Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ là văn bản có giá trị theo dõi sức khỏe của bạn theo thời gian. Bạn có tự tin rằng bản thân đã hiểu rõ về hồ sơ khám sức khỏe này, hãy cùng kiểm tra nhé.
Menu xem nhanh:
1. Hồ sơ khám sức khỏe khác sổ khám bệnh
Khi đời sống phát triển, chúng ta quan tâm và cũng có điều kiện để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình nhiều hơn. Nhiều người dành thời gian để thực hiện khám sức khỏe định kỳ và kèm theo đó, bạn sẽ có hồ sơ khám sức khỏe dành riêng cho bản thân. Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm lẫn mẫu hồ sơ khám sức khỏe này với mẫu sổ khám bệnh mà chúng ta thường mua mỗi khi tới khám tại bệnh viện.
Hồ sơ khám sức khỏe là văn bản được sử dụng để theo dõi thông tin khám sức khỏe của người khám bệnh. Mẫu hồ sơ này sẽ bao gồm sổ khám sức khỏe định kỳ kèm theo, ảnh chứng thực thông tin và có thể kèm theo các văn bản khác tùy thuộc vào đối tượng tham gia khám sức khỏe. Và kết luận trên sổ khám sức khỏe định kỳ chỉ mang tính chất phân loại, đánh giá sức khỏe nói chung.
Trong khi đó, thông tin trên sổ khám bệnh thường chỉ bao gồm tên, ngày sinh và số sổ bảo hiểm. Nội dung sổ khám bệnh không thể hiện đầy đủ các thông tin về chỉ số sức khỏe tổng quát. Kết luận ghi trên sổ khám bệnh sẽ xác định loại bệnh cụ thể và các chỉ định điều trị (nếu có).
Trên thực tế, sổ khám bệnh có thể dùng để theo dõi tình hình bệnh và kết quả điều trị. Tuy nhiên, không nhiều người có thể giữ sổ khám bệnh tới lần khám sau. Do đó, chúng ta vẫn thường mua mới sổ khám bệnh khi tới bệnh viện. Điều này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới công tác theo dõi và chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Do đó, sổ khám bệnh sẽ được thay thế hoàn toàn bằng hồ sơ bệnh án điện tử và quy trình chuyển đổi sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2020.
2. Không chỉ có 1 mẫu hồ sơ khám sức khỏe
Đối với từng đối tượng khác nhau, mẫu hồ sơ khám sức khỏe sẽ phải bao gồm các giấy tờ sau:
- Hồ sơ khám sức khỏe của người 18 tuổi trở lên: Giấy khám sức khỏe (theo Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT), ảnh chân dung cỡ 4x6cm (ảnh nền trắng, chụp trong thời gian không quá 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ khám sức khỏe).
- Hồ sơ khám sức khỏe cho người chưa đủ 18 tuổi: Giấy khám sức khỏe (theo Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT), ảnh chân dung cỡ 4x6cm (ảnh được chụp trên nền trắng, thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ khám sức khỏe).
- Đối với người khám sức khỏe mất, hạn chế hoặc không có năng lực hành vi dân sự: Giấy khám sức khỏe (theo Phụ lục 1 hoặc 2 ban hành kèm Thông tư 14/2013/TT-BYT, tùy theo độ tuổi của người khám sức khỏe), văn bản đồng ý của người giám hộ hợp pháp của người đó.
- Đối với người được khám sức khỏe định kỳ: Sổ khám sức khỏe định kỳ (theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT), giấy giới thiệu của cơ quan nơi người khám sức khỏe đang làm việc đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ đơn lẻ.
3. Nội dung bắt buộc trong hồ sơ khám sức khỏe
Tương với với các đối tượng đã liệt kê phía trên, chúng ta có các mẫu giấy khám sức khỏe tương ứng. Các giấy chứng nhận sức khỏe này tương đối giống nhau ở danh mục khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là mẫu giấy khám sức khỏe theo Phụ lục 1 và 3 bởi cùng dành cho đối tượng trên 18 tuổi. Theo đó, ở phần dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn đọc những nội dung thông tin bắt buộc phải có trên giấy khám sức khỏe (phân chia theo độ tuổi, trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi) để các bạn tiện theo dõi hơn.
3.1. Thông tin trong hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người dưới 18 tuổi
- Thông tin cá nhân: Tên tuổi, số chứng minh thư (nếu có), họ tên người giám hộ…
- Tiền sử bệnh tật của gia đình: Khai thác thông tin người thân (ông bà, bố mẹ, anh chị em) có mắc các bệnh bẩm sinh hoặc truyền nhiễm.
- Tiền sử bệnh tật của bản thân: Thông tin sản khoa (đẻ thiếu hay thừa tháng, đẻ có can thiệp, đẻ ngạt…), tiêm chủng, tiền sử bệnh tật, các loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh (nếu có).
- Khám thể lực: Kiểm tra chỉ số chiều cao, cân nặng, huyết áp
- Khám lâm sàng: Kiểm tra sức khỏe các cơ quan tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận tiết niệu, đánh giá sức khỏe thần kinh – tâm thần…
- Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm huyết học, sinh hóa, X-quang và các xét nghiệm khác nếu được bác sĩ chỉ định thực hiện.
- Kết luận chung: Đánh giá tình trạng sức khỏe và các lưu ý về sức khỏe.
3.2. Thông tin trong hồ sơ khám sức khỏe định kỳ cho người trên 18 tuổi
- Thông tin cá nhân: Tên tuổi, số chứng minh thư (nếu có), địa chỉ…
- Tiền sử bệnh tật của gia đình: Khai thác thông tin người thân (ông bà, bố mẹ, anh chị em) có mắc các bệnh như: đái tháo đường, hen phế quản, ung thư, động kinh, rối loạn tâm thần…
- Tiền sử bệnh tật của bản thân: Thông tin người thực hiện khám sức khỏe có mắc các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, hen phế quản, ung thư, động kinh…
- Tiền sử thai sản (đối với người khám là nữ giới)
- Khám thể lực: Đo chỉ số chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp
- Khám lâm sàng: Khám mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, kiểm tra sức khỏe hệ tuần hoàn, hô hấp, thận tiết niệu, tiêu hóa, cơ xương khớp, kiểm tra sức khỏe thần kinh – tâm thần…
- Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm máu (công thức máu, sinh hóa, các xét nghiệm khác nếu có), xét nghiệm nước tiểu (kiểm tra lượng đường, protein, xét nghiệm khác nếu có), chẩn đoán hình ảnh.
- Kết luận chung: Phân loại tình trạng sức khỏe và nêu tên cụ thể các bệnh lý đã phát hiện (nếu có).
Lưu ý, với người trên 18 tuổi và được khám sức khỏe định kỳ thì bạn có thêm 1 danh mục thông tin bắt buộc phải hoàn thiện là liệt kê các công việc đã làm. Các công việc này sẽ được tính trong vòng 10 năm gần nhất từ thời điểm nộp hồ sơ khám sức khỏe. Đây sẽ là cơ sở để các bác sĩ nhận định các tác động từ môi trường làm việc để chỉ định bạn thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá chuyên sâu nếu cần thiết.
Khám sức khỏe định kỳ là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng ta theo dõi sức khỏe bản thân hiệu quả. Vì vậy, hãy chú ý lựa chọn đơn vị y tế tin cậy và hoàn thiện đầy đủ thông tin trong mẫu hồ sơ khám sức khỏe để quy trình thăm khám được tiến hành thuận lợi hơn bạn nhé.