Tiêm vacxin là biện pháp quan trọng cho mọi người dân để dự phòng sức khỏe trước nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, để tối ưu hiệu quả tiêm vacxin, chúng ta cần nắm chắc các lưu ý chăm sóc đúng cách sau tiêm phòng. Bài viết này sẽ giải đáp cho thắc mắc của nhiều người về việc tiêm vacxin có được uống thuốc không và cách chăm sóc sau tiêm.
Menu xem nhanh:
1. Tiêm vacxin là gì?
Việc tiêm vacxin là một phương pháp y tế phổ biến được sử dụng để tạo ra miễn dịch chủ động cho cơ thể chống lại các loại vi khuẩn hoặc virus cụ thể.
Vacxin chứa các thành phần của vi khuẩn, virus hoặc protein bề mặt của chúng mà đã bị làm suy yếu hoặc giết chết. Những thành phần chứa trong vacxin không có khả năng gây bệnh cho người tiêm. Ngược lại, chúng kích thích hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể và tế bào miễn dịch, giúp cơ thể nhanh chóng nhận diện và bao vây, tiêu diệt ngay lập tức khi vi khuẩn, virus xâm nhập. Do đó, người đã được tiêm phòng có thể phòng ngừa được bệnh.
Vacxin thường được tiêm trực tiếp vào cơ bắp hoặc dưới da, một số vacxin có thể sử dụng qua đường uống. Sau khi chủng ngừa vacxin, cơ thể người tiêm phòng có thể phải cần thời gian để thích nghi và đáp ứng miễn dịch. Trong quá trình đó, tùy từng người mà vacxin có thể gây ra tác dụng phụ hoặc không, các tác dụng phụ cũng có thể khác nhau.
Do đó, sau tiêm phòng, người tiêm chủng thường được các bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng về cách chăm sóc cũng như những điều cần kiêng. Việc này nhằm giúp cơ thể nhanh hồi phục sau tiêm chủng, cũng như giúp vacxin phát huy được công dụng ngừa bệnh tối đa và không gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe sau tiêm.
2. Sau tiêm vacxin có được uống thuốc không?
Sau tiêm vacxin có thể uống thuốc không là câu hỏi được nhiều người quan tâm cũng như lo lắng khi gặp các vấn đề sức khỏe cần sử dụng thuốc. Tuy nhiên, việc có thể uống thuốc sau tiêm vacxin không còn phụ thuộc vào lý do uống thuốc cũng như loại thuốc mà bạn sử dụng, bởi một số loại thuốc có thể gây ra ức chế miễn dịch hoặc gây các tác dụng ảnh hưởng đến hiệu quả của vacxin.
Do đó, không có câu trả lời chắc chắn cho việc “có” hoặc “không” được uống thuốc sau tiêm phòng, mà người tiêm cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trong từng trường hợp cụ thể.
– Thông thường, trước khi tiêm chủng, các bác sĩ sẽ khảo sát xem người tiêm phòng có đang sử dụng thuốc để chữa bệnh gì hay không. Nếu trong trường hợp người tiêm phòng đang sử dụng các loại thuốc khác, bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra các chỉ định phù hợp như: đình chỉ việc tiêm phòng, tạm hoãn việc uống thuốc hoặc vẫn có thể tiêm phòng trong khi đang sử dụng thuốc và sau tiêm vẫn có thể uống thuốc. Việc này tùy thuộc vào từng loại thuốc và từng loại vacxin.
– Ngoài ra, sau tiêm vacxin, hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể gây ra một số phản ứng như: sốt, mệt mỏi, đau cơ, sưng nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm,… Thông thường, những phản ứng nhẹ này thường tự thuyên giảm trong 1-2 ngày mà không cần sử dụng thuốc hay các biện pháp y tế.
– Trong trường hợp nặng hơn, người tiêm phòng có thể gặp phải các phản ứng như: sốt cao trên 39 độ, khó thở, phát ban, nôn, tiêu chảy, co giật, sốc phản vệ,… Lúc này, người tiêm phòng cần đến gặp ngay bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và đưa ra các can thiệp y tế phù hợp. Một số loại thuốc có thể sử dụng cho người tiêm phòng để hạn chế các tình trạng trên, tuy nhiên, loại thuốc và liều dùng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn sau thăm khám.
Người tiêm phòng không tự ý xem xét biểu hiện và đến hiệu thuốc để tự mua thuốc về uống. Bởi nếu sử dụng không đúng loại thuốc được cho phép sau tiêm chủng có thể gia tăng những phản ứng tiêu cực với cơ thể, đồng thời, làm suy giảm công dụng ngừa bệnh của vacxin.
3. Cách chăm sóc sau tiêm vacxin
Chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm phòng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả của vacxin và giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm phòng:
3.1. Theo dõi sức khỏe
– Ở lại phòng tiêm theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm để kịp thời phát hiện các bất thường sớm.
– Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe và các phản ứng của cơ thể trong vòng 48h. Nếu các bất thường xảy ra, cần liên hệ tới ngay Phòng tiêm chủng để được hướng dẫn. Trong trường hợp khẩn cấp, người tiêm phòng cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
3.2. Chăm sóc sức khỏe
– Không bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm, tránh nhiễm trùng tại vết tiêm. Có thể chườm lạnh để giảm sưng đau vết tiêm.
– Tránh vận động mạnh và hạn chế các tác động gây tổn thương vùng tiêm.
– Hãy nghỉ ngơi đủ và uống nhiều nước để giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
– Ăn uống đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
– Không tự ý sử dụng các loại thuốc để suy giảm phản ứng phụ sau tiêm khi chưa có chỉ định sử dụng của bác sĩ.
3.3. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác
– Tránh tiếp xúc gần với người đang có dấu hiệu bệnh.
– Sử dụng khẩu trang y tế khi ở những khu vực đông người tập trung.
– Bảo đảm vệ sinh tay bằng cách sử dụng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch rửa tay đều đặn.
3.4. Riêng với trẻ em
– Cho trẻ ăn mặc thoáng mát để hạ sốt.
– Cho trẻ ăn và bú ít một, chia thành nhiều lần.
– Cho trẻ bú hoặc ăn ở tư thế cao đầu để tránh trẻ bị nôn trớ. Tiếp tục theo dõi trẻ 15-30 phút sau tiêm.
– Với trẻ lớn hơn 6 tháng, có thể cho trẻ uống thêm các loại nước hoa quả và cháo sữa.
Như vậy, bài viết vừa giúp bạn giải đáp thắc mắc tiêm vacxin có được uống thuốc không và hướng dẫn các lưu ý chăm sóc sau tiêm. Để được tiêm chủng an toàn, hiệu quả cùng đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm, đăng ký chủng ngừa bệnh với vacxin ngay tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI, bạn nhé!