Phẫu thuật cơ nâng mi trên là cách giúp bạn cải thiện tình trạng sụp mí mắt hữu hiệu. Ngày nay, phần đa chị em tiến hành co rút cơ nâng mi để cải thiện sắc đẹp. Tuy nhiên, có những trường hợp cần được chỉ định thực hiện phương pháp này để tránh bị nhược thị, lác. Cùng tìm hiểu đối tượng cần phẫu thuật nâng cơ mi trên cũng như chi tiết các phương pháp cải thiện tình trạng mắt sụp mí.
Menu xem nhanh:
1. Những ai cần hoặc không được phẫu thuật nâng cơ mi trên
Mí mắt trên nằm ở vị trí thấp hơn bình thường (sụp mí) không chỉ gây mất thẩm mỹ. Nó còn làm giảm chức năng thị giác. Một số trường hợp nên và cần được phẫu thuật nâng cơ mi trên để cải thiện thị lực. Vậy đó là những ai?
Đối tượng cần phẫu thuật cơ nâng mi trên được chỉ định là:
– Người bị sụp mí độ II, III, chức năng cơ nâng mi đạt mức trung bình (5 – 7 mm) hoặc tốt (8mm).
– Trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 7 – 8 tuổi nên được tiến hành nâng cơ mi trên sớm nếu bị sụp mí từ độ III, gây nhược thị, lác.
Cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật cơ nâng mi khi:
– Mí mắt sụp gây hẹp khe do cơ khiến cơ nâng mi bị giảm chức năng vĩnh viễn hoặc tạm thời.
– Khe mí mắt hẹp do tác nhân cơ học. Chẳng hạn như mi trên bị chèn ép do phì đại tuyến lệ, có khối u ở hốc mắt hoặc mi trên. Hoặc do chùng da mi, dị ứng thuốc, sẹo ở mi lớn. xơ hóa quanh cơ mi…
– Do tuổi già làm cơ nâng mi giãn nứt, tuột điểm bám gây sa tuyến lệ, chùng giãn mi trên
– Do chấn thương hoặc mạch máu bị can thiệp sau phẫu thuật ở hốc mắt, sọ não làm tổn thương cơ và thần kinh.
Đối tượng không được phẫu thuật nâng cơ mi:
– Những ai đang có bệnh lý ở giác mạc.
– Người có sức khỏe tổng quát không đảm bảo để tiến hành phẫu thuật.
– Bệnh nhân quá nhỏ tuổi, không đáp ứng quá trình điều trị và chăm sóc sau phẫu thuật.
– Bệnh nhân có tổn thương liên quan đến mắt như sẹo ở mi dưới 6 tháng, bị liệt dây thần kinh số VII dưới 3 tháng.
2. Quy trình các bước phẫu thuật nâng cơ mí mắt
Điều trị sụp mí mắt bằng phương pháp nâng cơ mi trên có nhiều cách. Hiện nay, đa phần các bệnh viện chuyên khoa mắt đang áp dụng 4 cách sau:
2.1 Cắt cơ Muller và sụn kết mạc
Đối tượng chủ yếu được chỉ định thực hiện phương pháp này là những trường hợp sụp mí nhẹ. Cơ nâng mi vẫn có khả năng đàn hồi tốt.
Các bước tiến hành:
– Người được phẫu thuật sẽ sử dụng thuốc gây tê tại chỗ.
– Bác sĩ tiêm Lidocain và Epinephrine dưới da nhằm đảm bảo không có biến dạng tại các lớp giải phẫu trước phẫu thuật.
– Một phần của bờ trên sụn, dưới cơ Muller và kết mạch, tổ chức da thừa sẽ được loại bỏ.
– Sụn mi, da mí được điều chỉnh.
– Khâu chỉ tự tiêu.
– Băng bó và kết thúc phẫu thuật.
2.2 Phẫu thuật cắt cơ nâng mi trên
Phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp điều trị sụp mí mắt. Bệnh nhân có thể kết hợp tạo hình mí mắt thẩm mỹ, cải thiện sắc đẹp.
Các bước tiến hành:
– Đầu tiên, bác sĩ cũng gây tê tại chỗ vùng da sẽ phẫu thuật.
