4 Phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Đức Khôi

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Phù phổi cấp là tình trạng nguy hiểm, cần chẩn đoán và xử trí kịp thời. Trong đó, chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp giúp phát hiện sớm tổn thương, phân biệt nguyên nhân và hỗ trợ điều trị hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và 5 phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp điển hình.

1. Phù phổi cấp là gì? Cơ chế sinh bệnh phù phổi cấp

1.1. Phù phổi cấp là gì?

Phù phổi cấp là tình trạng dịch ứ đọng nhanh chóng trong mô kẽ và phế nang của phổi, gây cản trở trao đổi khí và dẫn đến khó thở dữ dội, tụt oxy máu, thậm chí suy hô hấp cấp. Đây là một cấp cứu nội khoa, tiến triển nhanh và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Nguyên nhân thường gặp nhất là suy tim trái, ngoài ra còn có các nguyên nhân không do tim như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), nhiễm trùng nặng hoặc hít phải độc chất.

1.2. Cơ chế sinh bệnh phù phổi cấp

Phù phổi cấp xảy ra khi dịch thoát ra khỏi mao mạch phổi và tích tụ trong mô kẽ hoặc phế nang, làm cản trở trao đổi khí. Có hai cơ chế chính:

– Phù phổi cấp do tim: Tăng áp lực thủy tĩnh trong mao mạch phổi, thường do suy tim trái, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim… Dịch thấm từ lòng mạch vào mô kẽ và phế nang.

– Phù phổi cấp không do tim: Tổn thương hàng rào mao mạch – phế nang gây tăng tính thấm (ví dụ: ARDS, nhiễm trùng nặng, ngộ độc, sốc…). Dịch giàu protein thoát vào phế nang, không liên quan đến áp lực thủy tĩnh.

chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp

Sự phân biệt hai thể này có ý nghĩa quan trọng trong chỉ định cận lâm sàng và điều trị.

2. Nguyên nhân gây ra phù phổi cấp 

Phù phổi cấp xảy ra do sự mất cân bằng trong quá trình trao đổi nước giữa các mao mạch phổi, phế nang và tổ chức kẽ. Nguyên nhân chính gồm:

– Tăng thêm áp lực mao mạch phổi

– Tăng tính thấm thành của mao mạch

Các yếu tố thuận lợi bao gồm:

– Giảm đi áp lực keo của huyết tương

– Xảy ra tắc nghẽn hệ thống bạch huyết

Tùy vào cơ chế và nguyên nhân gây bệnh, phù phổi cấp được chia thành hai loại: phù phổi cấp huyết động và phù phổi cấp do tổn thương.

– Phù phổi cấp huyết động: Là tình trạng tăng áp lực dịch trong lòng mao mạch một cách đột ngột, khiến huyết tương thoát ra khoảng kẽ và phế nang mà không gây tổn thương cấu trúc giải phẫu của phế nang. Nguyên nhân thường gặp là các bệnh lý tim mạch như: bệnh van tim, cơn tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim. Ngoài ra, các nguyên nhân ngoài tim bao gồm: viêm cầu thận cấp hoặc mạn, chọc tháo dịch màng phổi quá nhanh, truyền dịch quá nhiều hoặc quá nhanh.

– Phù phổi cấp do tổn thương: Là tình trạng huyết tương thấm qua màng phế nang – mao mạch mà không có sự gia tăng áp lực trong lòng mao mạch. Nguyên nhân có thể do việc nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vius. Các nguyên nhân khác bao gồm: ngộ độc cấp tính do hít phải khí độc (CO₂, NO₂, SO₂), hóa chất trừ sâu, acid mạnh, dầu hỏa; tình trạng ngạt nước, giảm protein máu, phản ứng dị ứng và sốc phản vệ trong truyền máu.

3. Những điều cần biết về chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp

3.1. Khi nào nên chỉ định chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp?

Chẩn đoán hình ảnh nên được chỉ định khi bệnh nhân có các biểu hiện nghi ngờ phù phổi cấp, bao gồm:

– Hơi thở dồn dập, cảm giác khó thở dữ dội.

