Đột quỵ và tai biến mạch máu não là 2 thuật ngữ quen thuộc hiện nay. Bởi cách gọi khác nhau, rất nhiều người cho rằng đây là 2 căn bệnh độc lập. Nhưng thực tế có phải như vậy? Đột quỵ, tai biến mạch máu não có nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh như thế nào? Hãy cùng lý tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ và tai biến mạch máu não là gì?
1.1 Đột quỵ và tai biến mạch máu não: tưởng 2 mà 1
Bởi cách gọi khác nhau nên rất nhiều người nghĩ tai biến mạch máu não và đột quỵ là 2 căn bệnh độc lập. Nhưng thực tế, tai biến mạch máu não hay đột quỵ cũng đều chỉ cùng một loại bệnh. Đó là tình trạng một phần hoặc toàn bộ não bị tổn thương do não bị ngừng cung cấp máu đột ngột.
1.2 Tại sao lại có 2 cách gọi khác nhau như vậy?
Theo các chuyên gia:
– Đột quỵ: Là cách gọi nhấn mạnh tính cấp bách của tình trạng này với những triệu chứng xảy ra dồn dập, đột ngột.
– Tai biến mạch máu não: Nhấn mạnh vào nguồn gốc căn bệnh – sự tổn thương ở các mạch máu trong não.
2. Đột quỵ hay tai biến mạch máu não có nguy hiểm không?
Dù gọi theo cách nào thì đây cũng là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng một cách chóng vánh, khiến người bệnh không kịp trở tay.
Theo các nghiên cứu, trung bình, cứ mỗi phút trôi qua, những người bị tai biến sẽ mất đi gần 2 triệu tế bào não. Càng để lâu, vùng tổn thương sẽ được càng lan rộng khiến não bị hoại tử và tê liệt hoàn toàn. Kéo theo nhiều chức năng của cơ thể do bộ não điều khiển cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo thống kê năm 2019 của WHO, đột quỵ đã trở thành nguyên nhân tử vong thứ 2 trên thế giới.
Nếu may mắn sống sót, người bệnh cũng có thể phải gánh chịu những di chứng nặng nề như:
– Liệt nửa người
– Mất trí nhớ
– Tàn tật
Vì vậy, việc hiểu rõ về căn bệnh này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu tử vong cũng như các di chứng về sau.
3. Nguyên nhân gây đột quỵ hay tai biến mạch máu não
Tình trạng ngưng cấp máu đột ngột ở những người bị tai biến hay đột quỵ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân kèm theo những yếu tố nguy cơ thúc đẩy các nguyên nhân đó. Các nguyên nhân chính dẫn đến tai biến gồm:
3.1 Đột quỵ và tai biến mạch máu não do thiếu máu (nhồi máu não)
Não không được cung cấp đủ máu trong một thời gian dài có thể bị hoại tử não trên diện rộng, gây mất chức năng. Một số trường hợp khác, hiện tượng này có thể xảy đột ngột do tắc mạch cấp tính. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do: sự hình thành và tích tụ của các mảng xơ vữa động mạch, sự xuất hiện của huyết khối (cục máu đông) hoặc các cấu trúc bất thường của mạch não. Các vấn đề này gây hẹp hoặc tắc động mạch cung cấp máu cho não, khiến não không được cung cấp đủ máu, oxy và dinh dưỡng.
3.2 Đột quỵ do chảy máu não (xuất huyết não)
Thông thường máu đến nuôi dưỡng não sẽ di chuyển qua các động mạch não. Nhưng nếu vì một lý do nào đó khiến các động mạch này bị vỡ hoặc rách thì máu sẽ tràn vào nhu mô não gây chết các tế bào não. Đột quỵ xuất huyết não có 2 loại chính là xuất huyết nội và xuất huyết dưới nhện với các yếu tố nguy cơ khác nhau.
