Viêm tai xương chũm có cholesteatoma được cảnh báo gây những vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng thính lực của người bệnh. Vậy, bệnh lý này là gì, nguy hiểm như thế nào với chúng ta? Cùng tìm hiểu để cảnh giác hơn với căn bệnh đặc biệt này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm tai xương chũm kèm cholesteatoma
Viêm tai xương chũm có khối cholesteatoma là một trong những bệnh lý nguy hiểm, hình thành do vi khuẩn xâm nhập niêm mạc hòm tai và thông bào xương chũm, gây viêm nhiễm kèm tổn thương cholesteatoma. Về đại thể cholesteatoma là khối u nang được bao bọc bởi lớp màng trắng, có dạng tròn hoặc bầu dục, do tích tụ các tế bào chết tạo thành lớp sừng hóa vùng tai giữa hoặc xương chũm, còn được gọi là biểu mô Malpighi sừng hoá. Bệnh biểu hiện với những cơn đau tai dữ dội và tình trạng mất thính giác đột ngột.
Bệnh lý viêm tai cholesteatoma thực tế khá hiếm gặp, nhưng lại là nguy cơ phát triển của các bệnh lý về tai. Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI trong năm qua cũng từng điều trị phẫu thuật cho người bệnh N.X.N, 36 tuổi với bệnh lý viêm tai giữa thủng màng nhĩ có cholesteatoma và xẹp nhĩ 2 bên. Nhờ việc điều trị đúng cách và được chăm sóc bởi các bác sĩ đầu ngành, rất may, người bệnh đã phục hồi thính lực. Nhưng nhìn chung, viêm tai xương chũm tổn thương cholesteatoma là bệnh lý nhiều nguy hiểm bởi có thể gặp ở mọi độ tuổi và có thể phát triển, hủy hoại các bộ phận trong tai.
1.1. Nguyên nhân
Thực tế, cholesteatoma có hai dạng: bẩm sinh và mắc phải. Tình trạng cholesteatoma bẩm sinh thừng do phần biểu bì của bào thai còn sót lại hình thành và thường được phát hiện lúc khoảng 4-5 tuổi. Với cholesteatoma mắc phải, có 2 loại. Một loại có túi kéo, làm thượng nhĩ bị ăn mòn, chuỗi xương con bị phá hủy và khi đi khối tổn thương này đi vào sào đạo, sẽ ăn mòn các xương chũm, ống bán khuyên ngang. Một loại khác thường do hậu quả từ việc tổn thương màng nhĩ, có thể do viêm tai giữa, chấn thương. Viêm tai giữa xương chũm cholesteatoma có thể xuất phát từ cả hai nguyên nhân này.
1.2. Triệu chứng khi mắc bệnh
Những biểu hiện của viêm tai xương chũm cholesteatoma khá rõ ràng nhưng cũng có thể gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Người bệnh có thể bắt gặp các triệu chứng cần nghi ngờ viêm tai có cholesteatoma như:
– Ù tai
– Đau tai
– Sưng
– Động mắt
– Chóng mặt, mất thăng bằng
– Đau đầu
– Buồn nôn, nôn
– Giảm thính lực, nghe kém
– Mủ tai kèm mùi
Khi soi tai, bác sĩ có thể thấy tình trạng thủng màng nhĩ, các tổ chức xương bị ăn mòn, tiêu biến, niêm mạc hòm nhĩ dày sùi như các hạt, có mùi. Cận lâm sàng với hình thức chụp cắt lớp vi tính nhằm đánh giá tổn thương từ trước ra sau, từ trên xuống dưới của tai; CT Scan nhằm xem xét hình ảnh thượng nhĩ, sào bào , ống bán khuyên và tình trạng tiêu hủy chuỗi xương con, xương chũm; đo thính lực, soi mảnh biểu bì nhuộm Procarmin phát hiện cấu trúc màng mái;…
Tùy theo từng thể trạng người bệnh và mức độ viêm nhiễm mà viêm tai xương chũm cholesteatoma có thể có những biểu hiện khác nhau, ít hay nhiều với tùy từng người. Nhìn chung, khi thăm khám tại các cơ sở tai mũi họng chuyên nghiệp, trong quá trình chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ sẽ có những nhận định để phát hiện bệnh lý, điều trị phù hợp cho người bệnh.
2. Cẩn trọng với bệnh lý viêm tai xương chũm có tổ chức cholesteatoma
Các bác sĩ tai mũi họng TCI cho biết, bệnh viêm tai xương chũm cholesteatoma không thể tự khỏi. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh sẽ ăn mòn các tổ chức tai và có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm hơn:
– Điếc
– Phá hủy tổ chức tai
– Biến chứng thần kinh, gây viêm mê nhĩ, liệt mặt,…
– Biến chứng nội so, gây áp xe, viêm màng não
– Biến chứng xương: gây cốt tủy viêm xương kế cận, viêm xương đá,…
Các biến chứng của viêm tai xương chũm có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Ngoài ra, những biến chứng này có thể phát triển không kiểm soát. Do đó, cần đặc biệt chú ý, tránh để bệnh lâu, kéo dài và không thể điều trị, hoặc khi điều trị đã quá muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế của chính mình.
3. Điều trị
Việc điều trị viêm tai xương chũm cholesteatoma cần được tiến hành sớm. Người bệnh cần thăm khám thường xuyên và lâu dài để theo dõi bệnh lý. Trong đó, phương pháp phẫu thuật là chỉ định bắt buộc và điều trị nội khoa là hình thức hỗ trợ bên cạnh việc phục hồi cho người bệnh.
Việc phẫu thuật điều trị viêm tai xương chũm có tổ chức cholesteatoma nhằm lấy sạch bệnh tích và ổ viêm, giữ khô hốc mủ, sửa chữa và bảo tồn tối đa cấu trúc truyền âm của tai, ngăn ngừa các biến chứng và khả năng quay trở lại của bệnh. Việc phẫu thuật theo cách thức như thế nào dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là vị trí, tính chất bệnh tích, tình trạng thính lực, biến chứng với người bệnh, khả năng theo dõi cho người bệnh, độ tuổi người bệnh và kinh nghiệm, cơ sở vật chất của cơ sở điều trị. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thường kết hợp chỉnh hình tai giữa, vá nhĩ, tái tạo màng nhĩ, khôi phục xương,…
Bên cạnh phẫu thuật là các điều trị nội khoa cần thiết: kháng sinh liều nặng, làm thuốc tai hằng ngày, các thuốc phù hợp bệnh lý và vấn đề cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh phẫu thuật.
Đánh giá chung
Viêm tai xương chũm cholesteatoma là bệnh lý nhiều nguy hiểm với khả năng phát triển viêm nhiễm, ăn mòn cấu trúc và nguy cơ lây lan đến các cơ quan khác rất lớn. Để đề phòng bệnh lý này, cần chú ý vấn đề vệ sinh tai mũi họng, điều trị các bệnh lý sớm và đúng cách, nhất là với các bệnh lý viêm tai. Bên cạnh đó, cần có những hiểu biết nhất định về bệnh, thăm khám khi nghi ngờ và điều trị sớm khi phát hiện bệnh, nhằm ngăn ngừa sớm các biến chứng bệnh có thể gây ra.
Cũng cần nhớ rằng, điều trị viêm tai xương chũm có cholesteatoma là quá trình lâu dài và cần được theo dõi tỉ mỉ, kỹ càng bởi các bác sĩ kinh nghiệm. Do đó, người bệnh nên chọn cho mình các bệnh viện lớn với đội ngũ bác sĩ tai mũi họng kinh nghiệm để thăm khám và điều trị cho mình.