Người bị thoát vị đĩa đệm thường đau vùng cột sống, sau đó cơn đau có thể lan sang vai, cánh tay, cẳng chân. Tại Việt Nam có khoảng 30% dân số mắc bệnh này và bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Vậy bệnh lý thoát vị đĩa đệm là bệnh gì? Dấu hiệu ra sao và những ai có nguy cơ mắc bệnh?
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh lý thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý chỉ tình trạng đĩa đệm bị trượt, lệch hoặc rách do chấn thương, thoái hóa… khiến phần nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài, chui vào ống sống chèn ép tủy sống và các thần kinh khu vực gần đó.
Theo thống kê, ở Việt Nam khoảng 30% dân số gặp phải tình trạng đau lưng, nhất là đau lưng do tổn thương đĩa đệm sau tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay thoái hóa tự nhiên. Tỷ lệ người mắc bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, phổ biến ở độ tuổi từ 30 – 60 tuổi.
2. Nguyên nhân gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm
Một số nguyên nhân chính gây thoát bị đĩa đệm là:
– Vận động, lao động, làm việc quá sức hoặc sai tư thế: Điều này dễ dẫn tới đĩa đệm, cột sống lưng bị tổn thương nghiêm trọng.
– Độ tuổi: Đĩa đệm và cột sống bị mất nước, thoái hóa xơ cứng trong quá trình lão hóa, từ đó gây nên những tổn thương.
– Chấn thương vùng lưng
– Thoái hóa cột sống, gù vẹo… hoặc mắc bệnh lý bẩm sinh
– Do di truyền
Bên cạnh đó còn có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh, bao gồm:
– Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể lớn sẽ làm tăng, dồn lực cho cột sống, nhất là vùng thắt lưng.
– Người mang vác nặng, ngồi lâu, ít vận động…
3. Nhóm nghề nghiệp nào có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm?
Hiện nay, thoát vị đĩa đệm đã trở thành căn bệnh “không của riêng ai”. Không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, bệnh còn là nỗi ám ảnh của nhân viên văn phòng, người lao động nặng.
3.1 Dân văn phòng, công sở
Theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường văn phòng tưởng chừng lý tưởng nhưng lại là nơi “bào mòn” sức khỏe con người. Tính chất công việc ngồi lâu một chỗ, ít vận động chính là yếu tố làm tăng áp lực lên cột sống và hệ thống đĩa đệm. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý cơ xương khớp, nhất là thoát vị đĩa đệm.
3.2 Người lao động nặng
Những người thường xuyên mang vác nặng như thợ xây, bốc vác… cũng rất dễ bị thoát vị đĩa đệm.
3.3 Công nhân, tài xế, thợ may
Đặc thù của nhóm lao động này là ngồi lâu, dẫn tới ngồi sai tư thế, chế độ nghỉ ngơi không hợp lý. Nguy cơ bị đau lưng dẫn tới thoát vị đĩa đệm ở nhóm lao động này là rất cao.
3.4 Vận động viên thể thao, diễn viên xiếc, múa
Vận động viên thể thao, diễn viên xiếc có thể gặp chấn thương trong quá trình tập luyện. Bên cạnh đó, việc thay đổi tư thế nhanh, mạnh cũng tác động, ảnh hưởng lớn tới đĩa đệm lưng.
3.5 Học sinh, sinh viên
Bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiên ở dân công sở, văn phòng nhưng học sinh sinh viên cũng là nhóm nằm trong diện có nguy cơ mắc bệnh cao. Việc ngồi học sai tư thế, ít vận động, dán mắt quá lâu vào thiết bị cầm tay… là nguyên nhân gây ra bệnh.
4. Những dấu hiệu cảnh báo bệnh thoát vị đĩa đệm
Dấu hiệu ban đầu của người bị thoát vị đĩa đệm là đau vùng cột sống (cột sống thắt lưng, cột sống cổ). Cơn đau sau đó có thể lan xuống vai, cánh tay, cẳng chân…
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
– Tê bì chân tay
– Teo cơ hoặc liệt nửa người (trong trường hợp nặng).
5. Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm
Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng cũng như tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm chủ yếu hiện nay là nội khoa, ngoại khoa và phẫu thuật.
5.1 Điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm bằng nội khoa (dùng thuốc)
Trong đa số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc, mục đích nhằm cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh này gồm thuốc chống viêm non steroid, thuốc giảm đau acetaminophe, corticosteroid hoặc thuốc chống đau thần kinh, giãn cơ.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu, chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc. Bởi việc này có thể gây ra những tác dụng phụ như chóng mặt, dị ứng, buồn nôn. Thậm chí gây viêm loét dạ dày, loãng xương, làm suy giảm chức năng của gan thận.
5.2 Điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu
Song song với dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể tập vật lý trị liệu. Mục đích nhằm giảm đau, hạn chế sự chèn ép lên các dây thần kinh. Việc thực hiện vật lý trị liệu cần có sự giám sát, hỗ trợ của kỹ thuật viên, chuyên viên để tránh sai cách, khiến tổn thương cột sống thêm trầm trọng.
Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi để giảm sưng tấy và giúp tổn thương có thời gian lành lại. Đồng thời tránh hoạt động thể lực quá sức, làm công việc nặng nhọc. Song cũng không nên nghỉ ngơi quá lâu, tránh tường hợp các cơ, khớp bị co cứng.
5.3 Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến hiện nay là mổ nội soi, mổ hở, tiêu hủy nhân nhầy bằng men chymopapain.
Nhược điểm của các phương pháp này là có thể gây nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, dây thần kinh bị liệt. Thậm chí người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong. Vì vậy sau khi thực hiện phẫu thuật bệnh nhân cần báo ngay với bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường. Cụ thể là: gặp khó khăn trong việc đi lại, cơn đau không thuyên giảm dù dùng thuốc giảm đau, mất khả năng kiểm soát đường ruột…
Hầu hết vấn đề liên quan tới bệnh lý thoát vị đĩa đệm sau khi điều trị sẽ tự khỏi hoặc chuyển biến tích cực. Song, một số trường hợp vẫn có thể tái phát. Người bệnh cần chủ động bảo vệ cột sống cũng như ngăn ngừa nguy cơ thoát vị đĩa đệm khác bằng việc ngồi đúng tư thế, không nâng vật quá nặng và thay đổi tư thế đột ngột, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học… Nếu thấy dấu hiệu bệnh, hãy tới ngay cơ sở y tế thăm khám, điều trị để đạt được hiệu quả tốt hơn.