Xẹp nhĩ do viêm tai giữa tái diễn: Nguy cơ mất thính lực vĩnh viễn

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ 

Nguyễn Chí Trung

Bác sĩ Tai Mũi Họng

(Dân trí) – Bệnh nhân bị viêm tai giữa tái diễn nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng xẹp nhĩ, suy giảm hoặc mất thính lực.

Lơ là với các dấu hiệu bất thường ở tai

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân khoảng 30 tuổi tới thăm khám trong tình trạng nghe kém. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân chia sẻ bản thân làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, tưởng rằng do đeo tai nghe nhiều nên mới bị ù tai, giảm sức nghe. Chỉ tới khi bản thân gần như không nghe rõ mọi thứ và phải nghe với âm lượng rất lớn nên mới quyết định đi khám.

Sau khi thăm khám, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Trung – Chuyên khoa Tai Mũi Họng Thu Cúc TCI xác định: “Bệnh nhân bị xẹp nhĩ tai phải nghiêm trọng, toàn bộ màng nhĩ của bệnh nhân bị hút dính vào thành trong tai giữa, dính cả vào ụ nhô do lớp sợi của màng nhĩ bị suy giảm chức năng đàn hồi và định hình”.

xẹp nhĩ do viêm tai giữa

Hình ảnh nội soi cho thấy tình trạng xẹp nhĩ của bệnh nhân.

Xẹp nhĩ là tình trạng màng nhĩ không căng bóng như bình thường mà bị co lõm vào trong hòm nhĩ, làm giảm khoảng trống của hòm nhĩ. Nguyên nhân là do sự giảm áp lực bên trong hòm nhĩ, dẫn đến màng nhĩ bị tiêu hết lớp sợi, trở nên trong và mỏng hơn. Xẹp nhĩ có thể xảy ra một phần của màng chùng hoặc ở toàn bộ màng nhĩ.

“Không chỉ dẫn tới xẹp nhĩ, thính lực của bệnh nhân suy giảm nặng nề, khó có thể nghe rõ âm thanh ở mức độ bình thường. Đây là hệ quả của quá trình bệnh nhân bị viêm tai giữa trong thời gian dài nhưng chủ quan với các dấu hiệu bất thường như cảm giác ù tai, thính lực giảm…” – Bác sĩ Chí Trung chia sẻ.

Phương án tối ưu với bệnh nhân lúc này là phẫu thuật chỉnh hình tai giữa, bóc tách màng nhĩ bị xẹp, đặt ống thông khí để vá tăng cường màng nhĩ. Tuy nhiên, do tình trạng xẹp nhĩ của bệnh nhân quá nặng và diễn ra khá lâu nên khả năng hồi phục thính lực không phải là điều đơn giản. Không chỉ tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, mà người bệnh còn cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, vệ sinh tai đúng cách tại nhà.

Chủ quan với viêm tai giữa, cảnh giác hệ lụy khó lường

Tình trạng tai giữa, khu vực phía sau màng nhĩ, bị nhiễm trùng, hình thành dịch mủ bất thường… được gọi là viêm tai giữa. Bệnh có thể hình thành ở bất kỳ đối tượng nào nhưng chủ yếu là ở trẻ em do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng kém.

Khi bị viêm tai giữa, người bệnh thường xuyên gặp phải các vấn đề như: đau tai, nghe kém, tai phản ứng kém với âm thanh, có dịch mủ bất thường chảy ra từ tai, sốt cao, mất thăng bằng, khó ngủ… Mặc dù là bệnh lý thường gặp và có thể xảy ra ở 80% trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, nhưng có không ít người chủ quan trong việc nhận biết và điều trị bệnh đúng cách.

Theo bác sĩ Chí Trung, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã tiếp nhận nhiều trường hợp người lớn, trẻ nhỏ tới khám và điều trị viêm tai giữa trong vòng 2 tháng trở lại đây do mùa hè là thời điểm mọi người rất ưa chuộng du lịch biển hoặc tham gia các môn thể thao như bơi lội. Việc vệ sinh tai sai cách, chủ quan với các dấu hiệu bất thường khiến tình trạng sức khỏe thính lực của người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện biến chứng.

xẹp nhĩ do viêm tai giữa

Tỷ lệ người thăm khám và điều trị vấn đề về tai như viêm tai giữa tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI tăng cao trong thời gian gần đây.

“Viêm tai giữa nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới thủng màng nhĩ, xẹp nhĩ, giảm thính lực, liệt mặt ngoại biên… Nguy hiểm hơn, viêm nhiễm có thể hình thành các khối Cholesteatoma ăn mòn, phá hủy cấu trúc tai giữa, tai trong và dẫn tới điếc tai” – Bác sĩ Trung cho biết.

Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe thính lực, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Đồng thời, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc hoặc điều trị các bệnh lý về tai như viêm tai giữa bằng mẹo dân gian chưa kiểm chứng.

Phòng viêm tai giữa đúng cách, ngừa nguy cơ mất thính lực

Bác sĩ Chí Trung cho biết, bất kỳ ai cũng cần trang bị cho bản thân những kiến thức đúng đắn để bảo vệ sức khỏe đôi tai, phòng ngừa viêm tai giữa và các bệnh lý về tai khoa học, như:

– Bơi lội ở những nơi có nguồn nước đảm bảo, vệ sinh, tránh bơi ở ao hồ, sông suối…

– Không để nước đọng trong tai khi tắm rửa, bơi lội; chỉ lau sạch tai ngoài bằng khăn bông mềm, không ngoáy tai bằng tăm bông.

– Vệ sinh tay sạch sẽ, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân, đeo khẩu trang khi tới nơi công cộng.

– Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh lý đường hô hấp hoặc các bệnh dễ lây truyền.

Tiêm phòng vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế để xây dựng hàng rào miễn dịch hiệu quả.

xẹp nhĩ do viêm tai giữa

Bác sĩ tư vấn cho người bệnh cách vệ sinh mũi họng khoa học để phòng ngừa viêm tai giữa.

Bác sĩ Chí Trung cũng khuyến cáo, người bệnh nếu thấy bản thân có các triệu chứng bất thường như đau nhức, chảy máu tai, tai có dịch mủ, tai nghe kém, ù tai, sốt cao… cần đến bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital