Mi mắt gồm bờ mi trên và bờ mi dưới, giúp bảo vệ nhãn cầu. Bờ mi là nơi tận cùng của mi mắt, gần nơi lông mi mọc ra. Viêm bờ mi chỉ ra tình trạng viêm tại vị trí này. Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng này. Viêm bờ mi có nguy hiểm không?
Menu xem nhanh:
1.Nguyên nhân gây viêm bờ mi
Viêm bờ mi thường được chia làm 2 nhóm: viêm bờ mi trước và viêm bờ mi sau. Bờ mi trước là phần mi mắt xung quanh chân lông mi. Bờ mi sau liên quan đến những tuyến tiết chất nhờn của mi mắt, phía sau chân lông mi (tuyến Meibomian). Ở mỗi nhóm khác nhau, nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau.
Nguyên nhân gây viêm bờ mi trước:
– Nhiễm trùng: vi khuẩn thường gặp nhất đó là Staphylococcus.
– Do tăng tiết bã nhờn, nằm trong bệnh lý viêm da tiết bã (liên quan đến tăng tiết bã nhờn vùng da đầu, nếp mũi – môi, sau tai, …).
Nguyên nhân gây viêm bờ mi sau: Do những bất thường hoạt động của tuyến bờ mi. Bệnh nhân có bệnh lý da như mụn trứng cá đỏ, thường có bất thường tuyến này.
2.Triệu chứng của viêm bờ mi
Viêm bờ mi thường có những dấu hiệu như:
– Sưng đỏ bờ mi
– Ngứa tại mi mắt, hoặc cộm xốn, kích thích mắt như có bụi.
– Có vảy tại chân lông mi mọc.
– Có hột tại bờ mi.
– Rụng lông mi.
– Chảy nước mắt, có thể xuất hiện ghèn.
– Bên cạnh đó bệnh còn có một số dấu hiệu khác kèm theo: đỏ kết mạc, lông xiêu, chắp, lẹo, chói mắt khi ra sáng, xuất hiện đốm trắng trên giác mạc (tròng đen).
3.Viêm bờ mi có nguy hiểm không?
Viêm bờ mi có nguy hiểm không? Là câu hỏi nhiều người đặt ra. Trên thực tế viêm bờ mi gây kích thích mắt, nhưng ít khi ảnh hưởng đến thị lực, trừ khi có những biến chứng gây ảnh hưởng đến giác mạc. Viêm bờ mi có thể dẫn đến khô mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc và làm chắp lẹo mi dễ xảy ra.
4.Điều trị viêm bờ mi như thế nào?
Viêm bờ mi là một bệnh lý mạn tính, khó điều trị dứt điểm. Việc điều trị viêm bờ mi bao gồm:
– Vệ sinh bờ mi mỗi ngày: giữ vệ sinh bờ mi là vấn đề đầu tiên cần phải làm. Bệnh có thể tái diễn nếu lơ là thực hiện, đặc biệt là khi thấy bệnh thuyên giảm.
+ Làm sạch bờ mi: Dùng tăm bông hoặc gạc thấm với dung dịch gội đầu cho trẻ sơ sinh (không gây kích thích mắt) đã pha loãng, chà sạch bờ mi và rửa lại với nước sạch. Thực hiện 1- 2 lần/ngày.
+ Chườm ấm mi: đắp gạc ấm lên mi khi nhắm mắt 3 – 4 lần/ngày, mỗi lần 10 – 15 phút.
+Mát-xa mi mắt (trong trường hợp do rối loạn tuyến nhờn mi mắt): thực hiện từ trong ra ngoài dọc theo bờ mi. Không trang điểm khi đang bệnh.
– Nếu có khô mắt kết hợp: có thể cần thêm nước mắt nhân tạo bổ sung.
– Nếu tình trạng viêm do nhiễm trùng nhiều: Bệnh nhân có thể phối hợp với thuốc mỡ kháng sinh tra mắt.
– Thuốc nhỏ kháng viêm có thể được chỉ định trong một số trường hợp viêm bờ mi.
– Kháng sinh uống có thể cần thiết cho một số trường hợp.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc còn có đội ngũ bác sĩ quốc tế giàu kinh nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền y tế hiện đại trên thế giới, luôn thăm khám – tư vấn điều trị nhiệt tình, giúp bạn san sẻ nỗi lo về sức khỏe.