3 Điều cần lưu ý khi đi tiêm vaccine cho trẻ 

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Trẻ nhỏ là đối tượng có kháng thể yếu, vì vậy tiêm vaccine là một trong những biện pháp có thể phòng bệnh cho trẻ hữu hiệu nhất. Tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách hiệu quả để giúp phòng tránh các bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Cùng với đó, có một số điều cha mẹ cần lưu ý khi đi tiêm vaccine cho trẻ.

1. Vai trò của hoạt động tiêm vaccine cho trẻ

Tiêm vacxin là đưa chế phẩm có chứa virus hoặc vi khuẩn sống đã được giảm độc lực hoặc bất hoạt vào trong cơ thể để kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh.

Cho trẻ nhỏ thực hiện tiêm vacxin là biện pháp giúp bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi:

– Hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu nên dễ bị các tác nhân xấu xâm nhập và gây bệnh trong cơ thể.

– Với điều kiện môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và bùng phát dịch khó kiểm soát.

Cha mẹ thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để có thể hạn chế biến chứng nguy hiểm và giảm thiểu những nguy cơ tử vong do bệnh tật ở trẻ.

tiêm vaccine

Tiêm vaccine giúp chủ động bảo vệ sức khỏe của trẻ khỏi những bệnh lý lây nhiễm nguy hiểm

2. Vật dụng cần mang theo khi cho trẻ tiêm vaccine

Khi cho trẻ đi tiêm, cha mẹ lưu ý cần mang theo một số vật sau:

– Sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm: Nơi ghi chi tiết các mũi tiêm trước đây trẻ đã được chích ngừa. Đây là cơ sở để bác sĩ đánh giá lần tiêm này cần tiêm bổ sung hay tiêm bù mũi vacxin nào cho trẻ. Cùng với đó, sau khi tiêm, bác sĩ đã đánh dấu mũi đã tiêm ngày hôm đó để có căn cứ theo dõi cho những lần tiêm sau. Dù phiếu hay sổ tiêm chủng cũng là tài liệu quan trọng nên cha mẹ cần mang theo mỗi lần cho trẻ đi tiêm.

– Khi đi tiêm cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để thao tác chích ngừa dễ dàng và không làm trẻ thấy khó chịu khi tiêm.

– Cha mẹ nên mang theo bình nước, bỉm và sữa để dự phòng lúc trẻ sẽ cần dùng tới.

3. Một số điều cần lưu ý khi đi tiêm vaccine cho trẻ

3.1. Các đối tượng đặc biệt mà phụ huynh cần lưu ý

Đối với trẻ nếu thuộc một trong những đối tượng dưới đây, cha mẹ cần lưu ý đợi sức khỏe của bé ổn định rồi mới thực hiện tiêm:

– Suy chức năng các cơ quan (suy hô hấp, suy tim, suy thận, suy gan…).

– Mắc các bệnh cấp tính hoặc nhiễm trùng.

– Sốt cao trên 37,5 độ C hoặc thân nhiệt hạ thấp dưới 35,5 độ C.

Ngoài ra, 2 trường hợp này cần tạm hoãn tiêm chủng vacxin sống giảm độc lực là:

– Trẻ mới sử dụng các sản phẩm miễn dịch trong vòng 3 tháng.

– Trẻ đang hoặc vừa mới kết thúc đợt điều trị corticoid, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày.

Cần thực hiện khám sàng lọc trước, nhận chỉ định tiêm và thực hiện tiêm vaccine ngay tại viện đối với các trường hợp:

– Trẻ có cân nặng dưới 2kg.

– Có phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin (lần đầu tiên không sốt, lần sau sốt cao trên 39 độ C…)

– Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, tiết niệu, ung thư chưa ở trạng thái ổn định.

lưu ý khi đi tiêm vaccine

Một số điều cha mẹ cần lưu ý trước khi cho trẻ tiêm vacxin

3.2. Lưu ý khi đi tiêm vaccine – Trước và sau khi tiêm

Trước khi tiêm

– Để đảm bảo hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh trước khi tiêm, nên cho trẻ uống đủ nước và ưu tiên cho trẻ ăn các loại thực phẩm dinh dưỡng.

– Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, che chắn khi ra ngoài. Không cho trẻ vận động liên tục dưới ánh nắng mắt trời hạn chế tình trạng sốt trước khi tiêm phòng.

– Không cho trẻ ăn quá no hoặc quá đói khi đi tiêm.

– Vệ sinh cá nhân cơ thể cho trẻ sạch sẽ.

– Trao đổi trước với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của trẻ hiện tại, có tiền sử mắc bệnh hay đang có bệnh gì hay không…

Sau khi tiêm

Sau tiêm cha mẹ cần cho trẻ lưu lại theo dõi tại cơ sở tiêm 30 phút để phát hiện sớm các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm. Cần tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà ít nhất 24 giờ về tinh thần, ăn, ngủ, các nốt phát ban trên da, triệu chứng tại vị trí tiêm… Cha mẹ cần lưu ý:

– Duy trì chế độ ăn uống hàng hàng, cho trẻ bú mẹ và uống nhiều nước hơn.

– Kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, đặc biệt là ban đêm.

– Theo dõi biểu hiện cơ thể của trẻ thường xuyên, không chạm, đè hay đắp vật gì lên vị trí tiêm.

– Nếu trẻ bị sốt, cần cặp nhiệt độ, chườm ấm và theo dõi, chỉ cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3.3. Tác dụng phụ trẻ có thể gặp mà phụ huynh cần lưu ý khi đi tiêm vaccine

Tiêm phòng là cách bảo vệ trẻ bằng cơ chế bảo vệ tự nhiên là phản ứng miễn dịch. Do phản ứng miễn dịch này gây ra mà trẻ có thể gặp một số phản ứng phụ như:

– Sốt nhẹ: Phản ứng phổ biến thường gặp ở trẻ sau khi được tiêm phòng. Đây là phản ứng của cơ thể với thuốc và thường tự khỏi sau 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, đối với một vài trường hợp trẻ có thể sốt cao trên 39 độ C thì cần cho trẻ tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

– Vết tiêm sưng tấy, đỏ, đau: Tình trạng này có thể tồn tại một vài ngày nhưng đây là phản ứng bình thường và có thể tự khỏi nên không cần quá lo lắng.

– Dị ứng: Trẻ có thể xuất hiện các vết ban mề đay nổi lên hoặc ngứa toàn thân

– Những phản ứng khác có thể gặp: Tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não…

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cho trẻ tới cơ sở y tế nếu trẻ xuất hiện các tình trạng như: trẻ quấy khóc liên tục trên 3 tiếng sau chích ngừa; trẻ có phản xạ kém, lừ đừ, co giật.

vacxin trẻ em

Tiêm vaccine được đánh giá có độ an toàn cao và ít gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng

Mong rằng bài viết trên có thể giúp phụ huynh nắm được những lưu ý khi đi tiêm vaccine để đảm bảo vaccine phát huy hiệu quả và an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital