Khám sức khoẻ tổng quát được các bác sĩ khuyến cáo nên duy trì hàng năm để kiểm soát tốt tình trạng sức khoẻ của mình và loại bỏ nguy cơ mắc bệnh. Chỉ với 3 lưu ý khi khám sức khoẻ tổng quát, bạn sẽ dễ dàng có buổi thăm khám suôn sẻ, thoải mái và nhanh chóng.
Menu xem nhanh:
1. Cần chuẩn bị gì trước buổi khám sức khoẻ tổng quát?
Để buổi thăm khám diễn ra suôn sẻ, đạt kết quả như ý và không gặp phải bất kỳ vấn đề phát sinh nào thì việc tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ là vô cùng cần thiết. Theo đó, người đi khám sức khoẻ nên bỏ túi một số lưu ý sau để tránh làm sai lệch kết quả thăm khám.
– Để bụng rỗng tối thiểu 4 – 6 giờ đồng hồ, hoặc đi khám vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy để thu được kết quả chẩn đoán tốt nhất với các danh mục: xét nghiệm máu, nội soi đường tiêu hoá, siêu âm ổ bụng,… Trường hợp đã lỡ ăn sáng rồi, bạn nên rời lịch thăm khám tới chiều và lưu ý không ăn gì thêm (ngoại trừ nước lọc).
– Không sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích như: bia, rượu, cà phê, thuốc lá,… vì có thể ảnh hưởng tới kết quả thăm khám.
– Nữ giới đi khám phụ khoa cần tránh đi vào ngày có chu kỳ kinh nguyệt để đảm bảo vệ sinh.
– Kiêng quan hệ tình dục đối với cả nam và nữ nếu có thực hiện danh mục khám sức khoẻ sinh sản.
– Ăn mặc thoải mái, lịch sự để buổi kiểm tra sức khoẻ diễn ra tự nhiên, nhanh chóng.
– Không trang điểm hoặc sử dụng mỹ phẩm với trường hợp đi khám da liễu.
– Trường hợp có nội soi tiêu hoá, bạn chỉ nên ăn các thức ăn lỏng, mềm, tránh ăn rau xanh vào bữa tối hôm trước.
Ngoài ra, mỗi danh mục khám sẽ có những lưu ý riêng nhằm đảm bảo kết quả thu được chính xác nhất. Hãy tham khảo tư vấn từ phía bác sĩ để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bắt đầu buổi thăm khám.
2. Lưu ý trong quá trình khám sức khoẻ tổng quát
2.1. Lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát: Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ
Có một số lưu ý mà người đi khám sức khoẻ cần tuân theo trong quá trình diễn ra buổi thăm khám như:
– Nhịn căng tiểu để quá trình siêu âm ổ bụng đạt hiệu quả cao, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát khu vực phần phụ: buồng trứng, tử cung,…
– Tiểu sạch trước khi tiến hành siêu âm bằng đầu dò âm đạo.
– Các danh mục có sử dụng tia X như: Chụp X-quang ngực thẳng, chụp cắt lớp vi tính MSCT, đo mật độ xương,… được khuyến cáo không áp dụng đối với phụ nữ đang mang thai. Trường hợp đang mang bầu hoặc nghi ngờ mang bầu thì bạn cần thông báo với bác sĩ trước khi thực hiện.
2.2. Lưu ý khi khám sức khỏe tổng quát: Không giấu bệnh
Nhiều người cảm thấy ngại ngùng hoặc quên chia sẻ với bác sĩ về tiền sử sức khoẻ của bản thân trong buổi thăm khám. Điều này gây ra không ít khó khăn cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh và đưa ra hướng xử trí.
Trên thực tế, mỗi giai đoạn bệnh sẽ có hướng điều trị khác nhau. Ví dụ: Bệnh rối loạn mỡ máu giai đoạn đầu chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện để đưa các chỉ số về tình trạng cân bằng. Tuy nhiên, nếu chỉ số mỡ máu tiếp tục vượt ngưỡng ở các lần kiểm tra định kỳ tiếp theo thì bạn bắt buộc phải sử dụng thuốc. Nếu tình trạng mỡ máu cao kéo dài, bạn có nguy cơ đối diện với một số biến chứng nguy hiểm như: các bệnh lý về tim mạch, thậm chí đột quỵ,…
Phát hiện dấu hiệu bất thường và xử trí sớm giúp tăng hiệu quả điều trị, hạn chế tình trạng bệnh tái phát trở lại và loại bỏ nguy cơ đối diện với các bệnh nguy hiểm. Để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin quan trọng nào, bạn nên chuẩn bị trước hồ sơ bệnh án gần nhất, đơn thuốc đang sử dụng ở thời điểm hiện tại và những câu hỏi mà bạn còn thắc mắc để bác sĩ giải đáp.
3. Sẵn sàng tâm lý đón nhận bất kỳ kết quả nào sau buổi thăm khám
Nhiều loại bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu tiềm ẩn trong cơ thể từ lâu và diễn tiến âm thầm theo thời gian, hoặc phát bệnh chỉ trong một thời gian rất ngắn. Do vậy, bạn nên sẵn sàng tâm lý để đón nhận bất kỳ kết quả thăm khám nào.
Phát hiện bệnh càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao, do vậy bạn nên giữ vững tinh thần lạc quan và tiếp nhận điều trị sớm nhất có thể nếu không may phát hiện bệnh.
Nên nhớ rằng, khám sức khoẻ tổng quát hàng năm là điều kiện tiên quyết giúp bạn phát hiện sớm mọi dấu hiệu bệnh tật ngay từ giai đoạn rất sớm, đồng thời loại loại bỏ nguy cơ mắc bệnh thông qua việc điều chỉnh sinh hoạt hoặc can thiệp y khoa kịp thời. Hãy dành thời gian đi kiểm tra sức khoẻ 1 – 2 lần/ năm, kể cả khi cơ thể vẫn đang khoẻ mạnh, chưa có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
So với việc đi khám khi cơ thể bị đau nhức, khó chịu ở một bộ phận nào đấy, thì thăm khám sớm sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.