Vắc xin 6 trong 1 là một trong những vắc xin được cha mẹ quan tâm và tin tưởng sử dụng dạo gần đây với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên sau khi tiêm chủng, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như sốt, sưng đỏ vị trí tiêm, quấy khóc,… Vậy nên cha mẹ cần biết cách theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm để trẻ luôn luôn khỏe mạnh và kịp thời can thiệp nếu có dấu hiệu bất thường. Dưới đây là 4 điều cha mẹ cần nhớ khi chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin 6 trong 1.
Menu xem nhanh:
1. Những thông tin cơ bản cần nắm rõ khi tiêm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ
1.1. Các loại vắc xin 6 trong 1 đang được sử dụng hiện nay
Vắc xin 6 trong 1 là loại vắc xin phối hợp có khả năng phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ trong một loại vắc xin. Cụ thể bao gồm:
– Bệnh bạch hầu (Diphtheria).
– Bệnh ho gà (Pertussis).
– Bệnh uốn ván (Tetanus).
– Bệnh bại liệt
– Bệnh viêm phổi, viêm não mủ do vi khuẩn Hib gây nên.
Có hai loại vắc xin 6 trong 1 đang được lưu hành và sử dụng rộng rãi tại Việt Nam đó là:
– Vắc xin phối hợp 6 trong 1 Hexaxim được sản xuất bởi công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi Pasteur (Pháp).
– Vắc xin phối hợp 6 trong 1 Infanrix Hexa được sản xuất bởi hãng GlaxoSmithKline (Bỉ).
1.2. Thành phần cụ thể của từng loại vắc xin 6 trong 1
Vắc xin Hexaxim là loại vắc xin được pha chế sẵn giúp cho thao tác tiêm dễ dàng hơn cũng như đơn giản hóa việc tiêm chủng. Điều này giúp rút gọn thời gian tiêm chủng cho trẻ và tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác. Mũi tiêm của vắc xin 6 trong 1 Hexaxim sẽ được thiết kế nhỏ hơn, giúp giảm cảm giác tiếp xúc với da, từ đó tạo cảm giác đỡ đau hơn cho trẻ nhỏ so với những mũi tiêm thông thường.
Vắc xin Infanrix Hexa mỗi hộp có chứa 1 bơm kim tiêm đóng sẵn thành phần dạng hỗn dịch các kháng nguyên và 1 lọ bột vắc xin đông khô Hib, kèm 2 kim tiêm. Khi sử dụng bác sĩ cần phải pha hỗn dịch với bột HiB đông khô gọi là pha hoàn nguyên vắc xin.
Cụ thể về thành phần của hai loại vắc xin, các thành phần kháng nguyên khác đều tương tự nhau ngoại trừ thành phần ho gà. Cụ thể:
– Vắc xin Infanrix Hexa sẽ chứa 3 thành phần kháng nguyên ho gà là PT, Pertactin (PRN) và Filamentous hemagglutinin (FHA).
– Vắc xin Hexaxim sẽ chứa 2 thành phần kháng nguyên ho gà là PT và FHA.
1.3. Lịch tiêm chủng vắc xin 6 trong 1 dành cho trẻ nhỏ
Cả 2 loại vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa và Hexaxim đều tiện dụng, giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian tiêm chủng cho trẻ. Lịch tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 sẽ bao gồm 3 mũi chính và một mũi nhắc lại như sau:
– Mũi tiêm 1: tiêm khi trẻ ở mốc 02 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 2: tiêm khi trẻ ở mốc 03 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 3: tiêm khi trẻ ở mốc 04 tháng tuổi.
– Mũi tiêm 4: tiêm nhắc khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
2. Những điều cần nhớ khi chăm sóc cho trẻ sau tiêm vắc xin 6 trong 1
2.1. Cách chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin 6 trong 1 khi về nhà
– Cần theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên khi về nhà, có thể sử dụng nhiệt kế kẹp nách để theo dõi.
– Không được tự ý sử dụng thuốc hạ sốt, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
– Dùng khăn ấm chườm hoặc lau người cho trẻ ở một số vùng như nách bẹn, bàn tay, bàn chân…để giảm nhiệt cơ thể.
– Cho trẻ mặc quần áo thoải mái, rộng rãi và thấm hút mồ hôi, không nên mặc quá nhiều lớp khiến trẻ khó chịu.
– Chú ý các hiện tượng mất nước ở trẻ sau khi tiêm có thể xảy ra như tã ít ướt hơn, miệng khô, mắt trũng sâu và khóc không ra nước mắt. Cần bổ sung nước và sữa liên tục cho trẻ sau khi tiêm để bù nước cho con.
2.2. Phân biệt các phản ứng phụ có thể xảy ra ở trẻ sau khi tiêm vắc xin 6 trong 1
Các phản ứng thông thường mà trẻ có thể gặp phải sau tiêm 6 trong 1
– Sưng, đau tại vị trí tiêm: do da của trẻ nhạy cảm nên sau khi tiêm dễ bị sưng tấy, điều này có thể khiến trẻ đau và khó chịu nên quấy khóc. Một số trẻ sẽ bị nổi cục ở vết tiêm nhưng cha mẹ không cần quá lo lắng và can thiệp vào vết tiêm vì chúng sẽ nhanh chóng khỏi vào 1 đến 2 ngày sau đó.
– Sốt nhẹ: là một trong các phản ứng cho thấy cơ thể trẻ đang miễn dịch với kháng nguyên. Đại đa số trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm vắc xin 6 trong 1 là an toàn.
– Trẻ quấy khóc, mệt mỏi: do hệ miễn dịch của trẻ đang phản ứng lại với vắc xin nên sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong người.
– Bỏ bú, lười ăn: do cơ thể mệt mỏi hoặc do trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1. Cha mẹ nên bổ sung thêm vitamin C và chia nhỏ bữa ăn để cơ thể trẻ đảm bảo sức khỏe cho quá trình hồi phục sau tiêm.
Các phản ứng hiếm gặp sau khi tiêm vắc xin nhưng tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ
– Tình trạng lơ mơ.
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp.
– Sưng viêm nặng tại vết tiêm và có thể lan đến khớp kề cận.
– Phát ban.
– Nổi mề đay.
– Co giật.
Khi có các biểu hiện hiếm gặp, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.
2.3. Xử trí đúng cách khi trẻ bị sốt và chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin 6 trong 1
Khi trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1, trước hết cha mẹ cần theo dõi cẩn thận các phản ứng của trẻ để dự phòng biểu hiện bất thường. Sau đó, tùy vào từng trường hợp sốt mà đưa ra các cách xử lý phù hợp:
– Sốt cao trên 38.5 độ C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường với liều lượng theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu đã dùng thuốc mà không hạ sốt hoặc có dấu hiệu trở nặng, cần cho trẻ đến bệnh viện để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
– Sốt dưới 38.5 độ C có thể chườm ấm và cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh cho trẻ nằm/ngồi trực tiếp dưới quạt.
Trên đây là những điều cha mẹ cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ nhỏ. Sau khi tiêm chủng, cha mẹ cần chú ý theo dõi chăm sóc trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.