Viêm họng cấp ở trẻ: Dấu hiệu và điều trị bệnh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm họng cấp là bệnh về đường hô hấp phổ biến ở trẻ em, bệnh nếu để dai dẳng và không điều trị kịp thời, dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề. Vì vậy, việc hiểu về bệnh viêm họng cấp ở trẻ: dấu hiệu, nguyên nhân và hướng điều trị sẽ giúp bố mẹ chăm sóc con tốt hơn và bảo vệ được sức khỏe của trẻ ở những năm tháng đầu đời còn non nớt.

1. Những hiểu biết chung về bệnh viêm họng cấp ở trẻ

Đây là bệnh viêm đường hô hấp trên rất thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng viêm nhiễm của lớp niêm mạc nằm phía sau cổ họng gây biểu hiện điển hình là đau, ngứa họng. Về thời điểm thì bệnh có thể xảy ra quanh năm, ở bất kỳ thời điểm nào, nhưng thường xảy ra nhất vào lúc giao mùa, mùa lạnh do vi khuẩn có môi trường lý tưởng để sinh sôi và là lúc hệ miễn dịch của trẻ dễ tổn thương nhất. Bệnh viêm họng cấp ở trẻ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm màng não, bội nhiễm phế quản, biến chứng viêm khớp,… Tóm lại, dù là bệnh phổ biến, thường gặp, chữa trị đơn giản nhưng lại đem đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Vì vậy, bố mẹ hãy luôn chú ý đến trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu bất thường.

Khái niệm bệnh viêm họng cấp ở trẻ

Trẻ em rất dễ bị viêm họng cấp và tái lại mỗi khi thời tiết thay đổi.

2. Nhận biết bệnh viêm họng cấp qua những dấu hiệu nào?

Để giúp ích cho quá trình điều trị viêm họng cấp của con, bố mẹ nên nắm được các biểu hiện bất thường dù là nhỏ nhất của trẻ để có thể xử lý kịp thời:
– Triệu chứng giống cảm cúm thông thường như: chảy nước mũi nhiều, ngạt mũi, hắt hơi
– Trẻ có dấu hiệu ho khan, lúc này họng trẻ bị ngứa do các tác nhân gây viêm. Trẻ có thể bị ho có đờm, ho đặc tiếng khi bệnh đã tiến triển nặng.
– Có các cơn sốt, có thể tới 39 độ hoặc hơn. Nếu sốt quá cao trẻ dễ có cơn co giật.
– Biểu hiện bất thường ở tiêu hóa như nôn, đi ngoài phân lỏng
– Bệnh khiến trẻ khó thở, khó chịu, quấy khóc, mệt mỏi, có thể dẫn đến bỏ ăn, bỏ bú
– Nuốt đau
– Amidan của trẻ có thể sưng đỏ

Bệnh viêm họng cấp có thể dẫn đến các bệnh lý liên quan như viêm tai giữa, viêm phổi,… Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng cũng có sự khác nhau. Xác định nguyên nhân gây bệnh chính xác sẽ giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả nhanh hơn.

3. Bệnh viêm họng cấp đến từ nguyên nhân nào?

Nhìn chung, bệnh viêm họng cấp ở trẻ có thể do 2 nguyên nhân chính là virus và vi khuẩn. Trong đó, virus chính là thủ phạm chính gây bệnh. Một số loại virus gây bệnh có thể kể đến như: adeno, rhino, influenza… Nếu do vi khuẩn thì có thể do: vi khuẩn liên cầu nhóm A, gonorrhea,… Ngoài ra, các vấn đề của môi trường sống cũng có ảnh hưởng không nhỏ và góp phần làm tình trạng viêm họng của trẻ trầm trọng hơn:
– Thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm tăng cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi
– Khói xe, khói bụi, khói thuốc
– Trẻ thay đổi chế độ ăn, cai sữa mẹ có hệ miễn dịch yếu dễ bị vi khuẩn tấn công
– Bệnh cũng có thể bị lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với các chất dịch, giọt bắn của người mắc bệnh

Đường lây nhiễm bệnh viêm họng cấp ở trẻ

Trẻ có thể bị lây bệnh qua giọt bắn hoặc khói bụi vì vậy bố mẹ nên chú ý cho trẻ đeo khẩu trang phòng bệnh.

4. Hướng điều trị bệnh viêm họng cấp

Bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ có các biểu hiện như: triệu chứng bệnh trên toàn thân đã kéo dài quá 3 ngày mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm, có biến chứng khiến trẻ khó nuốt, khó nói,… Việc điều trị cho trẻ còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trước tiên các bác sĩ tiến hành chẩn đoán bệnh dựa trên các dấu hiệu lâm sàng hoặc làm các xét nghiệm cần thiết. Nguyên tắc điều trị bệnh là thuyên giảm triệu chứng, phòng ngừa biến chứng. Trẻ có thể được kê một số loại thuốc như:
– Các loại thuốc kháng sinh (amoxicillin, penicillin,…) có liều dùng có thể kéo dài 7 ngày. Việc điều trị bằng kháng sinh cần có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ không tự ý mua thuốc và dừng thuốc khi thấy con đã thuyên giảm triệu chứng vì có thể khiến trẻ bị nhờn thuốc.
– Dùng các loại thuốc hạ sốt, điều trị ho
– Bên cạnh đó cần chú ý bù điện giải, bù nước

Trong suốt quá trình điều trị bệnh, bố mẹ cần chú ý quan sát và theo dõi liên tục phòng khi trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi,… Song song với quá trình điều trị bệnh, bố mẹ cần chú ý chế độ chăm sóc cho trẻ:
– Bù nước cho trẻ bằng cách cho bú hoặc uống nhiều nước
– Chườm ấm, lau người cho trẻ giúp hạ sốt
– Sử dụng các loại máy hiện đại để giữ độ ẩm, nhiệt độ phòng ổn định
– Tránh nước lạnh, đồ ăn lạnh
– Chia nhỏ bữa ăn, ăn lỏng giảm áp lực cho hệ tiêu hóa của trẻ
– Chú ý để trẻ nghỉ ngơi đầy đủ
– Đo nhiệt độ cơ thể trẻ liên tục
– Nếu trẻ có dấu hiệu nôn, nôn ra thuốc sau khi uống thì bố mẹ không nên cố gắng cho trẻ uống thuốc trở lại, nên đợi trẻ ổn định và được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ.

Điều trị bệnh viêm họng cấp ở trẻ

Trẻ mắc viêm họng cấp có thể gặp các biến chứng nguy hiểm nên bố mẹ hãy chú ý cho trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường.

5. Bố mẹ nên chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ

Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh nên bố mẹ hãy chủ động trong mọi tình huống, cung cấp dinh dưỡng, bảo vệ trẻ ngay cả khi trẻ không mắc bệnh:
– Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cung cấp các loại trái cây giúp tăng đề kháng: cam, bưởi,…
– Bổ sung các loại vitamin cho trẻ nhưng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều dùng dựa trên thể trạng của trẻ
– Tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa bệnh hiệu quả
– Hạn chế đồ uống lạnh đặc biệt là trong mùa thu đông
– Chú ý giữ ấm cơ thể và đường hô hấp trên
– Tập thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ
– Ra đường nên đeo khẩu trang và vệ sinh tay, mũi họng khi trở về
– Tái khám hoặc khám sức khỏe định kỳ để chủ động chữa bệnh khi bệnh ở giai đoạn sớm
– Giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, không gian vui chơi của trẻ

Viêm họng hoàn toàn có thể tự thuyên giảm triệu chứng mà khỏi bệnh nhưng bố mẹ không nên chủ quan. Bố mẹ nên đưa con đi khám để được điều trị bệnh dứt điểm, tránh để bệnh dai dẳng lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe trẻ. Nhi Khoa Thu Cúc TCI luôn sẵn sàng đồng hành cùng bố mẹ trên chặng đường lớn khôn của con.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital