Hôi miệng là tình trạng phổ biến trong các bệnh lý về răng miệng và có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe không tốt. Bạn cần xác định rõ nguyên nhân hôi miệng thì mới có hướng chữa trị hôi miệng hiệu quả. Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây đề cập đến các nguyên nhân và cách phòng ngừa hôi miệng để bạn hiểu rõ hơn về tình trạng của mình.
Menu xem nhanh:
1. Hôi miệng là gì?
Hôi miệng là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng hơi thở có mùi hôi khó chịu xuất phát từ trong khoang miệng. Tình trạng này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cản trở trong sinh hoạt và giao tiếp xã hội của người bị chứng hôi miệng. Mùi hôi từ khoang miệng có thể do sự kết hợp của nhiều hợp chất sulfua dễ bay hơi như Hydro Sulfua có mùi trừng thối, Methyl Mercaptan có mùi hăng của tỏi…
Mùi hôi này có các mức độ khác nhau tùy vào tình trạng mỗi cá nhân từ mùi hôi nhẹ có thể khó nhận ra đến mùi hôi nặng gây khó chịu cho người xung quanh. Bạn có thể tự xác định bằng cách úp lòng bàn tay vào miệng, sau đó từ từ thở ra bằng miệng và cảm nhận mùi từ đó. Một cách khác nữa là bạn có thể hỏi mọi người xung quanh khi tiếp xúc trực tiếp với khoảng cách gần. Nếu bạn muốn biết chính xác mức độ hôi miệng của mình có thể đến bệnh viện. Tại đây các nha sĩ sẽ đo mức độ hôi miệng từ nồng độ các hợp chất lưu huỳnh trong hơi thở của bạn bằng dụng cụ máy đo halimeter. Những đối tượng thường có nguy cơ hôi miệng có thể kể đến là người hút nhiều thuốc lá, người ăn nhiều thức ăn có mùi, người lười vệ sinh răng miệng…Đây là chứng bệnh phổ biến chỉ xếp sau viêm nha chu và sâu răng trong các bệnh lý về răng miệng.
2. Tổng hợp các nguyên nhân hôi miệng
2.1. Nguyên nhân hôi miệng tạm thời
Đây các nguyên nhân mang tính tạm thời chủ yếu do thói quen ăn uống, vệ sinh hằng ngày ảnh hưởng đến răng miệng của bạn khiến hơi thở có mùi hôi. Bạn chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thay đổi chế độ ăn uống thì hôi miệng sẽ chấm dứt. Một vài nguyên nhân hôi miệng tạm thời phổ biến có thể kể đến như sau:
– Ăn các loại thực phẩm có mùi nặng: Thực phẩm bạn ăn hằng ngày có các loại gây mùi nặng như hành, tỏi, mắm, thực phẩm lên men… Các loại thức ăn này có chứa hàm lượng hợp chất sulphur cao. Vì vậy, sau khi bạn ăn, chúng vào cơ thể sẽ xuyên qua lớp lót đường ruột đi vào máu và đưa đến phổi, cuối cùng giải phóng ra bên ngoài làm hơi thở của bạn có mùi hôi.
– Chế độ ăn nhiều đường: Ngoài các loại thực phẩm gây mùi thì chế độ ăn nhiều đường có thể là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Khi bạn ăn chế độ nhiều đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại xâm nhập và sản sinh ra acid làm bào mòn men răng. Từ đó dẫn đến răng bị sâu, viêm lợi và gây hôi miệng.
– Chế độ ăn ít carbohydrate và giàu protein: Nếu chế độ ăn của bạn ít Carbohydrate có thể dẫn tới không đủ lượng calo cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Điều này dẫn đến những thay đổi trong quá trình trao đổi chất trong cơ thể như gan phá vỡ chất béo để lấy năng lượng có thể làm cho hơi thở có mùi kim loại. Ngoài ra, chế độ thực phẩm giàu protein có thể giải phóng các amino axit có chứa các hợp chất sulphur gây hôi miệng.
-Thường xuyên uống rượu bia, cà phê: Một số đồ uống bạn tiêu thụ hằng ngày như bia rượu, cà phê có thể là thủ phạm dẫn đến hôi miệng. Trong các đồ uống này có chứa hàm lượng cao các chất kích thích như caffeine, alcohol làm giảm sản xuất nước bọt gây khô miệng và đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.
– Vệ sinh răng miệng kém: Nếu bạn vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, lười đánh răng, không làm sạch lưỡi là nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến hiện nay. Bạn đã làm cho các mẩu thức ăn tích tụ nhiều trong kẽ răng, bề mặt lưỡi trong thời gian dài tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn kỵ khí sinh sôi phát triển. Các loại vi khuẩn này sản sinh các hợp chất sulphur gây mùi hôi trong khoang miệng.
– Có thói quen hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá thường xuyên có thể làm tăng hàm lượng các hợp chất bay hơi trong miệng khiến niêm mạc miệng bị khô, gây mùi khó chịu. Ngoài ra, hút thuốc lá còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề sức khỏe răng miệng và các bệnh toàn thân khác.
2.2. Nguyên nhân hôi miệng từ bệnh lý trong khoang miệng
Khác với nguyên nhân hôi miệng tạm thời do thói quen sinh hoạt hằng ngày, đây là các nguyên nhân xuất phát từ các bệnh lý trong khoang miệng cần phải được can thiệp điều trị mới chấm dứt được tình trạng hôi miệng:
– Tình trạng khô miệng: Nước bọt làm nhiệm vụ loại bỏ những thức ăn còn sót lại trong khoang miệng, giúp làm sạch miệng. Tuy nhiên, nếu nước bọt sản xuất không đủ, thức ăn và và các tế bào chết còn tồn đọng trong miệng sẽ không được rửa trôi gây ra mùi hôi thối. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô miệng có thể đến từ tác dụng phụ của thuốc, dùng những chất kích thích, bệnh lý về đường hô hấp, dạ dày hoặc các bệnh lý toàn thân khác…
– Các vết lở loét quanh miệng: Tình trạng lở loét trong miệng do bệnh ác tính, bị nấm Candida ở miệng hoặc bị nhiệt miệng…có thể dẫn đến hôi miệng.
– Các bệnh lý về nướu, viêm nha chu: Các mảng bám trên răng lâu ngày tồn đọng bị vôi hóa hình thành nên cao răng. Nếu bạn không đi lấy cao răng có thể dẫn đến viêm nướu, viêm nha chu quanh các mô răng. Viêm nha chu được xem là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Vì lúc này nướu bị sưng đỏ, áp xe, dần hình thành các lỗ quanh khu vực nướu với chân răng càng tạo điều kiện để thức ăn bám vào, vi khuẩn sinh sôi.
– Các bệnh lý về sâu răng, viêm tủy răng: Khi vi khuẩn phát triển sẽ xâm lấn vào lớp men răng phá hỏng các tổ chức mô răng bên trong hình thành các lỗ sâu răng. Nếu bạn không điều trị thì chúng sẽ càng tấn công vào sâu bên trong ảnh hưởng đến tủy xương dẫn đến viêm tủy răng, viêm ổ răng…gây hôi miệng, đau nhức răng nghiêm trọng.
2.3. Nguyên nhân hôi miệng do bệnh lý khác
Hôi miệng có thể đến từ các bệnh lý không xuất phát từ nguồn gốc răng miệng có thể kể đến sau đây:
– Các bệnh lý về hô hấp: Nếu bạn mắc một số bệnh lý về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp.. có thể là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng, đặc biệt là các dịch nhầy đọng tại các khu vực mũi, hầu họng. Ngoài ra, một số dị tật bẩm sinh từ miệng và mũi như hở hàm ếch, vẹo vách ngăn mũi cũng có thể khiến bạn bị hôi miệng vì tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
– Các bệnh lý về tiêu hóa: Hôi miệng có thể là triệu chứng từ các bệnh lý đường tiêu hóa ở dạ dày, đường ruột. Tiêu biểu là bệnh trào ngược dạ dày- thực quản khiến mùi hôi từ thực phẩm đã tiêu hóa trào ngược lên vùng hầu họng gây hôi miệng. Ngoài ra, người bị viêm loét dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hơi thở có mùi hôi.
– Các bệnh lý về gan, thận, tiểu đường: Ngoài các bệnh lý kể trên thì hôi miệng có thể đến từ một số bệnh rối loạn chuyển hóa toàn thân như đái tháo đường, bệnh gan, thận…do các hợp chất mà chúng sản sinh.