– Cảm giác ngột ngạt, đặc biệt khi ở tư thế nằm.

– Ho ra đờm có bọt, đôi khi có máu.

– Thở khò khè, thở rít từng hơi.

– Da trở nên lạnh, ẩm.

– Thường xuyên có cảm giác lo sợ, bứt rứt, bất an.

– Môi tím tái.

– Nhận thấy nhịp tim tăng cao hơn so với bình thường.

chỉ định chẩn đoán hình ảnh phù phổi cấp

Khi có các dấu hiệu trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời

3.2. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh phát hiện phù phổi cấp

Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân và mức độ phù phổi cấp. Dưới đây là các phương tiện hình ảnh phổ biến và ứng dụng của chúng:

Siêu âm tim: Đánh giá các vùng cơ tim có lưu lượng máu kém, phát hiện những rối loạn trong chức năng co bóp của tim. Phương pháp này cũng có thể phát hiện sự hiện diện của dịch quanh màng tim.

– Chụp mạch vành: Được sử dụng trong trường hợp người bệnh đã trải qua các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây phù phổi cấp.

– Siêu âm phổi: Dùng để kiểm tra lượng dịch và máu tồn đọng trong phổi, đồng thời giúp phát hiện tình trạng tụ dịch phổi.

Chụp X quang ngực: Giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây khó thở, hỗ trợ chẩn đoán xác định phù phổi cấp. Đây là phương pháp hình ảnh học thường được chỉ định đầu tiên khi người bệnh xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.

chẩn đoán phù phổi cấp bằng phương pháp siêu âm

Siêu âm là một trong những phương pháp dùng để chẩn đoán hình ảnh phát hiện phù phổi cấp

4. Phù phổi cấp thường có hướng điều trị như thế nào?

4.1. Đối với trường hợp phù phổi cấp do huyết động

Trong các trường hợp phù phổi cấp huyết động nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các tư thế giúp giảm cảm giác ngạt thở. Cụ thể, người bệnh được yêu cầu ngồi dậy, thả lỏng hai chân buông xuống giường. Đồng thời, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ hô hấp qua ống thông mũi với lưu lượng oxy từ 6 đến 10 lít/ phút.

Đối với trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định đặt nội khí quản qua đường mũi nhằm làm sạch đờm, bọt khí, hoặc để hỗ trợ thông khí nhân tạo. Ngoài ra, việc sử dụng garo buộc ở gốc các chi cũng có thể được áp dụng nhằm giảm thể tích tuần hoàn và áp lực máu trở về tim.

Trong trường hợp người bệnh có kèm theo tình trạng tăng huyết áp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị như: thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu Trofurit, thuốc trợ tim Digoxin. Nếu cần thiết, thuốc an thần cũng có thể được sử dụng để giúp người bệnh ổn định tâm lý và cải thiện hô hấp.

4.2. Đối với trường hợp phù phổi cấp do tổn thương

Việc điều trị phù phổi cấp do tổn thương thường phức tạp hơn và đòi hỏi can thiệp tích cực. Tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, bác sĩ có thể xem xét việc đặt hoặc mở nội khí quản để hỗ trợ thông khí. Sau đó, người bệnh sẽ được hỗ trợ thở máy với áp lực dương nhằm duy trì sự trao đổi khí và giảm tổn thương thêm cho mô phổi.

Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho chẩn đoán và chỉ định điều trị từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ phù phổi cấp, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Tổng kết lại, khi có các dấu hiệu bệnh phù phổi cấp, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán kịp thời và từ đó bác sĩ sẽ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.Hi vọng bài viết trên có thể giúp mọi người nắm rõ một số thông tin về căn bệnh phù phổi cấp và biết thêm về những phương pháp được sử dụng trong quá trình chẩn đoán hình ảnh phát hiện phù phổi cấp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital