Điểm danh các bệnh lý viêm nhiễm vùng hậu môn

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Các bệnh viêm nhiễm vùng hậu môn thường gặp như: viêm ống hậu môn, viêm tấy tầng sinh môn, áp-xe cạnh hậu môn và rò hậu môn. Tùy thuộc vào từng thể bệnh cụ thể mà có biện pháp điều trị khác nhau. Điều quan trọng cần phải có kiến thức về các bệnh vùng hậu môn để phòng ngừa kịp thời.
Với chức năng chính của hậu môn là nơi đào thải những chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài nên rất hay bị viêm nhiễm do: nấm, ký sinh trùng, lao.
Ngoài ra, yếu tố gây ra các bệnh viêm nhiễm vùng hậu môn còn do những thói không tốt như: nín đi cầu, táo bón thường xuyên, vệ sinh vùng hậu môn kém, hoặc ở những người có cơ địa dễ nhiễm trùng như suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, người già, dùng corticoid kéo dài…

cac-benh-viem-nhiem-vung-hau-mon1

Các bệnh lý viêm nhiễm vùng hậu môn gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh

Các bệnh viêm nhiễm vùng hậu môn thường gặp

Nứt hậu môn

Những sang chấn tại chỗ gây căng giãn quá mức ống hậu môn như: đi cầu phân cứng khô đã tạo nên vết rách niêm mạc theo chiều dọc ở ống hậu môn. Ngoài ra, tiêu chảy nhiều lần hoặc các bệnh viêm vùng hậu môn trực tràng cũng có thể gây bệnh nứt hậu môn. Vết nứt cấp tính thường nông và mau lành nếu điều trị đúng. Vết nứt mạn tính (kéo dài hơn 1 tháng) gây loét sâu đến tận cơ thắt hậu môn.

Viêm ống hậu môn

Khởi đầu cảm giác đau rát vùng hậu môn hoặc đau cạnh hậu môn, diễn tiến đau càng nhiều hơn kèm sưng nề nóng quanh hậu môn hoặc ngay ống hậu môn. Toàn thân sốt, mệt mỏi. Vùng hậu môn nề nhẹ, đỏ đau, có thể có tổn thương rách phần da niêm mạc ống hậu môn.

Áp-xe cạnh hậu môn

Áp-xe cạnh hậu môn là ổ mủ nhiễm trùng nằm cạnh hậu môn hay trực tràng. Nguyên nhân do các tuyến hậu môn nhỏ tiết nhày, khi bị tắc nghẽn nhiễm trùng bộc phát có thể tạo thành ổ mủ. Túi mủ này phát triển trong mô lỏng lẻo vùng mông và có thể phá ra ngoài da.

cac-benh-viem-nhiem-vung-hau-mon

Áp xe hậu môn, nứt hậu môn hay viêm ống hậu môn đều cần phải được chữa trị sớm (khi mới xuất hiện triệu chứng)

Triệu chứng của áp-xe cạnh hậu môn đau dai dẳng vùng quanh hậu môn, đau cả không đi cầu và đi cầu. Từ hậu môn đau lan ra xa, đau tăng khi ho, bệnh nhân không dám đi nhanh, không dám ngồi mạnh, không thể ngồi yên trên xe vì đau, kích thích da vùng quanh hậu môn, chảy mủ ra ngoài, sốt và cảm giác mệt mỏi toàn thân.

Viêm tấy tầng sinh môn

Biểu hiện toàn thân có tình trạng nhiễm trùng nặng, vùng tầng sinh môn phù nề đỏ đau, có thể lan rộng lên bẹn hoặc vùng mông. Có thể có hoại tử mô hay viêm mủ mô mềm vùng này. Bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, mạch nhanh, cơ thể gầy.

Rò hậu môn

Rò hậu môn là chỉ các ống sưng lên ở xung quanh hậu môn, do lỗ rò bên trong, đường rò, hoặc lỗ rò bên ngoài tạo thành. Lỗ rò bên trong thường ở dưới trực tràng hoặc ống hậu môn, thường là một lỗ. Lỗ rò bên ngoài thường ở trên da hậu môn, có thể 1 hoặc nhiều lỗ, là một trong số những bệnh hậu môn trực tràng thường gặp. Phần lớn rò hậu môn là do áp-xe quanh hậu môn phát triển lên.
Triệu chứng điển hình của bệnh rò hậu môn là ở lỗ rò có mủ hoặc mủ lẫn máu. Chảy mủ: cục bộ ít nhiều có liên quan đến thời kỳ viêm nhiễm, ở thời kỳ viêm nhiễm cấp tính mủ nhiều, có mùi hôi. Trong thời kỳ viêm nhiễm cấp tính bệnh nhân có sốt cao, lạnh run, có dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu không điều trị sớm bệnh sẽ trở thành mạn tính, gây khó chịu cho người bệnh.

Cách phòng ngừa các bệnh lý viêm nhiễm vùng hậu môn

Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng hậu môn, chúng ta cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết:

cac-benh-viem-nhiem-vung-hau-mon2

Vận động thể dục thể thao hàng ngày cùng với chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm vùng hậu môn hiệu quả

  • Hạn chế hoặc bỏ trà và cà phê, vì 2 loại này là yếu tố thuận lợi gây táo bón kinh niên.
  • Tăng cường vận động thân thể bằng những biện pháp: tập thể dục thường xuyên, tham gia các môn thể dục thể thao mang tính vận động toàn thân như: môn chạy bộ, bóng bàn, bóng đá, cầu lông hay bơi lặn.
  • Có chế độ ăn uống hàng ngày nhiều rau xanh và chất xơ, các loại thức uống trái cây xay tươi.
  • Chế độ nghỉ ngơi và ngủ hợp lý, không thức khuya, tránh căng thẳng thần kinh.

Khi có vấn đề hoặc nghi ngờ viêm nhiễm vùng hậu môn, cần điều trị triệt để và tuân thủ chặt chẽ chế độ chăm sóc của bác sĩ điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital