Lưu ý các mũi tiêm phòng bắt buộc cho trẻ dưới 2 tuổi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Trong hai năm đầu, hệ thống miễn dịch ở trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ. Do vậy, việc tiêm chủng giúp cơ thể của trẻ có đủ các kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, với những bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bại liệt , uốn ván, viêm não,… Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong những ngày tháng đầu đời, cha mẹ cần ghi nhớ các mũi tiêm phòng bắt buộc cho trẻ dưới 2 tuổi.

1. Ý nghĩa của tiêm phòng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ

Khi trẻ ở những giai đoạn đầu đời, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện. Trẻ càng nhỏ, khả năng mắc bệnh càng cao và có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Bên cạnh đó, mặc dù y học thế giới ngày càng phát triển nhưng đối với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như uốn ván, ho gà, bại liệt… thì việc điều trị còn gặp rất nhiều khó khăn và tỷ lệ tử vong cao.

Vậy nên, tiêm phòng vắc xin cho trẻ chính là cách đơn giản nhất giúp bảo vệ con trẻ trước các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt với đặc điểm:

– Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm tại Việt Nam tạo môi trường thích hợp để vi khuẩn phát triển và dễ bùng thành dịch bệnh.

– Các bệnh truyền nhiễm rất dễ lây theo nhiều con đường khác nhau như: lây nhiễm qua đường hô hấp, đường máu, đường ăn uống, đường tình dục hoặc lây từ mẹ sang con,…

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch tiêm chủng giúp bảo vệ trẻ khỏi gần 30 bệnh lý nguy hiểm trong đó có thủy đậu, ho gà, sởi, lao,… Bản chất của tiêm phòng chính là việc sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh. Khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận ra và tạo ra các kháng thể chống lại. Do đó, cơ thể trẻ sẽ không bị mắc bệnh.

Ý nghĩa của việc tiêm phòng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ

Tiêm chủng đầy đủ giúp bảo vệ trẻ khỏi gần 30 bệnh lý nguy hiểm

2. Lưu ý các mũi tiêm phòng bắt buộc cho trẻ dưới 2 tuổi

2.1. Khuyến cáo về các mũi tiêm phòng bắt buộc cho trẻ dưới 2 tuổi

Trong giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ cần lưu ý tiêm đầy đủ các mũi tiêm sau cho trẻ:

Vắc xin viêm gan B.

– Vắc xin phòng bệnh lao.

– Vắc xin phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà.

– Vắc xin bại liệt.

– Vắc xin Hib.

– Vắc xin ngừa phế cầu khuẩn.

– Vắc xin cúm.

– Vắc xin viêm gan A.

Vắc xin thủy đậu.

– Vắc xin phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella.

– Vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota.

Các mũi tiêm phòng bắt buộc dành cho trẻ dưới 2 tuổi

Cha mẹ cần chú ý các mũi tiêm được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ

2.2. Thời điểm thực hiện các mũi tiêm phòng bắt buộc cho trẻ dưới 2 tuổi

Dưới đây là thời điểm thực hiện các mũi tiêm cho trẻ dưới 2 tuổi mà cha mẹ cần lưu ý:

Giai đoạn sơ sinh

– Tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 30 ngày đầu ngay sau sinh.

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi số 1) trong vòng 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được.

Giai đoạn 1 tháng tuổi

Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi số 2) nếu mẹ có mang virus viêm gan B.

Giai đoạn 2 tháng tuổi

– Uống vắc xin phòng tiêu chảy do virus Rota gây nên.

– Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn (mũi số 1) lúc trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên.

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi số 2) và phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzae (mũi số 1) lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Để phòng các bệnh trên, cha mẹ có thể sử dụng vắc xin 6 trong 1 hoặc sử dụng vắc xin 5 trong 1 và uống thêm vắc xin phòng bại liệt.

Giai đoạn 3 tháng tuổi

– Uống vắc xin phòng tiêu chảy do virus Rota gây nên (liều số 2).

– Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn (mũi số 2).

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi số 3) và phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Hib (mũi số 2). Tương tự như trên, cha mẹ có thể sử dụng vắc xin 6 trong 1 hoặc sử dụng vắc xin 5 trong 1 và uống thêm vắc xin phòng bại liệt.

Giai đoạn 4 tháng tuổi

– Uống vắc xin phòng tiêu chảy do virus Rota gây nên (liều 3 nếu sử dụng vắc xin Rotateq của Mỹ).

– Tiêm vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn (mũi số 3).

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan B (mũi số 4) và phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Hib (mũi số 3). Loại vắc xin tương tự như trên.

Vắc xin phòng virus Rota là liều uống

Uống vắc xin phòng tiêu chảy do virus Rota gây nên

Giai đoạn 6 tháng tuổi

– Tiêm vắc xin phòng cúm (mũi số 1). Mũi số 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

– Tiêm vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn B,C: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 6 đến 8 tuần (thường là 2 tháng).

Giai đoạn 9 đến 12 tháng tuổi

– Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin kết hợp phòng sởi, quai bị, rubella (MMR mũi 1). Nếu mũi 1 tiêm lúc 9 đến dưới 12 tháng thì tiêm mũi số 2 sau 6 tháng, nhắc lại MMR sau 4 năm.

– Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (Imojev): có thể tiêm từ 9 tháng tuổi, tiêm 2 mũi cách nhau 1 đến 2 năm. Có thể tiêm cùng ngày tiêm với vắc xin phòng sởi hoặc vắc xin sởi, quai bị, rubella hoặc tiêm cách tối thiểu 1 tháng.

Giai đoạn 1 đến 2 tuổi

– Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B: có thể chọn 1 trong 2 loại vắc xin nếu chưa tiêm Imojev (mũi số 1).

– Tiêm vắc xin Jevax: sau khi tiêm mũi đầu, mũi 2 tiêm sau mũi 1 một đến hai tuần. Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại ít nhất 1 lần cho đến 15 tuổi.

– Tiêm vắc xin phòng thủy đậu (mũi số 1), mũi tiêm nhắc lại sau 4 năm.

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan A (mũi số 1). Mũi 2 tiêm nhắc lại sau 6 đến 12 tháng.

– Tiêm vắc xin phòng viêm gan B và phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Hib (vắc xin 6 trong 1 mũi 4) lúc 18 tháng và phải hoàn thành trước 24 tháng.

Trên đây là những loại vắc xin mà trẻ 2 tuổi cần phải tiêm. Cha mẹ có thể tham khảo và có cho con lộ trình tiêm chủng phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital