Viêm mí mắt – một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi, phụ nữ trang điểm hay người sống ở nơi ô nhiễm,… Bệnh có thể đơn thuần chỉ gây ngứa, khó chịu mắt cho người bệnh. Nhưng cũng có trường hợp sưng, đau và đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc hoặc chích mủ. Vậy, mí mắt bị viêm do đâu và làm sao để nhanh khỏi bệnh? Nếu bạn đọc cũng đang quan tâm đến vấn đề này thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm mí mắt là gì?
1.1 Khái niệm
Mi mắt là một trong những bộ phận quan trọng gắn liền với mắt và có chức năng bảo vệ nhãn cầu. Các hành động tưởng chừng như vô thức của mi (nhắm mắt, chớp mắt) đều có tác dụng bảo vệ mắt khỏi bị khô. Đồng thời, tránh được sự xâm nhập của khói bụi vào mắt.
Thông thường, cấu tạo của mi được hình thành bởi 4 lớp: Da mi, lớp cơ mi, lớp sụn mi (nơi có các tuyến bã nhờn Meibomius) và lớp kết mạc. Khi mi mắt khỏe mạnh sẽ giúp mắt an toàn và tránh được các tác nhân có hại từ bên ngoài.
Viêm mí mắt (hay viêm bờ mi) là tình trạng viêm biểu bì ở bờ tự do của mi mắt. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của mi. Gây ra các triệu chứng như: Chảy nước mắt, đỏ mắt, cảm giác như có sạn trong mắt, mi mắt ngứa, sưng đỏ,… Đôi khi gây đau và khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
1.2 Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra viêm ở mí mắt. VD: Do cơ địa, do dị ứng, do nhiễm khuẩn,… Trường hợp thường gặp nhất là viêm bờ mi do tụ cầu, nấm.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ nhỏ, người lớn đến người cao tuổi. Trong đó, một số yếu tố và thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
– Lười rửa mặt/rửa mặt không đúng cách
– Dùng nước bẩn hoặc khăn bẩn để lau mặt
– Tiếp xúc nhiều với khói bụi, hóa chất và môi trường ô nhiễm
– Trang điểm nhưng không tẩy trang sạch trước khi đi ngủ
– Nhiều gàu
– Có vấn đề về tuyến nhờn ở mắt
– Tác dụng phụ sau khi sử dụng một số loại thuốc gây ra
– …..
1.3 Triệu chứng
Về lâm sàng, viêm bờ mi được chia ra thành nhiều hình thái khác nhau:
– Viêm đỏ bờ mi: Đây là hình thái nhẹ khi bờ mi bị đỏ lên. Có ít tiết tố, có vẩy, người bệnh cảm thấy vướng nhẹ ở mắt.
– Viêm bờ mi rụng vảy: Bờ mi đỏ và đóng nhiều mảng vảy. Tiết tố bám dính nhiều ở bờ mi, tuy nhiên bờ mi không loét.
– Viêm loét bờ mi: Đây là hình thái tương đối nặng, kéo dài rất dai dẳng. Bờ tự do của mi sưng đỏ, phù và xuất hiện vết loét. Tiết tố nhiều kèm theo tình trạng rụng lông mi.
Nhìn chung, viêm bờ mi là tình trạng khá phổ biến và gây nhiều triệu chứng khó chịu cho mắt. Tuy nhiên, bệnh lý không quá nguy hiểm cho mắt của người bệnh. Dù vậy, bạn vẫn nên chủ động chăm sóc mắt đúng cách hoặc đi khám để tránh các biến chứng không mong muốn xảy ra. VD: Viêm kết mạc, khô mắt, viêm túi lệ, viêm giác mạc, chắp lẹo mi, rụng lông mi, lông mi mọc ngược,… Hoặc nặng hơn là ảnh hưởng đến thị lực sau này.
2. Làm gì khi mí mắt bị viêm?
Tùy theo tình trạng và nguyên nhân gây viêm sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để giúp mắt nhanh khỏi hơn:
– Vệ sinh mắt thường xuyên và đúng cách: Việc vệ sinh đúng cách sẽ giúp làm sạch bụi bẩn và mủ tích tụ gây bệnh. Tránh để vi khuẩn xâm nhập sâu và gây nhiễm trùng nặng hơn. Để vệ sinh, bạn nên dùng gạc hoặc tăm bông sạch, kết hợp với dung dịch nước muối sinh lý 0,9%. Nhỏ nước muối sinh lý 3 – 5 lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng được kiểm soát.
– Chườm ấm: Chườm ấm bằng khăn/gạc ấm hoặc trứng để giảm đau và thúc đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh. Khi chườm, các lỗ tuyến ở mi sẽ được giãn nở, giúp giải phóng cặn bã và làm giảm viêm.
– Tra thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp viêm bờ mi do nhiễm khuẩn hoặc có tình trạng nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh ở đây có thể là dạng nhỏ hoặc dạng mỡ bôi.
– Nhỏ nước mắt nhân tạo: Nếu bị khô mắt nhiều
– Đeo kính bảo vệ: Bảo vệ mắt và vị trí viêm khỏi bụi bẩn và vi khuẩn, tránh gây nhiễm trùng nặng hơn.
– Sau nhiều ngày nếu triệu chứng viêm không giảm, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa ngay. Có thể nguyên nhân gây bệnh là phức tạp hơn, cần điều trị đặc hiệu với thuốc cùng sự theo dõi của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ tư vấn chích mủ dẫn lưu tuyến Meibomius nếu cần thiết.
Lưu ý: Trong thời gian bị viêm bờ mi, tuyệt đối không tự ý dùng tay chích mủ tại nhà. Bởi mắt là một bộ phận rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Nếu không được thực hiện đúng cách bởi bác sĩ với các vật dụng vô trùng sẽ rất dễ gây ra biến chứng vĩnh viễn khó phục hồi.
3. Các biện pháp phòng ngừa
Viêm bờ mi gây ra rất nhiều bất tiện và khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy, làm sao để phòng tránh cho mắt không mắc bệnh?
– Hãy luôn giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa mặt và tay sạch hàng ngày. Tuyệt đối không dùng tay bẩn để đưa lên dụi mắt.
– Không dùng chung khăn mặt, đồ trang điểm với người khác
– Chỉ rửa mặt với khăn sạch và nguồn nước đảm bảo vệ sinh
– Nếu có thói quen trang điểm hàng ngày, hãy tẩy trang sạch sẽ vào mỗi cuối ngày trước khi đi ngủ.
– Đeo kính khi ra đường để bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm
– …..
Nhìn chung, viêm mí mắt rất dễ tái phát, đặc biệt là ở những người có ống tuyến nhỏ. Bệnh có thể kéo dài dai dẳng gây ra khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, giải pháp lâu dài là cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và cho cả môi trường sống xung quanh. Tập thể dục thường xuyên và tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về cách xử lý khi bị viêm mí mắt. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã biết cách chăm sóc cho đôi mắt của mình. Để được giải đáp các vấn đề liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi và nhận tư vấn nhé!