Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm các bệnh lây truyền do khả năng miễn dịch còn yếu. Vắc xin ra đời như một phương pháp hiệu quả để nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật và ngăn chặn sự lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cha mẹ cần ghi nhớ các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng tuổi để lên kế hoạch tiêm chủng đúng lịch.
Menu xem nhanh:
1. Vắc xin và vai trò của vắc xin với trẻ nhỏ
1.1 Vắc xin là gì?
Vắc xin là một biện pháp phòng ngừa y tế được phát triển để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn hoặc virus gây bệnh. Vắc xin thường được sản xuất từ các thành phần như kháng nguyên bề mặt, toàn bộ hoặc 1 phần vi khuẩn virus đã được giảm độc lực. Mặc dù không đủ mạnh để gây bệnh, những thành phần này vẫn đủ để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các tế bào và kháng thể chống lại chúng.
Khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ thống miễn dịch nhận diện các thành phần của vi khuẩn hoặc virus. Sau đó, miễn dịch phát triển phản ứng bảo vệ bằng cách sản xuất tế bào T và tế bào B kháng thể. Nếu cơ thể tiếp tục tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus trên thực tế, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết chúng và triển khai các tế bào kháng thể đã được chuẩn bị từ trước để ngăn chặn sự lây nhiễm.
Có nhiều loại vắc xin khác nhau, bao gồm vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin dưới đơn vị, vắc xin bất hoạt toàn thể và vắc xin giải độc tố. Mỗi loại vắc xin có cơ chế hoạt động đặc biệt và được phát triển để ngăn chặn các loại bệnh cụ thể.
Trước khi được sử dụng rộng rãi, các loại vắc xin phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Các cơ quan y tế đánh giá và kiểm tra các vắc xin rất kỹ để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Vắc xin đã có đóng góp lớn vào việc kiểm soát và loại bỏ nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các chương trình tiêm phòng toàn cầu đã giúp giảm đáng kể số lượng người mắc bệnh và tử vong mỗi năm.
1.2 Tầm quan trọng của các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng
Mũi tiêm phòng cho bé theo tháng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ. Đây không chỉ là một biện pháp phòng ngừa mà còn là cơ hội để xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ từ khi bé còn nhỏ.
– Mũi tiêm phòng giúp ngăn chặn sự lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như viêm não mô cầu, cúm, uốn ván, bạch hầu và nhiều bệnh tật khác.
– Việc tiêm vắc xin từ khi bé còn nhỏ giúp kích thích phản ứng miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Điều này tạo ra một lớp bảo vệ mạnh mẽ để chống lại các mầm bệnh khi trẻ tiếp xúc với chúng.
– Mũi tiêm phòng không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn giúp bảo vệ cộng đồng. Việc giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng giúp ngăn chặn sự lan truyền của các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ cả những người không thể tiêm vắc xin.
– Phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng không chỉ giảm gánh nặng về chi phí điều trị bệnh mà còn giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế.
– Tiêm phòng mang lại sự an tâm cho phụ huynh về sức khỏe của con cái. Nhất là khi họ biết rằng con em mình đang được bảo vệ chống lại nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
2. Thống kê các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng cha mẹ cần ghi nhớ
Sau đây là tổng hợp các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng tuổi tạo Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cho bạn tham khảo:
– Trẻ sơ sinh: Cần tiêm mũi viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm mũi Lao trong vòng 1 tháng sau sinh. Đây là những mũi tiêm cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh viêm gan B và Lao rất nguy hiểm.
– Khi trẻ đủ 6 tuần tuổi.
+ Cha mẹ cần cho trẻ đi uống vắc xin ngừa các bệnh viêm dạ dày ruột do virus rota gây ra.
Nếu uống Rotarix (Bỉ) hoặc Rotavin (Việt Nam), trẻ sẽ được uống 2 liều, mỗi liều cách nhau 4 tuần và hoàn thành cả 2 liều trước 6 tháng.
Nếu uống Rotateq (Mỹ): Cần uống 3 liều. Liều 1 lúc 7,5 đến 12 tuần tuổi. Các liều sau cách nhau 4 tuần và hoàn thành cả 3 liều trước 32 tuần tuổi.
+ Ngoài ra, cha mẹ cần nhớ cho trẻ đi tiêm phòng các bệnh viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu. Tên vắc xin là Synflorix (của Bỉ 10 chủng) hoặc Prevenar 13 (13 chủng). Trẻ cần tiêm 3 mũi, các mũi cách nhau 4 tuần. Nhắc lại sau mũi 3 6 tháng. Trẻ tiêm muộn sau 6 tháng hoặc 12 tháng có phác đồ riêng.
– Khi trẻ đỉ 2 tháng tuổi sẽ cần tiêm mũi 6 trong 1 để phòng ngừa các bệnh: Bạch hầu, ho gà, bại liệt, viêm gan B, uốn ván và các bệnh gây ra ho HiB. Có 2 loại vắc xin là Infanrix Hexa (Bỉ) và Hexaxim (Pháp) với lịch tiêm là 3 mũi, các mũi cách nhau 4 tuần. Nhắc lại sau mũi 3 tối thiểu 12 tháng.
– Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, cha mẹ cần tiêm vắc xin Cúm cho trẻ với 2 mũi cách nhau 4 tuần, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm. Ngoài ra thời điểm này, trẻ cũng cần được tiêm mũi phòng viêm não mô cầu BC với 2 mũi tiêm cách nhau 02 tháng.
– Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, một loạt các mũi tiêm phòng cần hoàn thành như:
+ Mũi Sởi -quai bị- rubella: Có thể dùng Sởi đơn hoặc Sởi 3 trong 1 (Sởi- quai bị- rubella) khi được 9 tháng. Sau đó tiêm tiếp mũi 2 3 trong 1 cách mũi 1 03-06 tháng sao cho trẻ dưới 2 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi sởi. Sau 4 năm tiêm nhắc lại mũi 3.
+ Mũi viêm não Nhật Bản: Có 3 loại vắc xin như: Imojev (Thái Lan) tiêm 2 mũi cách nhau 1 năm; Jevax (Việt Nam) và Jeev (Ấn Độ) tiêm khi đủ 12 tháng.
+ Thủy đậu: Có vắc xin Varilrix của Bỉ tiêm khi đủ 9 tháng và mũi 2 cách từ 3 đến 6 tháng. Varivax (Mỹ) tiêm 1 mũi khi đủ 12 tháng và tiêm nhắc sau 4 năm.
+ Vắc xin viêm não mô cầu ACYW 135: Vắc xin Menactra của Pháp tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.
– Khi trẻ đủ 12 tháng tuổi sẽ cần tiêm vắc xin viêm gan A Avaxim 80UI của Pháp với 2 mũi tiêm cách nhau 6 tháng.
– Từ 12 tháng đến dưới 24 tháng trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi đã tiêm theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu trẻ chưa tiêm Avaxim 80UI phòng viêm gan A lúc 12 tháng tuổi thì 24 tháng cần tiêm 2 mũi vắc xin Havax (Việt Nam) cách nhau 6 tháng.
Bài viết trên đã cung cấp cho cha mẹ những loại vắc xin cần tiêm phòng cho trẻ theo tháng tuổi. Cha mẹ nên ghi nhớ và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đúng độ tuổi để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối ưu.