Tiêm vắc xin phòng lao giúp ngăn ngừa nguy hiểm, tránh những ảnh hưởng tới phổi có thể gây tử vong do biến chứng bệnh lý này gây ra. Trong đó, vacxin BCG được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn chưa được tiêm phòng ngừa bệnh lao.
Menu xem nhanh:
1. Vacxin BCG là gì?
Vắc xin BCG (Bacille Calmette – Guerin) là dạng vắc xin để phòng ngừa bệnh lao. Trong vắc xin BCG có chứa loại vi khuẩn gây bệnh lao đã được bất hoạt độc lực, làm vi khuẩn yếu đi, không có khả năng gây bệnh. Tiêm phòng vacxin BCG là một phương pháp gây miễn dịch chủ động cho cơ thể.
2. Thời điểm tốt nhất để tiêm vacxin BCG cho trẻ
– Vắc xin BCG được khuyến cáo tiêm ngay trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh.
– Trẻ có sức khỏe và cơ thể phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt.
– Đối với trẻ sinh non hoặc có bệnh lý cần chăm sóc đặc biệt, nên đợi tới khi trẻ có thể trạng ổn định mới tiêm phòng lao và nên tiến hành tiêm càng sớm càng tốt.
3. Những đối tượng chỉ định/chống chỉ định tiêm BCG
3.1. Đối tượng được chỉ định tiêm vacxin BCG
Vacxin BCG giúp phòng ngừa và tăng khả năng kiểm soát bệnh lao. Loại vắc xin này giúp cho trẻ hoặc đối tượng được tiêm phòng tạo ra một hệ thống miễn dịch chủ động với bệnh lý này. Vắc xin BCG thường được chỉ định thực hiện với các đối tượng như:
– Người chưa từng được tiêm phòng trước đó (không có vết sẹo đặc trưng của vắc xin phòng lao).
– Các đối tượng có phản ứng với Tuberculin (người được tiêm chất này nếu có hiện tượng dị ứng như phản ứng đỏ, bóng nước sau khi tiêm thì đã nhiễm vi khuẩn lao).
– Người bị bệnh lao do các chủng kháng thuốc isoniazid và rifampin.
3.2. Đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin BCG
Một số trường hợp dưới đây thường chống chỉ định thực hiện tiêm vắc xin BCG:
– Có phản ứng dị ứng với bất kỳ một thành phần nào trong vacxin BCG.
– Đã bị nhiễm khuẩn lao.
– Tình trạng viêm da có mủ, có phản ứng mạnh với Tuberculin trên da cao.
– Người đang sốt trên 37,5 độ C.
– Suy dinh dưỡng thể nặng.
– Tình trạng viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng, vàng da hoặc viêm phổi ở trẻ.
– Người mắc bệnh bạch cầu, bị suy giảm hệ miễn dịch (do thuốc hoặc do xạ trị/hóa trị)…
– Phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú.
– Đang trong quá trình hoặc vừa kết thúc đợt điều trị corticoid, globulin miễn dịch.
– Trẻ có trọng lượng cơ thể ít hơn 2kg.
4. Các phản ứng sau khi tiêm vacxin trẻ có thể gặp
Khi thực hiện tiêm phòng vacxin BCG rất hiếm khi xảy ra những phản ứng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa số trẻ em khi tiêm vắc xin BCG đều có một số phản ứng tại vị trí tiêm như:
– Sau khi tiêm, chỗ tiêm sẽ xuất hiện nốt nhỏ và biến mất sau khoảng 30 phút. Từ 10 – 15 ngày sẽ xuất hiện vết loét đỏ, sưng mủ. Sau khoảng 2 tuần vết loét sẽ tự lành và để lại vết sẹo nhỏ có đường kính khoảng 5mm.
Đối với người mắc suy giảm miễn dịch thường sẽ có những phản ứng nặng và nghiêm trọng hơn:
– Tổn thương bàng quang.
– Nổi hạch mềm, di động và sưng ở nách/khuỷu tay.
– Sốt nhẹ sau tiêm.
– Tình trạng áp xe thường xảy ra do bơm kim tiêm chưa được vô trùng hoặc tiêm quá nhiều vắc xin trong thời gian ngắn.
– Thở nhanh, thở co kéo hõm ức.
Nếu tình trạng của các phản ứng này trầm trọng như sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1 – 2 ngày; vết tiêm và hạch sưng to kéo dài hơn 6 tuần thì nên cho trẻ đi kiểm tra ngay.
Đối với những trường hợp trẻ sốt cao, mệt lả, quấy khóc, da tím tái, co giật, hôn mê… cần cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để can thiệp điều trị kịp thời.
5. Những lưu ý khi cho trẻ thực hiện tiêm vacxin BCG
Khi cho trẻ thực hiện tiêm phòng cha mẹ nên lưu ý một số điều sau:
– Không nên cho trẻ ăn hay bú quá nó. Không nên để trẻ quá đói vì trẻ sẽ dễ gặp tình trạng hạ đường huyết sau tiêm.
– Nên cho trẻ mặc trang phục đơn giản, thoải mái để bác sĩ có thể dễ thao tác trong quá trình thăm khám và tiêm. Không nên để bé mặc quần áo quá bó, quá chật hay ủ ấm quá nhiều.
– Sau khi tiêm phòng lao, trẻ không cần kiêng tắm vì vậy cha mẹ nên vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
– Không nên cho bé tiêm phòng lao nếu trẻ đang sốt, đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi…) hoặc mới khỏi bệnh, đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe.
– Không nên tiêm phòng lao khi trẻ đang gặp các tình trạng ở da như: Viêm da mủ, chàm ngoài da.
– Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau 30 phút tại điểm tiêm chủng và ít nhất 24 giờ sau tiêm.
– Khi trẻ sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng cần có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
– Không dùng băng gạc để dán trực tiếp lên vị trí tiêm. Với trường hợp cần băng bó nên sử dụng băng dính y tế dán mờ hai bên để không khí có thể lưu thông tốt.
– Không sử dụng các chất sát trùng, thuốc mỡ hoặc kem bôi vào vị trí tiêm
– Nên cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có những triệu chứng bất thường như: Phát ban, sốt cao, quấy khóc nhiều… nặng hơn hoặc kéo dài trên 24 giờ; co giật, tím tái, mất ý thức, sốt cao từ 38,5 độ C trở lên…
Vacxin BCG phòng bệnh lao được tiêm một lần và không cần tiêm nhắc lại, do vậy sau khi trẻ ra đời nên thực hiện tiêm càng sớm càng tốt. Loại vắc xin này được đánh giá là lành tính và không gây những tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Để phòng ngừa vi khuẩn lao và những biến chứng bệnh nguy hiểm thì bạn nên chủ động tiêm phòng theo đúng lịch cũng như chỉ định của bác sĩ. Hy vọng những thông tin từ bài viết trên đã giúp cho phụ huynh hiểu rõ hơn về tiêm vacxin BCG phòng ngừa bệnh lao. Nếu bạn cần hoặc muốn giải đáp thêm những thông tin về loại vắc xin này, hãy liên hệ ngay với Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!