– Tiếp theo, bác sĩ sẽ xác định vị trí sợi cơ vòng mi.
– Kế đến, bác sĩ cân cơ nâng mi và cắt cơ theo mức độ sụp mí cũng như chức năng cơ nâng mi của bệnh nhân.
– Bác sĩ treo tạm thời cân cơ nâng mí vào sụn mí bằng chỉ tự tiêu.
– Cuối cùng là khâu phục hồi lớp cơ vòng phía trên và khâu kín, băng vết mổ.
Trong kỹ thuật này, việc đánh giá vị trí của mi sau mũi khâu đầu tiên là rất quan trọng. Vì nó sẽ quyết định kết quả treo cơ nâng mi vào sụn mí
2.3 Phẫu thuật gấp cơ nâng mi trên
Những người bị sụp mí vừa và nhẹ, có chức năng cơ nâng mi tốt nên thực hiện phương pháp này. Thông thường người ta sẽ kết hợp phẫu thuật nâng cung chân mày hoặc tạo hình mí mắt với phẫu thuật gấp cơ nâng mi trên.
Các bước tiến hành:
– Bác sĩ tiến hành đánh dấu vị trí nếp gấp cần tạo, cân đối hai bên cho đều.
– Tiếp theo, bệnh nhân được tiêm dưới da để gây tê tại chỗ.
– Kế đến, bác sĩ rạch da dưới mi theo vị trí đã đánh dấu.
– Khi quan sát thấy cân cơ nâng mi ở sát bờ trên sụn mi, bác sĩ dùng chỉ tự tiêu khâu 2 mép da vào cân cơ nâng mi theo thứ tự mép da trên, vị trí bám cơ nâng mi vào sụn, mép da dưới.
Khi gấp mí nâng cơ mi cần chú ý không để kẹp tổ chức mỡ hoặc cân vách hốc mắt vào mép khâu.
2.4 Phẫu thuật treo mi vào cơ trán
Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân có chức năng cơ nâng mi giảm hoặc mất hẳn. Cơ mi vẫn có độ đàn hồi nhất định. Theo đó, mí mắt trên được treo vào cơ tránh bằng các đường hầm ở dưới cơ vòng.
Các bước tiến hành:
– Bệnh nhân được sát trùng vùng da phẫu thuật
– Gây tê bằng Lidocain và Adrenalin, đối với trẻ em sẽ tiến hành gây mê.
– Tiến hành rạch da mi theo đường đánh dấu, mở vách hốc mắt để lộ sụn mi trên hoặc luồn vật liệu treo vào trong diện sụn bằng kim
– Cuối cùng, khâu da mi và tra thuốc mỡ kháng sinh, băng vết mổ để kết thúc phẫu thuật.
3. Chăm sóc sau phẫu thuật nâng cơ mi thế nào cho đúng?
Phẫu thuật cơ nâng mi trên bằng cách nào cũng cần chăm sóc hậu phẫu. Quá trình này có ảnh hưởng nhiều đến kết quả cuối cùng. Sau khi kết thúc quá trình mổ, bệnh nhân sẽ ở lại cơ sở y tế để theo dõi một thời gian ngắn, sau đó được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà.
Người nhà và bệnh nhân cần lưu ý đến những tình trạng như sau:
– Trong quá trình phục hồi, bệnh nhân có thể bị sưng, đau, tím ở mắt và căng vùng mắt. Đó là tình trạng bình thường và tự hết sau vài ngày.
– Người bệnh cần nghỉ ngơi, không ra ngoài trời nắng, đồng thời sử dụng thuốc theo chỉ định.
– Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cơ nâng mi khoảng 1 – 2 tuần tùy thuộc phương pháp và cơ địa của người bệnh.
Phẫu thuật cơ nâng mi trên vừa giúp bạn sở hữu đôi mắt đẹp, vừa giúp xử lý tình trạng suy nhược thị lực, ngăn ngừa lác mắt. Để nâng cơ mi trên an toàn, hiệu quả, chính xác, bạn nên tiến hành tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Không chọn các cơ sở chưa được cấp phép, ít được biết đến, tránh hậu quả nghiêm trọng.