Ngoài cận thị và loạn thì thì viễn thị cũng là một trong những tật khúc xạ rất phổ biến hiện nay. Trẻ em thường hay mắc các tật cận thị hoặc loạn thị, tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp trẻ bị viễn thị và khiến cho các chức năng thị giác ở hai bên mắt bị rối loạn như: nhược thị, lác mắt,…
Menu xem nhanh:
1. Thông tin chung về trường hợp trẻ bị viễn thị
1.1. Trẻ bị viễn thị là như thế nào?
Thông thường, ảnh của sự vật sẽ đi qua các hệ thống quang học trong mắt và hội tụ ở trên võng mạc, đây là cách hình ảnh có thể được nhìn rõ khi mắt ở trạng thái bình thường. Tuy nhiên, khi người bệnh mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thống khúc xạ của mắt, hình ảnh thu lại sẽ không hội tụ đúng ở trên võng mạc mà lại hội tụ ở đằng sau võng mạc. Do vậy, để có thể nhìn hình ảnh rõ hơn, mắt của trẻ mắc tật viễn thị sẽ luôn cần phải điều tiết để làm tăng lực khúc xạ lên, đưa được hình ảnh của sự vật ra phía trước và hội tụ đúng ở trên giác mạc.
Theo các chuyên gia, xét trên phương diện quang học thì viễn thị là tình trạng khi người bệnh nhìn một vật ở xa, hình ảnh sẽ hiện ở đằng sau chứ không hội tụ trên võng mạc. Cũng như khi chụp ảnh, nếu người chụp ảnh đo khoảng cách không đúng thì hình ảnh cũng sẽ thu lại được ở đằng sau phim và khi rửa ảnh ra thành phẩm sẽ thấy hình ảnh bị mờ đi. Viễn thị là tình trạng trái ngược của cận thị, hình ảnh sẽ hội tụ ở phía trước võng mạc vì mắt có độ hội tụ cao, còn viễn thị là do mắt của người bệnh bị yếu ở độ hội tụ ảnh.
1.2. Phân loại viễn thị ở trẻ nhỏ:
Khi trẻ bị viễn thị nhẹ, mắt trẻ sẽ thường bị mỏi do nó cần phải điều tiết liên tục để nhìn rõ sự vật hơn. Nếu trẻ bị viễn nặng, mắt sẽ không thể điều tiết được khiến cho người bệnh nhìn mờ ở cả khoảng cách xa và gần.
Viễn thị ở trẻ thường được chia thành 2 loại chính:
– Viễn thị khúc xạ:
Là bệnh lý xảy ra do khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh có lực yếu, trong khi đó, chiều dài của trục nhãn cầu vẫn hoàn toàn bình thường. Đối với nguyên nhân này, trẻ sẽ thường bị viễn thị ở mức độ nhẹ
– Viễn thị trục:
Đây là loại viễn thị xảy ra bởi trục nhãn cầu của người bệnh quá ngắn mà lực khúc xạ và thể thủy tinh thì lại bình thường. Nếu trẻ bị viễn thị trục, tình trạng bệnh sẽ thường nặng và khó điều trị hơn.
2. Những nguyên do khiến cho trẻ bị viễn thị
Viễn thị ở trẻ nhỏ thường bắt nguồn từ nguyên nhân là do kích thước mắt quá nhỏ, trục trước sau của mắt quá ngắn nên ảnh mới hiện ra sau võng mạc. Thời gian trôi qua, trẻ lớn dần lên và mắt trẻ cũng tăng dần kích thước theo chiều cao của cơ thể và có thể tật viễn thị ở trẻ cũng sẽ giảm dần. Cho đến một lúc nào đó, ảnh sẽ hiện lên đúng trên võng mạc thì mắt không còn phát triển nữa thì khi ấy, mắt của trẻ sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu trong quá trình phát triển của trẻ mà mắt không tăng trưởng lên, bệnh viễn thị bẩm sinh sẽ xảy ra với người bệnh.
Thông thường, trẻ em từ khi mới lọt lòng sẽ luôn bị viễn thị. Tuy nhiên, nếu đến độ tuổi vào cấp 1 mà tình trạng viễn thị không thuyên giảm, trẻ sẽ được chẩn đoán là bị viễn thị bẩm sinh.
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tật viễn thị
Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ đọc sách thường xuyên để sách gần mắt, mắt dễ bị mỏi, nhức đầu, thậm chí là đỏ mắt nếu nhìn tập trung trong thời gian dài. Theo thời gian, mắt của trẻ sẽ có xu hướng quay vào bên trong và gây ra tình trạng lé trong.
Ngay khi trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở Nhãn khoa để được thăm khám và chẩn đoán xác định. Bác sĩ sẽ thăm khám bằng cách soi bóng đồng tử.
4. Trẻ nhỏ mắc tật viễn thị thì có nguy cơ gặp nguy hiểm về sức khỏe không?
Khi bị viễn thị, trẻ có thể thường xuyên bị khó chịu với triệu chứng nhức mỏi mắt, mắt nhìn mờ do phải điều tiết quá sức và các cơ quan bên trong mắt luôn phải co kéo để khiến cho thể thủy tinh phồng lên, giúp độ khúc xạ tăng lên. Mắt luôn nhức mỏi chính là hệ quả của việc điều tiết quá độ này. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị lé trong cao do mắt phải hoạt động điều tiết liên tục khiến cho sự cân bằng trong mắt giữa độ điều tiết và độ quy tụ bị mất đi. Theo thời gian, trẻ còn phải chịu đựng tình trạng nhược thị – là tình trạng khi trẻ đã được chỉnh kính viễn thị tối đa vẫn không thể nhìn được hình ảnh rõ nét.
Nhược thị là tình trạng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và mắt bị viễn thị sẽ luôn bị nặng hơn. Đây là tình trạng có thể khiến cho mắt của trẻ suy giảm chức năng: nhìn mọi thứ xung quanh mờ nhòe, trẻ mất đi khả năng xác định được khoảng cách chính xác của vật và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này.
5. Trẻ bị viễn thị thì điều trị ra sao?
Để có thể chẩn đoán viễn thị, trẻ cần được đi khám khúc xạ.
Sau khi chẩn đoán, xác định trẻ mắc tật viễn thị, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị phổ biến nhất chính là đeo kính. Ngoài ra, trẻ cũng được hướng dẫn luyện tập mắt với chế độ riêng để có thể giảm độ viễn thị cho mắt hiệu quả hơn. Các hoạt động cần sử dụng thị giác được khuyến khích như: vẽ tranh, đọc truyện, tô màu,…
Những trẻ được chẩn đoán nhược thị sẽ cần một chế độ luyện tập chuyên sâu và tích cực hơn như: bịt mắt bình thường lại để tập luyện cho mắt bị nhược thị hay luyện tập cho mắt với các hệ thống máy kích thích hoàng điểm hoặc máy tập thị giác,.. Kể cả khi mắt bị nhược thị được cải thiện và khỏi bệnh, trẻ vẫn cần tập luyện đều đặn để duy trì được tình trạng mắt bình thường, không để bệnh lý tái phát.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý viễn thị ở trẻ em mà cha mẹ cần nắm rõ. Hiểu rõ được bệnh lý về các nguyên nhân, sự nguy hiểm cũng như cách điều trị bệnh viễn thị có thể giúp cha mẹ có phương án hiệu quả để giúp trẻ có thể lấy lại được thị lực bình thường hiệu quả hơn.