Tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn là một việc làm cần thiết nhằm giúp nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, cũng như phòng tránh khả năng lây lan bệnh giữa người với người. Vậy những loại vắc xin phế cầu nào được sử dụng cho người trưởng thành, phác đồ tiêm ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Vắc xin phế cầu cho người trưởng thành và những điều cần biết
1.1. Vi khuẩn phế cầu gây ra những bệnh lý nào?
Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hay còn được gọi là vi khuẩn phế cầu, là một loại vi khuẩn có tính kỵ khí, thường xuất hiện và trú ngụ tại khu vực vùng mũi, vùng họng của con người. Loại vi khuẩn này được đánh giá là nguy hiểm đối với sức khỏe. Chúng có thể gây ra nhiều bệnh lý khác như: viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…Vi khuẩn phế cầu rất dễ lây nhiễm qua con đường hô hấp, hắt xì hơi, tiếp xúc gần với người bệnh.
Những bệnh lý này nếu không được chữa trị, xử lý kịp thời sẽ dễ gây nên những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng, đặc biệt là đối tượng trẻ em có sức đề kháng yếu.
1.2. Các dấu hiệu khi bị lây nhiễm phế cầu khuẩn
Bệnh lý phế cầu rất dễ lây lan giữa người với người qua đường ho, hắt xì hơi hay có sự tiếp xúc gần với người bệnh. Trong trường hợp nhiễm bệnh, sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như sau:
– Sốt cao, ho kéo dài, khó thở
– Hiện tượng ho đi kèm với co thắt vùng ngực
– Mất ngủ, mệt mỏi, khó chịu
– Một số triệu chứng khác: đau mỏi khớp, nhạy cảm với ánh sáng,…
– Một số biến chứng nặng hơn có thể xảy ra: giảm thính lực, tổn thương màng não, tử vong.
1.3. Tiêm vắc xin phòng phế cầu cho người lớn áp dụng cho đối tượng nào?
Tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu cho người lớn được các bác sĩ chuyên khoa khuyên nên sử dụng cho những đối tượng sau:
– Đối tượng người già, người cao tuổi (trên 65 tuổi). Lúc này hệ miễn dịch và sức khỏe của cơ thể đã bị lão hóa đi nhiều. Các chức năng của phổi cũng không còn khỏe như trước. Do vậy, đây là đối tượng dễ bị sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus.
– Trường hợp người có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch, đề kháng của cơ thể yếu nên cũng dễ bị các loại vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
– Những người có tiền sử hoặc bẩm sinh bệnh tim, hen suyễn, suy giảm miễn dịch cũng rất cần tiêm vắc xin phòng phế cầu.
– Những đối tượng đã và đang trong quá trình hóa trị, xạ trị, cấy ghép nội tạng,…
– Người thường xuyên sử dụng thuốc lá, phổi bị tổn thương cũng là đối tượng dễ mắc bệnh gây hại cho cơ thể.
– Bệnh nhân vừa trải qua các cuộc phẫu thuật, cơ thể còn yếu cũng dễ là đối tượng hay mắc bệnh.
– Người uống nhiều bia rượu, chất kích thích thường xuyên cũng nên chú ý đi tiêm vắc xin đúng hẹn.
1.4. Tiêm vắc xin phòng phế cầu cho người lớn không áp dụng cho đối tượng nào?
– Trong một số trường hợp, bạn bị dị ứng với một số thành phần trong vắc xin thì cũng nên cân nhắc tới việc có nên tiêm vắc xin phế cầu hay không.
– Người đang ốm sốt cũng không nên tiêm vắc xin mà cần dời việc tiêm chủng sang thời gian khác, khi cơ thể đã khỏe lại.
– Trên hết, cần khám sàng lọc trước tiêm và nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để biết được mình có tiêm được vắc xin phế cầu hay không.
2. Vắc xin phế cầu cho người lớn nên tiêm theo phác đồ như thế nào?
Người trưởng thành thường sẽ sử dụng 2 loại vắc xin phòng phế cầu đó là: Prevenar 13 (PCV13) và Pneumon 23 (PPSV23). Hai loại vắc xin này được bào chế để sử dụng tiêm đường bắp, và sẽ tuân theo phác đồ các mũi tiêm như sau:
– Đối với người chưa từng tiêm vắc xin phế cầu trước đó: nên tiêm vắc xin PCV13 trước khi tiêm PPSV23. Hai mũi này cần tiêm cách nhau ít nhất là 1 năm.
– Đối tượng người lớn trong độ tuổi 19 tới 64: Tiêm được cả 2 loại vắc xin kể trên. Tuy nhiên nên tiêm vắc xin PCV13 trước rồi mới tiêm vắc xin PPSV23. Hai mũi tiêm này nên tiêm cách nhau ít nhất là 8 tuần.
– Đối tượng người cao tuổi (trên 65 tuổi): Nên tiêm vắc xin PCV13 trước rồi mới tiêm PPSV23. Hai mũi tiêm nên cách nhau ít nhất 1 năm.
3. Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin phế cầu
Trước khi tiêm vắc xin phế cầu, chúng ta cần lưu ý tới một số điều sau:
– Tất cả các loại vắc xin đều chỉ có tác dụng phòng tránh, hạn chế khả năng mắc bệnh. Người tiêm vắc xin hoàn toàn có thể bị mắc bệnh sau đó, tuy nhiên khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn, nhanh khỏi hơn người không tiêm vắc xin.
– Vắc xin sẽ phát huy tác dụng sau khoảng 1 – 2 tuần sau khi tiêm chủng.
– Vắc xin phế cầu chỉ được tiêm ở vị trí bắp, khu vực cơ Delta hoặc vị trí thích hợp. Không sử dụng để tiêm đường tĩnh mạch hay tiêm bên dưới da.
– Đối với trẻ em <5 tuổi: nên tiêm ở khu vực mặt trước bên đùi trong.
– Một số phản ứng phụ có thể xảy ra với trẻ em sau khi tiêm vắc xin như: sưng đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, bỏ ăn,…Tuy nhiên, các hiện tượng này sẽ hết dần sau khoảng 1 vài ngày sau tiêm. Nếu trong quá trình theo dõi mà thấy có hiện tượng lạ bất thường, nên đưa trẻ tới bệnh viện để được xử lý kịp thời.
– Người lớn sau khi tiêm vắc xin phế cầu cũng có thể gặp phải một số phản ứng phụ như: mệt mỏi, đau mỏi người, đau cơ,…tuy nhiên chúng cũng sẽ tự hết sau khoảng 1 vài ngày sau tiêm.
– Vắc xin prevenar 13 không sử dụng được cho một số đối tượng sau: phụ nữ đang có em bé, người bị dị ứng với các thành phần trong vắc xin, bệnh nhân đang điều trị bệnh liên quan tới tiểu cầu và chức năng đông máu.
– Nên lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín, có nguồn vắc xin chất lượng tốt để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng.
– Nên khám sàng lọc kỹ càng trước khi tiêm chủng.
– Chờ sau tiêm ít nhất 30 phút để phòng tránh khả năng sốc phản vệ.
Trên đây là những thông tin cần biết về việc tiêm vắc xin phòng phế cầu cho người lớn. Nếu bạn có nhu cầu đặt lịch thăm khám bác sĩ hoặc tư vấn thông tin các mũi tiêm chủng, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh nhất nhé.