Xuất huyết nội sọ là tình trạng các mạch máu bên trong não bị vỡ do tăng huyết áp cao, uống rượu, sử dụng chất kích thích hay dị tật động mạch. Nếu các yếu tố này xuất hiện cùng lúc thì nguy cơ xuất huyết não của người bệnh là rất cao. Cụ thể, khi huyết áp tăng cao, dị tật động mạch bị kéo giãn có thể gây vỡ, rách thành mạch, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
Trong khi đó, xuất huyết dưới nhện là tình trạng các mạch máu trên bề mặt não bị vỡ khiến máu trộn lẫn với dịch não tủy, lấp đầy một phần không gian giữa não và hộp sọ. Điều này làm tăng áp lực lên não, thường khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội. Theo các chuyên gia, túi phình mạch não là nguyên nhân gây ra 85% các trường hợp đột quỵ xuất huyết não dưới nhện.
4. Các triệu chứng đột quỵ và tai biến
Tùy vào từng loại đột quỵ hay tai biến mà các triệu chứng xuất hiện ở mỗi bệnh nhân là không giống nhau nhưng có một đặc điểm chung là đều xảy ra một cách rất đột ngột. Các triệu chứng đột quỵ có thể xảy ra trên nhiều vùng cơ thể khác nhau bao gồm:
– Yếu liệt một bên mặt, miệng méo hoặc mắt rủ xuống
– Co cứng, khó cử động tay chân, nhiều khi làm rơi đồ mà không biết
– Khó nói, khó diễn đạt, không nhắc lại được hoặc nhắc lại không đầy đủ những từ hoặc cụm từ đơn giản, nói ngọng, méo giọng…
– Yếu thị lực, đột nhiên nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì, tình trạng này có thể xảy ra ở cả 2 bên mắt hoặc chỉ ở 1 bên
– Đột ngột cảm thấy đau đầu, choáng váng
– Nhịp tim, nhịp thở bất thường
Những điều này xảy ra do não là cơ quan quan trọng điều khiển rất nhiều chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Khi não bị tổn thương do đột quỵ, các chức năng đó không thể thực hiện một cách trơn tru như bình thường.
Nhiều trường hợp thậm chí bệnh nhân không hề có một bất cứ một biểu hiện nào, đột ngột ngất đi và hôn mê sâu. Nhiều bệnh nhân khác các dấu hiệu có xuất hiện, chỉ diễn ra trong vài giây hoặc vài phút rồi tự biến mất khiến người bệnh tưởng mình đã khỏe.
5. Cần làm gì khi phát hiện người bị tai biến hay đột quỵ?
Khi thấy các dấu hiệu trên, bạn gọi cấp cứu hoặc bằng mọi cách đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay. Vì thời gian đối với họ lúc này là vô cùng quan trọng. Trong lúc chờ cấp cứu, hay để người bệnh nghỉ ngơi ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Có thể cho người bệnh nằm nghiêng, móc sạch đờm dãi cho bệnh nhân dễ thở. Nếu người bệnh co giật, hãy kẹp 1 chiếc đũa hay miếng gỗ có quấn vài giữa 2 hàm răng để tránh cắn vào lưỡi.
Kiểm tra mạch, nhịp tim. Nếu thấy tim ngừng đập, cần hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc ép tim ngoài lồng ngực. Đồng thời, hãy ghi chép lại các dấu hiệu của người bệnh để cung cấp cho các bác sĩ.
Khi đến các cơ sở có chức năng điều trị đột quỵ, bệnh nhân sẽ được kiểm tra tình trạng sức khỏe cụ thể, xác định nguyên nhân gây đột quỵ và thực hiện các biện pháp cấp cứu phù hợp.
6. Phòng tránh đột quỵ bằng cách nào?
Tóm lại, không thể đo đếm những nguy hiểm mà đột quỵ và tai biến mạch máu não gây ra đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Tuy vậy, bằng cách thay đổi lối sống, quan tâm đến sức khỏe, đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường và thực hiện tầm soát sớm, bạn có thể dự phòng các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc hạn chế những rủi ro khi không may mắc bệnh.