Táo bón uống thuốc gì tốt còn phụ thuộc vào đối tượng, mức độ táo bón và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đi đại tiện, hãy đến gặp bác sĩ tiêu hóa để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.
Menu xem nhanh:
1. Táo bón không phải câu chuyện của riêng ai
Thực tế, ai cũng có thể bị táo bón ít nhất một lần trong đời. Đây là tình trạng rối loạn tiêu hóa, dẫn đến việc khó khăn khi đi ngoài. Một số dấu hiệu dễ dàng nhận biết là nhiều ngày không đi đại tiện (trên 2 ngày ở người lớn và trên một tuần ở trẻ nhỏ), lượng phân ít, khô và cứng khiến hậu môn đau rát. Tình trạng này có thể xảy ra với bất cứ ai, ở mọi độ tuổi và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phần lớn là do lối sống thiếu khoa học, cụ thể:
– Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, ăn ít chất xơ, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn,… gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
– Uống không đủ nước theo nhu cầu của cơ thể. Các chuyên gia y tế khuyến cáo định lượng lý tưởng nhất là uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày.
– Ít vận động do ảnh hưởng từ lối sống hiện đại. Đây cũng là thực trạng thường gặp ở bộ phận lớn người làm công việc văn phòng.
– Thường xuyên nhịn đi đại tiện, lâu dần khiến cơ thể kém nhạy cảm với các tín hiệu của cơ thể.
Ngoài ra, một số đối tượng có nguy cơ bị táo bón nhiều hơn người bình thường là phụ nữ đang mang thai, người bị hội chứng ruột kích thích, mắc bệnh rò hậu môn hoặc có bệnh thần kinh.
Tình trạng táo bón thể thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nguy hiểm hơn, táo bón kéo dài có thể khiến người bệnh đối diện với một số vấn đề sức khỏe như nứt kẽ hậu môn, trĩ hay thậm chí là ung thư trực tràng. Tuy vậy, vấn đề táo bón chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Vì mức độ nhạy cảm của bệnh nên nhiều người có xu hướng giấu diếm, đến khi tình trạng trở nặng và gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Với những trường hợp bị táo bón kéo dài trên 3 tuần, chướng bụng, đi đại tiện ra phân lẫn máu, đau rát hậu môn thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn hướng xử trí phù hợp.

Táo bón kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và bất tiện trong sinh hoạt thường ngày
2. Bị táo bón uống thuốc gì để cải thiện?
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc trị táo bón khác nhau. Dựa vào kết quả khám lâm sàng, khai thác triệu chứng và nguyên nhân gây táo bón, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc phù hợp với mỗi người.
2.1. Người lớn bị táo bón uống thuốc gì?
Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được chỉ định nhằm giảm thiểu tình trạng táo bón ở người lớn:
– Thuốc nhuận tràng kích thích: Thường được chỉ định với trường hợp các cơ ruột kết không hoạt động nhiều như bình thường. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là kích thích ruột co bóp, giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng loại thuốc này là chuột rút và tiêu chảy. Các loại thuốc nhuận tràng kích thích phổ biến bao gồm bisacodyl (Dulcolax) và senna (Senokot).
– Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Những loại thuốc này hoạt động bằng cách hút nước vào ruột, giúp làm mềm phân. Chúng thường nhẹ nhàng hơn thuốc nhuận tràng kích thích và có thể dùng lâu dài. Các loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu phổ biến bao gồm polyethylene glycol (Miralax) và lactulose (Kristalose).
– Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Với thành phần chính là dầu khoáng, hoạt động bằng cách bôi trơn thành ruột, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn. Chúng thường được sử dụng cho những người bị táo bón do nứt kẽ hậu môn hoặc bệnh trĩ. Các loại thuốc nhuận tràng bôi trơn phổ biến bao gồm docusate (Colace) và mineral oil.
– Thuốc làm mềm phân: Hoạt động theo cơ chế đưa nước vào phân và bao bọc bề mặt của phân bằng một lớp dầu, khiến phân mềm ra. Nhờ vậy người bị táo bón có thể đi vệ sinh dễ dàng. Các chất làm mềm phân phổ biến bao gồm psyllium (Metamucil) và methylcellulose (Citrucel).
– Thuốc xổ có thể được sử dụng để điều trị táo bón cấp tính. Chúng hoạt động bằng cách hút nước vào ruột, giúp làm mềm phân và kích thích nhu động ruột.
Điều quan trọng khi dùng bất kỳ loại thuốc trị táo bón nào là người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Không nên tùy tiện mua thuốc và sử dụng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc trị táo bón khi chưa có chỉ định từ bác sĩ
2.2. Trẻ em bị táo bón uống thuốc gì?
Ở trẻ nhỏ, loại thuốc trị táo bón tốt nhất còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ táo bón và nguyên nhân gây ra táo bón. Bên cạnh các loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu và thuốc kích thích nhu động ruột, bác sĩ có thể kê đơn một số loại men vi sinh hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, giúp trẻ đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc nào. Cần lưu ý rằng, liều lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và mức độ táo bón của trẻ. Nếu trẻ bị táo bón nặng hoặc kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
3. Không khó để phòng ngừa táo bón
Với những trường hợp nhẹ thì việc điều trị táo bón dễ dàng hơn nhiều. Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì lối sống sinh hoạt hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng khó đi đại tiện. Dưới đây là một số phương pháp mà ai cũng nên áp dụng hàng ngày.
– Uống đủ nước và bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày. Dưỡng chất này có nhiều trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
– Vận động thường xuyên, đặc biệt là các bài tập phù hợp với thể lực. Tập thể dục giúp kích thích nhu động ruột và giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua ruột.
– Đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, thay vì cố nhịn. Thói quen nhịn đi vệ sinh lâu ngày có thể khiến phân trở nên cứng và khó đi hơn.

Thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường
Nếu táo bón đi kèm với một số dấu hiệu khác như đau bụng, sụt cân, chảy máu khi đi đại tiện,… thì người bệnh đừng nên phớt lờ. Hãy đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư trực tràng. Nếu bạn đang gặp tình trạng táo bón, đừng ngại ngần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.