Trimafort là một trong những loại thuốc phổ biến hiện nay được nhiều người dùng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng, cách dùng cùng những vấn đề liên quan khác.
Menu xem nhanh:
1. Dược lực học và dược động học của Trimafort
1.1. Dược lực học
Trimafort chứa thành phần thuốc kháng acid dịch vị và simethicon. Nhôm hydroxyd là loại thuốc kháng acid tác động chậm. Trong khi magnesi hydroxyd là thuốc kháng acid có tác động nhanh.
Muối magnesi kháng acid còn có tác dụng giúp nhuận tràng nên thường được phối hợp với muối nhôm kháng acid nhằm giảm việc gây táo bón của muối nhôm.
Simethicon là chất phá bọt, phá vỡ bóng hơi trong dạ dày, giúp hơi dễ thoát ra ngoài, giảm tình trạng đầy bụng, khó chịu ở dạ dày.
1.2. Dược động học
Nhôm hydroxyd tan chậm ở trong dạ dày, phản ứng với acid hydrocloric ở dạ dày tạo thành nhôm chlorid và nước. Khoảng 17 – 30% nhôm chlorid tạo thành được hấp thu qua đường tiêu hóa và thải trừ nhanh qua thận ở người có chức năng thận bình thường. Nhôm hydroxyd không hấp thu liên kết với phosphat ở ruột tạo nên muối nhôm phosphat không tan và một số tạo nên muối carbonat, muối acid béo, tất cả các muối này được đào thải qua phân.
Magnesi hydroxyd phản ứng với acid hydrocloric trong dạ dày tạo nên magnesi chlorid và nước. Khoảng 15 – 30% lượng magnesi chlorid vừa tạo ra được hấp thu và sau đó được thải trừ qua nước tiểu ở người có chức năng thận bình thường. Còn lượng magnesi hydroxyd nào chưa được chuyển hóa thành magnesi chlorid thì có thể chuyển hóa ở ruột non và hấp thu không đáng kể.
2. Công dụng và cách sử dụng của Trimafort
2.1. Công dụng của thuốc Trimafort
Thuốc này thường được chỉ định sử dụng trong một vài trường hợp như sau:
Chữa trị tình trạng tăng tiết acid dịch vị, ợ nóng, khó chịu ở dạ dày ruột, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày, ợ hơi.
2.2. Cách dùng và liều dùng Trimafort
– Người lớn:
Uống 1 gói (10 ml)/lần. Dùng uống 3 lần mỗi ngày, giữa các bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
– Trẻ em:
Cần dùng theo sự hướng dẫn từ bác sĩ.
Lưu ý: Liều lượng sử dụng thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Liều cụ thể sẽ căn cứ vào thể trạng và mức độ diễn tiến bệnh. Để có liều dùng phù hợp nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
2.3. Xử trí khi dùng thuốc quá liều
Trong trường hợp dùng quá liều, bạn cần lập tức đến ngay bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất ngay cả khi chưa có triệu chứng nào.
Người bình thường khi dùng quá liều chỉ có biểu hiện tiêu chảy. Bệnh nhân bị thiểu năng thượng thận sẽ có triệu chứng ngộ độc magnesi với các biểu hiện như: Khô miệng, ngủ gà, thẫn thờ và suy hô hấp. Biện pháp xử trí cho trường hợp này đó là tiến hành rửa dạ dày và sử dụng các loại thuốc tẩy xổ ngoại trừ thuốc xổ có chứa magnesi.
Chữa trị tăng magnesi huyết nhẹ bằng cách giảm magnesi trong chế độ ăn.
Đối với trường hợp bị tăng magnesi huyết nặng sẽ cần được hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Tiêm tĩnh mạch chậm 10 – 20 ml calci gluconat 10% để đảo ngược tác dụng ở trên hệ tim mạch và hệ hô hấp. Nếu chức năng thận của người bệnh bình thường, hãy uống đủ nước để tăng độ thanh thải của thận, có thể dùng furosemid. Thẩm tách máu nhờ dung dịch thẩm tách không có magnesi, hiệu quả trong việc giúp loại bỏ magnesi và cần thiết với những bệnh nhân suy thận hay khi các phương pháp khác không hiệu quả.
2.4. Làm gì khi quên 1 liều?
Nếu bệnh nhân quên sử dụng 1 liều, hãy uống thuốc càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần với liều thuốc kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều thuốc đã được quy định.
3. Tác dụng phụ
Khi dùng thuốc, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).
Tác dụng hiếm gặp đó là vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón.
Hướng dẫn cách xử trí:
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng dùng và thông báo cho bác sĩ hoặc tới ngay cơ sở y tế để được tiến hành xử trí kịp thời.
4. Lưu ý
Trước khi sử dụng thuốc bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thêm thông tin dưới đây.
4.1. Chống chỉ định
Thuốc này chống chỉ định trong một vài trường hợp sau:
– Người bệnh bị mẫn cảm với thành phần có trong thuốc.
– Người bị bệnh suy thận nặng.
4.2. Thận trọng khi sử dụng
– Bệnh nhân hãy tuân theo chỉ định về liều dùng và cách dùng từ bác sĩ.
– Nếu các triệu chứng không được cải thiện sau 2 tuần chữa trị, hãy ngưng dùng thuốc và tham vấn ý kiến từ bác sĩ.
– Không uống quá 60 ml/ngày mà không hỏi ý kiến từ bác sĩ.
– Thuốc này có thể gây thiếu phosphat ở người bệnh có chế độ ăn ít phosphat. Tình trạng này có thể được khắc phục bằng cách dùng thường xuyên sữa và những chất có phosphat. Đồng thời, kiểm tra định kỳ nồng độ phosphat trong quá trình điều trị lâu dài.
– Không nên sử dụng simethicon để chữa trị các cơn đau bụng ở trẻ em vì chưa đủ thông tin về lợi ích cũng như mức độ an toàn cho lứa tuổi này.
– Tránh các đồ uống có carbonat hoặc các thức ăn có thể làm tăng lượng khí trong dạ dày.
– Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc này cho những bệnh nhân sau:
Người rối loạn chức năng thận nhẹ đến trung bình và nhược cơ.
Người đang dùng thuốc khác.
Người bị bệnh suy tim sung huyết, phù/xơ gan.
Người cao tuổi, nữ giới có thai và cho con bú (tránh uống thuốc liều cao kéo dài). Đồng thời, những đối tượng này cần theo dõi nhịp tim của thai nhi.
– Thuốc không gây ảnh hưởng tưới khả năng lái xe và vận hành máy móc.
4.3. Tương tác thuốc
Thuốc kháng acid tương tác với nhiều loại thuốc khác bởi nó làm thay đổi độ pH trong dạ dày, thuốc được hấp thu, tạo thành phức hợp không hấp thu. Những tương tác này có thể giảm bằng cách dùng thuốc kháng acid cách các loại thuốc khác khoảng 2 đến 3h.
Trên đây là một số thông tin về thuốc Trimafort để bạn tham khảo. Đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được tư vấn về liều lượng, cách dùng phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bản thân nhé.