Khoảng 3,9% dân số Việt Nam, tương đương với 4 triệu người mắc bệnh hen phế quản. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gây ra không ít phiền toán trong sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Hiểu rõ hen phế quản là gì và ghi nhớ cách phòng ngừa để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cần biết về bệnh hen phế quản
1.1. Bệnh hen phế quản là gì?
Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là một bệnh lý viêm mạn tính niêm mạc phế quản. Khi tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích, phế quản vốn rất nhạy cảm ở người bệnh sẽ phản ứng dữ dội, đồng thời xuất hiện tình trạng co thắt, phù nề, tăng tiết dịch nhầy, dẫn đến tắc nghẽn đường thở và khó thở. Đây là một bệnh lý thuộc đường hô hấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tùy vào mức độ kích thích và cơ địa của người bệnh mà cơn hen suyễn biểu hiện mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen phế quản bao gồm:
– Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, bụi nhà,…
– Tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc, chất ô nhiễm không khí,…
– Tiếp xúc với các loại gia vị gây kích thích như tiêu, bột ớt,…
– Tiếp xúc với các loại hương thơm như nước hoa.
– Vô tình ăn phải các loại thực phẩm mà cơ thể bị dị ứng như hải sản, trứng, lạc,…
– Nhiễm trùng đường hô hấp do mắc các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan,…
– Một số loại thuốc được liệt vào yếu tố khởi phát cơn hen là aspirin, penicillin,…
– Tập thể dục hoặc tham gia hoạt động với cường độ cao.
– Thay đổi thời tiết đột ngột.
Do yếu tố di truyền, nếu gia đình có người thân bị hen huyễn thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý cũng được coi là nguyên nhân khởi phát cơn hen phế quản, bao gồm căng thẳng, lo âu, sang chấn tâm lý,…
1.2. Triệu chứng thường gặp ở người bị hen phế quản là gì?
Các triệu chứng của hen phế quản thường xuất hiện đột ngột và có thể thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, bệnh nhân mắc hen phế quản thường khởi phát bệnh vào ban đêm, với các triệu chứng phổ biến sau:
– Khó thở
– Khò khè
– Nặng ngực
– Ho, đặc biệt là vào thời điểm ban đêm hoặc sáng sớm
– Đờm dãi
Thông thường, các cơn hen nhẹ có thể tự hết sau khoảng 5 – 15 phút. Tuy nhiên, với các cơn hen nặng kéo dài hàng giờ hoặc hàng ngày thì
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, hen phế quản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, xẹp phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, tăng huyết áp, tim mạch. Do vậy, người bệnh cần được theo dõi và điều trị thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa.
2. Không khó để kiểm soát bệnh hen suyễn
Hen phế quản là một loại bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do vậy, người bị hen phế quản thường phải sống chung với bệnh cả đời. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì có thể kiểm soát được các triệu chứng thường gặp.
Để chẩn đoán bệnh hen phế quản, bác sĩ thường áp dụng một số phương pháp như: Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, đo chức năng hô hấp, chẩn đoán hình ảnh bằng kỹ thuật X-quang hoặc CT Scan, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết,… Tùy vào tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp chẩn đoán phù hợp, nhằm đem lại kết quả như ý.
Về quá trình điều trị hen phế quản, người bệnh cần phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để ngăn chặn các cơn hen phế quản cấp. Điều trị hen phế quản thường bao gồm các loại thuốc sau:
– Thuốc kiểm soát hen phế quản: Giúp giảm viêm và ngăn ngừa các cơn hen.
– Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường thở nhanh chóng trong trường hợp bị cơn hen cấp tính.
– Thuốc chống dị ứng: Giúp ngăn ngừa các cơn hen do dị ứng.
Nên nhớ rằng, việc sử dụng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ nhằm đảm bảo an toàn và đem lại hiệu quả điều trị tối đa. Người bệnh cũng nên lưu ý không tự ý mua thuốc và dùng thuốc ngoài đơn.
3. Cách phòng ngừa hen phế quản là gì?
Như đã tìm hiểu ở trên, bệnh hen phế quản có liên quan mật thiết đến cơ địa của người bệnh và có tính chất di truyền. Việc kiểm soát tốt sẽ giúp giảm các cơn hen, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh điều trị, thì chủ động phòng ngừa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các cơn hen. Dưới đây là một số cách phòng bệnh hen phế quản:
– Tránh tiếp xúc với các chất khiến phế quản bị kích thích hoặc dị ứng. Đó có thể là phấn hoa, lông động vật, bụi, khói thuốc lá, mùi hương, chất bảo quản, một số loại thực phẩm,…. Đây là biện pháp quan trọng nhất giúp phòng ngừa hen phế quản.
Song song với đó, người bệnh cần giữ gìn vệ sinh nhà ở, tránh tiếp xúc với vật nuôi, không hút thuốc lá, tránh sử dụng các sản phẩm có mùi hương mạnh như nước hoa. Ngoài ra, cần tránh ăn các thực phẩm có thể gây dị ứng.
– Tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm vắc xin cúm, vắc xin viêm phổi, vắc xin sởi, quai bị, rubella,…
– Chăm sóc răng miệng tốt vì viêm nhiễm răng miệng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen phế quản. Hãy đánh răng 2 lần/ ngày, sử dụng chỉ nha khoa, khám răng định kỳ hàng năm.
– Kiểm soát cân nặng vì thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản. Người bệnh cần kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống lành mạnh và vận động thường xuyên.
– Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe và sức đề kháng, từ đó giúp kiểm soát hen phế quản. Tuy nhiên, người bệnh cần tập thể dục đúng cách và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Hạn chế các bài tập với cường độ cao và trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì lịch tái khám để có thể kiểm soát, đánh giá tình trạng bệnh. Dựa vào các lần thăm khám, bác sĩ sẽ điều chỉnh kế hoạch điều trị trong thời gian tiếp theo. Nhờ vậy có thể hạn chế bệnh tái phát nhiều, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.