Nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng trẻ sẽ sốt sau tiêm vacxin nên khi thấy các trẻ khác có biểu hiện sốt mà con mình không sốt thì đâm ra thắc mắc có phải vacxin không có tác dụng.
Menu xem nhanh:
1. Không sốt sau tiêm vacxin có phải vacxin vô tác dụng?
Nhiều cha mẹ đưa con đi tiêm vacxin về không thấy con sốt thì thắc mắc “Liệu có phải vacxin vô tác dụng”. Vì cha mẹ cứ tưởng rằng trẻ sẽ có biểu hiện sốt nhẹ (dưới 38 độ) 1 – 2 ngày sau khi tiêm qua những thông tin đọc được trên mạng.
Thực tế, các phản ứng sau tiêm chủng khá đa dạng, tùy vào thể trạng của mỗi đứa trẻ sẽ có biểu hiện khác nhau. Trong đó có một số trẻ sẽ sốt nhẹ, một số trẻ không sốt và một số ít khác thì lại đột ngột sốt cao.
Triệu chứng sốt sau tiêm vacxin là tín hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch nhận ra tác nhân lạ vào trong cơ thể và có sự phản ứng lại. Với trường hợp không sốt thì không có nghĩa là hệ thống miễn dịch không “chiến đấu” lại những yếu tố lạ, mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn, song đích đến cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vacxin.
Vì vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng về việc con có sốt hay không sau khi tiêm. Điều này không quyết định hiệu quả của vacxin.
2. Những phản ứng khác sau tiêm vacxin mà trẻ có thể gặp
2.1. Không sốt sau tiêm vacxin nhưng trẻ có thể mệt mỏi, giảm phản xạ
Sau tiêm, hầu hết trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi và giảm đáp ứng tương tác với bố mẹ, bạn bè hoặc người thân trong nhà. So với người lớn, cơ thể của trẻ nhạy cảm hơn rất nhiều nên khi có nhân tố lạ “truyền vào” thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Thường nhóm trẻ dưới 10 tuổi sẽ gặp tình trạng choáng váng, phản xạ chậm trong vòng 2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ ở mức độ nhẹ, không tiềm ẩn nguy cơ xấu tới sức khỏe của trẻ nên không cần điều trị đặc biệt.
Vì các phản ứng sau tiêm vacxin mức độ nhẹ tự hết sau một thời gian ngắn, cha mẹ nên để trẻ nhỏ nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh và quá sức.
2.2. Sưng đỏ tại chỗ tiêm
Một trong những phản ứng sau tiêm vacxin phổ biến đó là vị trí tiêm có biểu hiệu sưng đỏ. Khi chạm nhẹ tại vị trí tiêm hoặc vùng da xung quanh vị trí tiêm thì trẻ sẽ cảm thấy hơi đau nhẹ. Có trẻ sẽ quấy khóc vì phản ứng này sẽ gây khó chịu. Hiện tượng này sẽ kéo dài 2 – 3 ngày rồi tự biến mất.
Nếu trẻ quấy khóc liên tục vì vết tiêm sưng đau thì cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc giảm đau điều trị triệu chứng cho trẻ.
2.3. Buồn nôn và tiêu chảy
Nhiều cha mẹ sau khi đưa con đi tiêm về thì thấy xảy ra tình trạng trẻ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn sau ăn. Một số khác thì gặp vấn đề về đường tiêu hóa, điển hình là tiêu chảy. Một số biểu hiện trẻ bị tiêu chảy bao gồm:
– Đi tiểu với tần suất nhiều hơn bình thường
– Phân lỏng hơn bình thường, có mùi tanh
– Quấy khóc, khó chịu
– Với trẻ đang bú sữa mẹ thì có biểu hiện bú ít hoặc bỏ bú
– Cơ thể mất nước với da khô, môi khô
Khi thấy trẻ như vậy, không ít cha mẹ lo lắng về chất lượng vacxin cũng như tình trạng sức khỏe của con mình. Tuy nhiên, tiêu chảy là một tác dụng phụ phổ biến sau tiêm vacxin đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu. Các tác dụng phụ này không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như không phản ánh việc vacxin kém chất lượng. Tùy vào cơ địa mà có một số trẻ sẽ gặp tình trạng tiêu chảy, một số khác thì không.
2.4. Trẻ không sốt sau tiêm vacxin nhưng có thể bị dị ứng
Trong một số trường hợp sẽ có phản ứng phụ dị ứng với các thành phần của vacxin cúm. Chỉ sau tiêm vacxin vài giờ, cha mẹ nhận thấy trẻ rơi vào tình trạng dị ứng với các biểu hiện như nổi mề đay, ngứa toàn thân.
3. Cách chăm sóc trẻ sau khi tiêm chủng
Một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ không thể bỏ qua chính là theo dõi, giám sát trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi cẩn thận, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm bất thường. Sau đó, về nhà trẻ cần được theo dõi trong 48 giờ tiếp theo thông qua các dấu hiệu:
– Tinh thần
– Ăn ngủ
– Nhịp thở
– Thân nhiệt
– Nốt phát bên trên cơ thể
– Triệu chứng chỗ tiêm
Đồng thời, cha mẹ nên chăm sóc trẻ cẩn thận bằng cách:
– Ưu tiên quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi
– Ưu tiên những món ăn dễ tiêu, mềm như súp, cháo, canh xương hầm,… Với trẻ đang trong giai đoạn bú sữa mẹ thì cần cho trẻ bú nhiều hơn so với thông thường.
– Kiểm tra thân nhiệt bằng cách đo nhiệt độ thường xuyên. Nếu trẻ sốt nhẹ, dưới 38 độ thì chỉ cần chườm khăn mát hoặc dùng miếng hạ sốt và cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ sốt trên 38 độ thì cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tình trạng sốt cao kéo dài cần được đưa tới bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.
– Không chạm, đè vào chỗ tiêm. Nếu thấy chỗ tiêm của trẻ sưng thì cha mẹ có thể chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng. Không xoa dầu, chườm nóng hay đắp lá vào vị trí vừa tiêm xong.
4. Cẩn trọng với những phản ứng nặng
Rất hiếm trường hợp trẻ có phản ứng nặng sau tiêm vacxin nhưng không phải không có. Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây thì cần đi khám ngay:
– Sốt cao liên tục nhiều ngày (trên 39 độ) và uống thuốc hạ sốt không có tác dụng
– Người co giật, mệt lả, trẻ không có phản ứng khi được gọi hỏi
– Cơ thể trẻ trở nên tím tái, có những biểu hiện khó thở
– Quấy khóc trong nhiều giờ (từ 3 giờ trở lên)
– Bỏ bú hoặc bú kém
– Áp xe, sưng đau nghiêm trọng tại vị trí tiêm.
– Nôn, trớ và không chịu ăn
Như vậy trẻ không sốt sau tiêm vacxin cũng không nói lên rằng vacxin đó là vô tác dụng. Phản ứng sốt sau tiêm có thể xảy ra ở tùy trường hợp, có một số trẻ sốt nhẹ, một số trẻ sốt cao và có những trẻ không sốt. Do đó, cha mẹ cần quan tâm, theo dõi các phản ứng khác ở trẻ sau khi tiêm chủng. Nên có sự chăm sóc cẩn thận để trẻ nhanh chóng phục hồi và trở lại học tập, vui chơi như bình thường.