Lác mắt và lác mắt giả là những hiện tượng không hiếm gặp ở trẻ nhỏ khi con ngươi mắt không nhìn cùng về một điểm. Nếu tình trạng này ở trẻ được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện đáng kể, đồng thời đảm bảo thị lực của trẻ không bị ảnh hưởng.
Menu xem nhanh:
1. Lác mắt ở trẻ và phân loại lác mắt
Lác mắt là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh, do sự phối hợp giữa hai mắt trẻ kém nên gây ra mất cân bằng giữa hai mắt. Cùng với sự phát triển của trẻ, các cơ mắt sẽ dần hoàn thiện, đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng với các chuyển động và tình trạng lắc mắt sẽ dần cải thiện.
Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn mà vẫn chưa hết lác có thể trẻ bị lác mắt bẩm sinh khiến các cơ mắt hoạt động không chính xác. Tình trạng lác mắt ở trẻ bao gồm:
– Lác trong ở trẻ sơ sinh: Mắt nhìn lệch vào trong, dạng hay gặp ở trẻ sơ sinh.
– Lác trong do điều tiết: Là loại lác hay gặp và xảy ra nhát ở trẻ em. Với loại lác này, khi trẻ tập trung để nhìn rõ thì 2 mắt sẽ tự động hướng vào trong.
– Lác ngoài: Có thể chỉ xảy ra theo một khoảng thời gian, đặc biệt trẻ đang trong trạng thái mơ mang hay cơ thể yếu, mệt mỏi.
2. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị lác mắt
Tình trạng lác mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu trẻ mắt lác bẩm sinh có thể phát hiện trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng tuổi. Trẻ có thể xuất hiện tình trạng lác một bên mắt từ lúc mới sinh hoặc ở giai đoạn muộn hơn. Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng lác ở trẻ như:
– Mất cân bằng giữa 2 mắt.
– Trẻ mắc các tật về mắt như viễn thị, cận thị, loạn thị.
– Do bất thường ở các vùng cơ nhãn cầu.
– Mắt của trẻ bị nhiễm khuẩn hoặc gặp chấn thương,…
– Di truyền từ người thân trong gia đình
– Một số bất thường gặp phải trong quá trình sinh như trẻ thiếu cân hoặc sinh non.
3. Lác mắt ở trẻ được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
3.1. Chẩn đoán lác mắt ở trẻ nhỏ
Đa số bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng lác mắt qua thăm khám lâm sàng với sự hỗ trợ của các thiết bị y học giúp tìm ra sự khác nhau giữa hai mắt. Ngoài ra, thần kinh, võng mạc mắt cũng được kiểm tra để loại trừ nguyên nhân giảm thị lực, khó nhìn do vấn đề ở khu vực này.
Lác mắt ở trẻ nhỏ có thể xảy ra bất ngờ mà không có bất kỳ biểu hiện báo trước nào. Do vậy, cha mẹ cần cho trẻ khám định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo thống kê, nếu lác mắt được phát hiện sớm khi trẻ dưới 3 tuổi và được điều trị tích cực sẽ mang lại tỷ lệ điều trị thành công lên tới 92%.
Nếu trẻ không được chẩn đoán sớm có thể gặp phải một số biến chứng như:
– Nhược thị: Xảy ra ở phần lớn trẻ nhỏ bị lác.
– Cận thị.
– Co cứng thứ phát các cơ ngoại nhãn, hạn chế sự vấn động ngoại nhãn và trường thị giác hai mắt.
– Hậu quả bất lợi về tâm lý xã hội và nghề nghiệp trong tương lai.
3.2. Cách điều trị lác mắt
Quá trình điều trị bệnh lý lác mắt này bao gồm 3 phương pháp: Điều chỉnh kính, điều trị nhược thị và phẫu thuật phục hồi sự cân bằng 2 mắt:
Điều trị nhược thị
Bịt mắt là phương pháp điều trị đơn giản nhưng mang lại hiệu quả điều trị cao. Có thể bịt mắt bằng miếng băng mắt và băng dính, hai đầu có dây quấn quanh đầu. Bao gồm các kiểu bịt mắt như:
– Bịt mắt lành: Mắt lành sẽ được bịt lại buộc phía bên mắt lác phải hoạt động để phục hồi thị lực. Nên bịt từ 3 – 6 ngày/tuần.
– Bịt mắt luân phiên, mỗi ngày bịt một bên mắt để tập cân bằng cho 2 mắt.
– Bịt mắt lác: Nếu nhược thị kèm định thị trung tâm có thể bịt mắt lác trong nhiều tuần liên tục và bắt đầu luyện tập chỉnh thị.
Điều trị chỉnh thị
Phương pháp này sử dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên chưa được điều trị bịt mắt hoặc đã bịt mắt mà không hết nhược thị. Các cách có thể thực hiện là:
– Bịt mắt tốt hơn sau đó tập tô hoặc xâu hạt cườm mỗi ngày một giờ.
– Sử dụng máy móc chuyên dụng để điều trị.
Điều trị phẫu thuật
Mổ lác mắt ở trẻ em được chỉ định thực hiện khi không thể điều trị bằng những phương pháp thông thường. Với phương pháp phẫu thuật này giúp điều chỉnh các cơ bám trên mắt, giúp mắt thăng bằng, hết lác và không gây nguy hiểm tới thị lực của trẻ.
4. Tìm hiểu về hiện tượng lác mắt giả ở trẻ
4.1. Thế nào là lác mắt giả ở trẻ?
Lác mắt giả là biểu hiện giả của căn bệnh lác nhưng thực chất mắt vẫn nhìn thẳng và bình thường. Vấn đề này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có mắt dường như quay vào trong hoặc nhìn chéo nhau.
Nguyên nhân gây nên hiện tượng lác mắt giả là do trẻ nhỏ thường có sống mũi phẳng, rộng và có một nếp da ở trong mí mắt, làm cho hai con ngươi của mắt có vẻ như nhìn chéo nhau.
4.2. Cần làm gì khi trẻ bị lác mắt giả?
Chứng lác mắt giả sẽ không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị lực và không phát triển thành bệnh lác mắt thực sự. Do đó, trẻ bị lác mắt giả sẽ không cần phải điều trị. Khi trẻ lớn lên, sống mũi rộng có xu hướng dần thu hẹp lại và hình dáng giả cũng được cải thiện theo thời gian. Vì vậy, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc hội chứng này. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần có sự theo dõi sát sao mắt của trẻ. Bởi sau này, trẻ có thể bị lác mắt do những nguyên nhân hoặc bệnh lý khác gây nên.
Có thể thấy, bệnh lý lác mắt rất dễ để phát hiện nên cha mẹ cần nhận diện sớm nếu có xuất hiện ở trẻ, qua đó điều trị để có thể bảo toàn được thị lực của trẻ phát triển được một cách bình thường nhất. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cụ thể về tình trạng lác mắt cũng như lác mắt giả ở trẻ em. Nếu còn thắc mắc nào cần được giải đáp phụ huynh có thể liên hệ ngay tới Hệ thống y tế Thu Cúc TCI để nhận tư vấn cụ thể nhất!