Lở miệng (hay nhiệt miệng) là chứng bệnh không còn xa lạ với mọi người. Những vết loét rộp trong miệng gây đau đớn và khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, nhiều người thường bỏ túi những cách trị lở miệng đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về chứng lở miệng
Như những bệnh lý khác, chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng gây nên nhiệt miệng. Từ đó ta mới có cách chữa trị phù hợp.
1.1. Những nguyên nhân gây lở miệng
Theo ông bà xưa, vết lở miệng bắt nguồn từ việc cơ thể phát hỏa (nóng trong). Điều này phần nào có sự đúng đắn nhưng chưa đầy đủ. Thực tế, y học cũng chưa thống kê được hết những nguyên do gây nên chứng lở miệng. Tuy nhiên nó thường do các nguồn cơn chính về môi trường, thói quen sống, dinh dưỡng,… Cụ thể:
– Tổn thương bên trong miệng, như vô ý cắn vào má, dùng lực đánh răng quá mạnh,…
– Ăn quá nhiều đồ cay nóng
– Nội tiết tố thay đổi
– Tâm lý không ổn định, căng thẳng, stress
– Các chứng bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm ruột, viêm loét đại tràng,…
– Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin B, kẽm, sắt, axit folic
– Nhiễm một số virus hoặc bệnh xã hội như HIV/AIDS, herpes sinh dục,…
– Đồ ăn chứa nhiều gluten
– Bệnh Celiac
– Các bệnh lý về gan
1.2. Triệu chứng của bệnh lở miệng
Không phải mọi trường hợp nhiệt miệng đều giống nhau. Bệnh nhân sẽ có một hoặc một số vết loét đỏ hoặc trắng, vàng tại các vị trí khác nhau như:
– Phía trong của má, môi
– Phần lưỡi
– Phần đáy nướu
– Phần mặt trên của miệng
Ngoài ra, các dấu hiệu đi kèm có thể là:
– Hạch bạch huyết cổ sưng
– Sốt
Vết loét miệng gây cảm giác khó chịu, đau và xót khi bị chạm vào. Sẽ mất khoảng 1 tuần để cơn đau lắng xuống, và khoảng 1-3 tuần để vết lở khép miệng và lành lại. Tuy nhiên nếu lở miệng do các bệnh nghiêm trọng gây nên, bạn cần gặp bác sĩ để xử lý kịp thời.
2. Cách trị lở miệng nhanh chóng
Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng, mà các vết lở miệng sẽ mau hoặc lâu lành. Dù vậy những đau đớn và bất tiện mà nó đem lại là điều không thể phủ định. Chúng ta sẽ cần có những cách chữa trị phù hợp cho từng trường hợp.
2.1. Cách trị lở miệng tại nhà
Ngoài việc chữa loét miệng bằng thuốc đặc trị, mọi người thường ưu tiên những phương pháp dân gian, những nguyên liệu có sẵn trong nhà. Nó vừa dễ dàng, lại đảm bảo lành tính. Các sản phẩm tự nhiên được lựa chọn là những thứ có tính mát, chứa nhiều kẽm, sắt, axit folic,… Một số phương pháp điển hình chữa lở miệng có thể kể tới như:
Súc miệng
Không cần mua nước súc miệng đóng chai, tự làm nước súc miệng tại nhà vừa tự nhiên, an toàn lại dễ dàng. Duy trì súc miệng hàng ngày còn giúp sạch miệng, sạch họng, ngừa các bệnh về đường hô hấp như viêm họng. Nguyên liệu pha nước súc miệng có thể là muối, nha đam, baking soda.
Nước muối pha loãng tuy khiến bạn cảm thấy xót nhưng lại có tác dụng làm sạch khuẩn và lành vết loét miệng. Bạn cần hòa tan 5g muối với 230ml nước ấm, dùng súc miệng khoảng 30 giây, tần suất súc miệng nhiều lần trong vài giờ.
