Viêm gan virus cấp là một bệnh truyền nhiễm rất hay gặp, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Bệnh có diễn tiến nhanh, triệu chứng nhẹ nhưng một vài trường hợp không điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan virus là gì?
Viêm gan virus là bệnh viêm gan (có tổn thương các tế bào gan) do virus gây ra.
Hiện nay, người ta đã xác định được 5 loại virus gây viêm gan được kể đến là: HAV, HBV, HCV, HDV, HEV. Các loại virus trên đều có thể gây ra viêm gan cấp, song chỉ có HBV, HCV, HDV có khả năng làm bệnh kéo dài dẫn đến viêm gan mạn tính.
Ngoài ra, một số tình trạng gây nhiễm virus toàn thân, làm tổn thương gan gọi là viêm gan virus thứ phát. Một số virus gây nên tình trạng này như: CMV (Cetomegalovirus), Dengue virus, Herpes simplex virus, Rubella, Varicella….
2. Viêm gan virus cấp tính
Viêm gan siêu vi cấp là tình trạng nhiễm trùng toàn thân, chủ yếu tổn thương tế bào gan. Hầu hết các loại virus viêm gan đều có khả năng gây viêm gan cấp.
Trên lâm sàng thường gặp nhất là HAV, HBV, HEV. Đặc biệt, HBV nếu đồng mắc cùng virus khác có khả năng gây viêm gan tối cấp rất nguy hiểm (diễn biến rất nhanh, tổn thương nặng, lan tỏa).
3. Con đường lây nhiễm của các loại virus viêm gan
Kích thước và hình thái của các loại virus gây viêm gan khác nhau. Trong đó nhỏ nhất là HAV, lớn nhất là HCV, chúng hầu hết có bộ gen là ARN, trừ HBV có bộ gen là ADN.
Có hai con đường chính lây nhiễm nguồn bệnh:
– Đường tiêu hóa (phân miệng): Viêm gan A và viêm gan E chủ yếu lây qua đường thức ăn và nước uống.
– Đường máu: Viêm gan B, C lây qua đường truyền máu.
Ngoài ra, viêm gan B còn lây qua đường tình dục, truyền từ mẹ sang con. Viêm gan D không tự nhiễm mà chỉ có thể mắc phải khi người bệnh bị viêm gan B.
4. Chẩn đoán viêm gan virus cấp
Trong viêm gan siêu vi cấp có biểu hiện lâm sàng rất thay đổi, có thể có hoặc không có triệu chứng. Căn nguyên là các loại virus khác nhau cũng cho biểu hiện rất khác nhau.
4.1. Dựa vào triệu chứng lâm sàng xác định viêm gan virus cấp
Thông thường có bốn giai đoạn như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: Virus nhân lên mà người bệnh không có triệu chứng (thường từ vài tuần đến vài tháng).
– Giai đoạn khởi phát: Triệu chứng không điển hình như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau hạ sườn phải,…
– Giai đoạn toàn phát: Nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt, triệu chứng toàn thân biến mất; gan to nhẹ, căng tức (thường từ 2 – 4 tuần).
– Giai đoạn hồi phục: Cảm giác ngon miệng, vàng da giảm, nước tiểu trong.
Viêm gan siêu vi cấp thường sẽ tự khỏi sau từ 4 – 8 tuần sau khi khởi phát triệu chứng.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp bệnh nhân không xuất hiện vàng da, mà biểu hiện giống như cúm.
4.2. Dựa vào cận lâm sàng xác định viêm gan siêu vi cấp
– Xét nghiệm công thức máu: Tiểu cầu và bạch cầu bình thường.
– Xét nghiệm theo dõi chức năng gan: AST, ALT tăng cao, có thể tăng gấp 5 lần bình thường, thậm chí lên đến hàng nghìn IU/L.
– Bilirubin máu tăng.
– Albumin máu bình thường, trường hợp nặng bị giảm.
– Xét nghiệm huyết thanh: Các kháng thể xuất hiện tương ứng với các loại kháng nguyên như IgM anti HAV (viêm gan A), anti HCV (viêm gan C), anti HBV (viêm gan B), IgM anti HEV (viêm gan E),…
Nếu có bất kỳ xét nghiệm nào cho kết quả dương tính, cần tiến hành làm thêm các xét nghiệm khác xác định phân biệt viêm gan cấp hoặc viêm gan mạn.
Siêu âm gan: Không xuất hiện tổn thương khu trú.
Hơn nữa, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác: nhiễm trùng huyết, sốt rét nặng biến chứng, nhiễm trùng đường mật do sỏi, hay viêm gan cấp do các loại virus khác,…
5. Điều trị viêm gan virus cấp tính
5.1. Viêm gan virus cấp tính thông thường
Chưa có chỉ định thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan A, B, D, E. Phương pháp chính là điều trị triệu chứng và nghỉ ngơi. Riêng đối với nhiễm virus cấp HCV, đã có các thuốc đặc hiệu.
Các loại thuốc không đặc hiệu:
– Truyền dịch: Natri clorid 0,9%, glucose 5%, ringer lactat.
– Vitamin nhóm B: B1, B6, B12,…
– Thuốc bổ gan, thuốc lợi mật,…
– Giai đoạn cấp cần tránh sử dụng corticoid, rượu, estrogen.
– Trường hợp nặng, giảm albumin máu: Truyền human albumin theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng đảm bảo: Ăn thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng, uống đường glucose, ăn nhiều hoa quả, uống nước có tính mát, nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
Người nhà cần theo dõi sát sao các triệu chứng của bệnh nhân để kịp thời xử trí. Trường hợp bệnh nhân mệt mỏi dữ dội, không ăn uống, nôn nhiều, rối loạn hô hấp, tri giác,… cần được cấp cứu ngay, tránh tình trạng dẫn đến hôn mê gan.
5.2. Trường hợp viêm gan nặng (teo gan cấp, viêm gan tối cấp)
Sử dụng các thuốc điều trị không đặc hiệu giống như viêm gan siêu vi cấp thể thường.
Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp cấp cứu tim phổi, cứu sống bệnh nhân:
– Hồi sức hô hấp: Thở bình oxy, hút đờm rãi, đảm bảo thể tích tuần hoàn, cân bằng nước và điện giải.
– Trung hòa NH3 trong máu: chuyển NH3 thành muối trung tính bằng cách truyền các dung dịch có chứa arginin hoặc ornithin.
– Prothrombin thấp dưới 60%: Truyền huyết tương tươi đông lạnh, tiêm vitamin K theo liều/ ngày cho đến khi prothrombin > 60%.
– Kháng sinh kết hợp.
Bệnh nhân cần đặt ống thông qua dạ dày để đưa thức ăn vào, kiêng đạm. Nghỉ ngơi toàn thời gian tại giường.
Trường hợp bệnh nhân viêm gan tối cấp, có thể phải xử lý bằng ghép gan.
6. Một số cách phòng bệnh viêm gan virus cấp
Viêm gan siêu vi cấp là một bệnh truyền nhiễm, do vậy phòng bệnh chủ động là một trong những cách hữu hiệu giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Dựa vào các con đường lây nhiễm, có thể suy ngược lại cách để phòng ngừa.
– Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chung cho hầu hết các loại virus (riêng hiện nay chưa có vắc xin phòng virus HCV).
– Viêm gan A và viêm gan E lây qua đường tiêu hóa, cần vệ sinh ăn uống tốt.
– Viêm gan B, C lây qua đường máu: Kiểm tra máu trước khi tiêm truyền, không dùng chung bơm kim tiêm. Đối với viêm gan B, còn cần quan hệ tình dục an toàn bằng bao cao su,…
– Viêm gan D: Chỉ xảy ra khi mắc viêm gan B. Do vậy, phòng ngừa viêm gan B là phòng ngừa viêm gan D.
Viêm gan virus cấp là bệnh không hiếm gặp ở nước ta. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về căn bệnh này. Khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc có yếu tố nguy cơ, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ sớm nhất.