sưng lên, gây tắc nghẽn, dẫn tới hội chứng chảy dịch mũi sau và người bệnh sẽ bị ho nhiều hơn.
Không khí quá khô hoặc quá ẩm
Không khí khô, đặc biệt trong mùa đông, có thể kích thích ho. Tuy nhiên cũng không nên để độ ẩm trong không khí ở mức quá cao vì không khí ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bụi và nấm mốc – các chất gây dị ứng có thể kích hoạt cơn ho.
Nhiễm khuẩn
Trong một số trường hợp, cảm lạnh có thể để lại phía sau một “món quà chia tay” không mong muốn. Đường thở sau khi bị kích thích bởi cảm lạnh, dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập. Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng xoang, viêm phế quản và viêm phổi. Nếu người bệnh bị sốt hoặc đau kèm theo ho kéo dài, nguyên nhân có thể do tình trạng nhiễm khuẩn.
Thuốc điều trị cao huyết áp
Theo thống kê, khoảng 1 trong 5 người điều trị cao huyết áp bằng thuốc ức chế men chuyển angiotensin gặp phải tác dụng phụ là ho kéo dài. Nếu gặp phải tình trạng này, nên hỏi ý kiến bác sĩ để thay đổi loại thuốc điều trị khác, không được tự ý ngừng sử dụng thuốc vì có thể khiến tình trạng cao huyết áp trở nên nghiêm trọng hơn.