Với baking soda hay nha đam, bạn sử dụng 1 muỗng bột baking soda hoặc 2 muỗng nước ép nha đam pha cùng nửa ly nước ấm, súc miệng mỗi ngày trong khoảng 15 giây.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng giấm táo pha nước với tỷ lệ 1:1, súc miệng hàng ngày để khử khuẩn và giảm loét miệng.
Các loại đồ uống giải nhiệt
Những đồ uống giải nhiệt từ thiên nhiên hỗ trợ tích cực trong việc chữa lành nhiệt miệng.
Bột sắn dây được coi là vị thuốc quý trong đông y. Nó có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạn chế các tổn thương do nóng gan gây nên. Pha 2-3 thìa bột sắn dây với nước ấm, uống 2 lần/ngày tới khi vết lở lành. Tuy nhiên, một số người bị các bệnh đặc thù như đái tháo đường, ung thư vú không thể dùng bột sắn dây. Do vậy bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại bột này.
Dù bị bỏ quên, nhưng nước lọc thực sự là vị cứu tinh cho chứng nóng trong người. Bạn cần bổ sung đủ nước mỗi ngày để cơ thể điều hòa nhiệt và giảm nguy cơ tăng nhiệt miệng.
Bên cạnh đó, trà xanh, trà hoa cúc cũng là sản phẩm kháng viêm và điều trị nhiệt miệng hiệu quả.
Thực phẩm trị nhiệt miệng
Với người bị lở miệng, trong chế độ ăn uống cần ưu tiên các sản phẩm mát như rau xanh, cà chua, sữa chua, chè đậu. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm các thực phẩm chứa kẽm, sắt, vitamin. Đặc biệt tránh xa đồ cay, nóng, nhiều dầu mỡ.
Bôi trực tiếp lên vết loét
Mật ong, bã chè khô là những sản phẩm tuyệt vời, dùng bôi trực tiếp lên vết lở miệng, giúp vết được sạch khuẩn, tiêu viêm.
2.2. Cách trị lở miệng khi trở nặng
Các phương pháp chữa loét miệng tự nhiên tuy đem lại tác dụng tốt, an toàn, nhưng chủ yếu dùng chữa trị các chứng lở miệng thông thường do nóng trong và tổn thương nhẹ gây nên. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị nhiệt miệng kèm sốt, nhức đầu hoặc tiêu chảy, thì không thể coi thường. Lở miệng bất thường, kéo dài hoặc có dịch có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm, trầm trọng hơn là ung thư khoang miệng.
Trường hợp này, người bệnh cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời, tránh để lại hệ quả nghiêm trọng về sau.
3. Lưu ý phòng ngừa chứng lở miệng
Nếu là người hay bị lở miệng, bạn cần điều chỉnh lại lối sống, sinh hoạt của mình để phòng ngừa chứng bệnh này ghé thăm thường xuyên.
Cân bằng dinh dưỡng
Đảm bảo nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết là tiên quyết khi muốn có một cơ thể khỏe mạnh. Bạn cần chú ý tránh xa các loại thực phẩm tính nhiệt, dễ kích ứng miệng, món mặn, cay, chua quá mức.
Vệ sinh răng miệng
Việc giữ gìn vệ sinh răng miệng giúp ngừa các bệnh hô hấp, sạch khoang miệng, hơi thở dễ chịu.
Kiểm soát tâm lý
Để tránh nhiệt miệng do các vấn đề về căng thẳng gây ra, bạn luôn phải đảm bảo tâm trạng tốt. Các biện pháp giảm stress, các bài tập thư giãn giúp bạn sống khỏe mà không lo lắng nhiều.
Uống đủ nước
Luôn đảm bảo nạp đủ 1-2 lít nước một ngày giúp cơ thể bạn cân bằng nhiệt, giảm mệt mỏi, thanh lọc cơ thể.
Hy vọng qua những kinh nghiệm trên, bài viết sẽ giúp mọi người có thêm những cách trị lở miệng hiệu quả, nhanh chóng.