– Hội chứng mùi cá ươn: Đây được xem là một hội chứng di truyền hiếm gặp do cơ thể không chuyển hóa trimethylamine chứa trong thực phẩm có mùi tanh. Điều này dẫn đến tích tụ trimethylamine trong gan khiến bệnh nhân có triệu chứng hôi miệng.
– Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như amphetamine, disulfiram, phenothiazine …có thể gây tác dụng phụ khô miệng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến hơi thở có mùi hôi. Đồng thời, khi các thuốc này có thể giải phóng các chất gây mùi vào hơi thở của bạn.
3. Những cách phòng ngừa hôi miệng hiệu quả
3.1. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
– Đánh răng sạch sẽ sau mỗi bữa ăn: Đây là cách ngừa hôi miệng đơn giản nhất vì trong kem đánh răng có các hoạt chất kháng khuẩn kết hợp với bàn chải tác động đến bề mặt răng giúp làm giảm hôi miệng hiệu quả. Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày sau mỗi bữa ăn.
– Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng: Đánh răng không làm sạch hết hoàn toàn thức ăn thừa tồn đọng trong răng nên việc sử dụng chỉ nha khoa sẽ loại bỏ đáng kể các mảng bám ở kẽ răng. Từ đó giúp hơi thở của bạn hạn chế mùi hôi khó chịu.
– Cạo lưỡi sạch sẽ: Theo các chuyên gia cho biết lưỡi là nơi tập trung nhiều vi khuẩn do các cặn thức ăn còn tồn đọng trên bề mặt lưỡi. Vì vậy, bạn cần cạo lưỡi sạch sẽ bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc tận dụng bàn chải đánh răng để ngăn ngừa mùi hôi hiệu quả.
– Làm sạch các dụng cụ nha khoa và thay bàn chải đánh răng mới: Nếu bạn đang sử dụng các dụng cụ nha khoa thì nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ này hằng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vì các dụng cụ này sẽ tiếp xúc trực tiếp với răng miệng của bạn nên hãy đảm bảo thật sạch trước khi bạn đưa chúng vào miệng. Ngoài ra, bạn cũng cần thay bàn chải đánh răng khoảng 3 tháng/lần và nên lựa chọn bàn chải bàn chải lông mềm để hạn chế tổn thương cho răng của bạn.
3.2. Xây dựng chế độ ăn uống và thói quen lành mạnh
– Kích thích tiết nước bọt: Các chuyên gia khuyên bạn nên uống nhiều nước để cải thiện vấn đề hôi miệng. Vì khi uống nhiều nước sẽ kích thích tiết nước bọt giúp diệt khuẩn trong khoang miệng. Hơn nữa, việc nhai kẹo cao su không đường cũng là một cách giúp tiết nước bọt hiệu quả.
– Hạn chế các loại thực phẩm có mùi, chứa nhiều đường, nhiều chất béo: Những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường, đậm mùi có thể làm dạ dày khó tiêu hóa ảnh hưởng đến hơi thở của bạn. Chính vì vậy, đề ngừa hôi miệng bạn nên hạn chế các loại thực phẩm này.
– Hạn chế sử dụng bia rượu, cà phê, thuốc lá: Nếu bạn thường xuyên có thói quen hút thuốc lá không chỉ là thủ phạm gây hôi miệng mà còn có nguy cơ mắc các bệnh khác. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế uống cà phê, bia rượu vì chúng vừa có thể dẫn tới hôi miệng vừa ảnh hưởng đến màu răng của bạn.
– Xây dựng chế độ ăn khoa học: Bạn cần thiết lập chế độ ăn khoa học, cân bằng và bổ sung nhiều loại rau củ, thảo mộc tốt cho sức khỏe để cải thiện tình trạng hôi miệng của mình.
Hôi miệng có thể là một vấn đề tạm thời dễ điều trị dứt điểm nhưng đồng thời nó cũng có thể là nguy cơ cảnh báo cho các bệnh lý nguy hiểm. Chính vì vậy, việc xác định rõ nguyên nhân hôi miệng là rất quan trọng. Nếu bạn đã thử mọi cách để chữa hôi miệng tại nhà nhưng không hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và tìm hiểu rõ về tình trạng của mình. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp cho vấn đề bạn đang gặp phải. Chúc bạn sẽ nhanh chóng khắc phục và cải thiện tốt tình trạng hôi miệng của bản thân.