Viêm tụy cấp hoại tử là dạng viêm tụy cấp nguy hiểm nhất. Các trường hợp viêm tụy cấp thể hoại tử cần được nhanh chóng phát hiện và tiến hành cấp cứu kịp thời nếu không sẽ đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Viêm tụy cấp và các thể viêm chính
Tuyến tụy là nơi tiết ra các men tụy để tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men tụy này ban đầu được tiết ra dưới thể không hoạt động, chúng chỉ được hoạt hóa khi đi đến tá tràng. Nhưng từ một số nguyên nhân nào đó làm cho các men tụy bị hoạt hóa sớm ngay tại chính lòng ống tụy, từ đó gây hiện tượng tự hủy các mô tụy và dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp.
Trên lâm sàng, viêm tụy cấp được biểu hiện ở 3 thể chính gồm:
– Viêm tụy cấp phù nề;
– Viêm tụy cấp xuất huyết;
– Viêm tụy cấp hoại tử (đây cũng là thể viêm tụy cấp nguy hiểm nhất với tỷ lệ gây tử vong lên tới 90%).
2. Tìm hiểu về viêm tụy cấp hoại tử
2.1. Viêm tụy cấp hoại tử là gì?
Viêm tụy hoại tử là tình trạng mô tụy chết do viêm. Khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lây lan nhanh vào các mô chết và gây ra nhiễm trùng. Vì thế, viêm tụy cấp thể hoại tử là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nên cần có biện pháp can thiệp kịp thời nhanh chóng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tụy cấp nhưng thường đến từ thói quen uống nhiều rượu bia, người bệnh mỡ máu cao và do bị sỏi mật.
2.2. Triệu chứng nhận biết
Tùy theo mức độ viêm và thể viêm mà người bệnh viêm tụy cấp sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Phần lớn người bệnh đều có triệu chứng đau bụng. Cơn đau xuất hiện sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều dầu mỡ hoặc người bệnh có uống bia rượu. Đau bụng liên tục, đau lan sang 2 bên lưng và ngực.
Ngoài ra người bệnh viêm tụy còn có cảm giác buồn nôn, nôn ói nhiều. Bạn đầu chỉ là nôn ra thức ăn cũ, sau đó có thể thấy cả dịch dạ dày, dịch mật hoặc kèm theo cả máu (đối với trường hợp viêm tụy thể xuất huyết và viêm tụy hoại tử).
Đặc biệt, ở trường hợp viêm tụy cấp thể hoại tử có thể xuất hiện các triệu chứng như cảm thấy chướng bụng, khó chịu, bí trung đại tiện. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu kể trên, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới những cơ sở y tế uy tín để được kịp thời cấp cứu, theo dõi và điều trị đúng cách.
2.3. Chẩn đoán viêm tụy cấp hoại tử như thế nào?
Để chẩn đoán đúng về viêm tụy hoại tử, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp như:
– Thăm khám lâm sàng vùng bụng, tìm hiểu các triệu chứng của người bệnh và đặc điểm cơn đau bụng.
– Xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ men tụy, kali, natri, glucose, nồng độ mỡ máu triglyceride.
– Thực hiện các chẩn đoán hình ảnh cần thiết như siêu âm ổ bụng, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ MRI.
Khi phát hiện một phần tuyến tụy đã bị hoại tử thông qua các chẩn đoán kể trên, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết làm các xét nghiệm nhiễm trùng nhằm đánh giá chính xác mức độ viêm.
3. Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp hoại tử
Viêm tụy hoại tử khi không được phát hiện sớm và xử lý cấp cứu đúng cách sẽ diễn biến nặng nhanh chóng. Bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như sau:
– Nhiễm trùng ở tuyến tụy khi viêm tụy cấp trở nặng. Đây cũng là nguyên nhân chính hình thành nên các ổ áp xe tuyến tụy, gây ra viêm phúc mạc toàn thể và làm hoại tử mô.
– Nhiễm trùng huyết do viêm tụy có thể dẫn tới tình trạng sốc. Nhiễm trùng huyết làm giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, nhẹ thì gây tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn, trường hợp nặng sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
– Biến chứng suy đa tạng gồm suy hô hấp, rối loạn tuần hoàn và suy giảm hoạt động hệ tiết niệu.
Viêm tụy hoại tử thậm chí còn có thể gây ra các biến chứng toàn thân cực kỳ nguy hiểm như trụy tim mạch, chảy máu trong tụy,… Nếu không được kịp thời phát hiện và thực hiện cấp cứu, nguy cơ dẫn đến tử vong lên tới 80-90%.
4. Điều trị viêm tụy thể hoại tử
Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị cụ thể và cần thiết. Điều trị viêm tụy hoại tử tập trung vào 2 giai đoạn, đó là điều trị viêm tụy và sau đó điều trị loại bỏ phần tụy bị hoại tử. Trong trường hợp có nhiễm trùng huyết (thường gặp ở viêm tụy hoại tử), bác sĩ cũng sẽ xử lý ngay để tránh biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
4.1. Điều trị viêm tụy
Bác sĩ thực hiện đồng thời các phương án nhằm giảm đau, giảm triệu chứng và giảm hoạt động ở tuyến tụy:
– Dịch truyền tĩnh mạch;
– Dùng thuốc giảm đau;
– Nghỉ ngơi phù hợp;
– Dùng thuốc chống nôn;
– Cho ăn qua đường dạ dày hoặc đường mũi giúp tuyến tụy được nghỉ ngơi và nhanh chóng hồi phục bình thường trở lại.
Với trường hợp có nhiễm trùng huyết, bác sĩ sẽ thực hiện điều trị nhiễm trùng huyết bằng cách:
– Truyền dịch tĩnh mạch;
– Dùng thuốc kháng sinh;
– Hỗ trợ thở.
4.2. Điều trị các mô tụy bị chết hoặc nhiễm trùng
– Đối với mô tụy bị chết, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để lấy bỏ phần mô này. Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng là mổ nội soi.
– Đối với mô tụy bị nhiễm trùng có thể can thiệp điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp không có hiệu quả tốt sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.
Thời gian tốt để thực hiện phẫu thuật điều trị viêm tụy hoại tử là 3 hoặc 4 tuần sau khi bệnh khởi phát, không nên kéo dài vì nguy cơ biến chứng là rất cao. Trong trường hợp tình trạng sức khỏe người bệnh không tốt, ca phẫu thuật loại bỏ mô chết hoặc bị nhiễm trùng có thể cần phải tiến hành sớm hơn so với dự kiến.
Viêm tụy cấp hoại tử là một vấn đề sức khỏe cực kỳ nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Để đối phó và kiểm soát tốt diễn biến bệnh, bạn cần tuân thủ đúng phương án điều trị được bác sĩ chỉ định. Việc điều trị tiến hành càng sớm sẽ càng có lợi cho người bệnh.