Viêm gan B có thể lây lan qua nhiều con đường nhưng lại ít triệu chứng nên khó để phát hiện. Vào giai đoạn muộn, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, tiêm vắc xin viêm gan B là giải pháp cần thiết để giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh. Vậy bạn đã nắm rõ được thời gian chích ngừa viêm gan B cho từng đối tượng hay chưa? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Các con đường chủ yếu dẫn tới sự lây truyền bệnh viêm gan B
Bệnh nhân mắc viêm gan B do bị virus viêm gan B tấn công thường qua các con đường như sau:
– Lây nhiễm từ người mẹ sang cho con trong quá trình mang thai.
– Lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục mà không có biện pháp bảo vệ sức khỏe một cách an toàn.
– Lây nhiễm qua đường máu khi sử dụng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay, châm cứu, xỏ khuyên tai, các dụng cụ y tế không được khử trùng tốt,…
Bệnh thường không có biểu hiện rõ rệt khi ở giai đoạn sớm, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua một số biểu hiện bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo như: mệt mỏi, sốt nhẹ, vàng da,…
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm gan B sẽ dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
– Suy gan cấp: Tế bào gan bị virus tấn công ồ ạt gây nên tình trạng cấp tính. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ người bệnh tử vong có thể lên đến 90%.
– Xơ gan: Virus tấn công khiến cho các tế bào gan, mô gan bị tổn thương, dần thay thế bằng tổ chức xơ và gây xơ hóa gan.
– Bệnh não do gan: Người bệnh sẽ có trạng thái tâm thần không ổn định, mất định hướng về không gian và thời gian, thường kèm theo những rối loạn về mặt cảm xúc. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị rối loạn tâm thần cấp tính, hôn mê sâu, mê sảng,…
– Tăng áp lực tĩnh mạch cửa: Chức năng chính của gan đó là lọc máu. Khi bị virus tấn công, quá trình này sẽ trở nên có vấn đề. Các mô xơ mọc quanh tĩnh mạch gan sẽ siết chặt mạch máu làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn tới hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác như: giãn tĩnh mạch thực quản, tụ dịch trong xoang phúc mạc,…
Hiện nay, chưa có phương pháp nào giúp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B. Do đó, bệnh nhân nên có chế độ sinh hoạt hợp lý, kết hợp với phương pháp điều trị theo chỉ định để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm hơn.
Từ những hậu quả và sự nguy hiểm do virus viêm gan B gây ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Việc làm này cần được áp dụng cho cả người lớn và trẻ em với thời gian giữa các lần tiêm khác nhau.
3. Thời gian chích ngừa viêm gan B cho từng đối tượng
3.1. Thời gian chích ngừa viêm gan B cho trẻ em
Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B ngay sau khi sinh (tốt nhất là 24h sau khi sinh). Riêng với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài việc tiêm 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác, bé sẽ cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay trong vòng 12 – 24h đầu sau sinh.
Khi trẻ được 15 – 18 tháng tuổi sẽ cần được thực hiện xét nghiệm kiểm tra HBsAg và antiHBs lại để chắc chắc trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ người mẹ.
Ngoài mũi sơ sinh và huyết thanh (nếu có), trẻ được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc xin phòng viêm gan B theo phác đồ như sau:
– Mũi 1: Mũi tiêm viêm gan B đầu tiên.
– Mũi 2: Được tiêm sau mũi 1 một tháng.
– Mũi 3: Được tiêm sau mũi 2 một tháng.
– Tiêm nhắc lại mũi thứ 4 sau một năm.
Vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ có thể là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1).
3.2. Thời gian chích ngừa viêm gan B cho người lớn
Trước khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, bạn nên thực hiện xét nghiệm để xác định mình có bị nhiễm virus hay đã có kháng thể kháng virus hay chưa. Nếu kết quả dương tính thì việc tiêm vacxin phòng ngừa không có giá trị nữa. Với trường hợp khi cơ thể đã có kháng thể virus viêm gan B thì cũng không cần thực hiện tiêm thêm.
Trong trường hợp cả 2 kết quả đều âm tính thì người lớn có thể thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B theo lịch như sau:
– Tiêm 3 liều. Trong đó, liều thứ hai tiêm cách liều thứ nhất 1 tháng và liều thứ ba cách liều thứ hai là 5 tháng.
– Tiêm 4 liều. Trong đó, 3 liều đầu tiên sẽ tiêm liên tiếp cách đều nhau 1 tháng. Tiêm liều cuối cùng sau 1 năm kể từ khi thực hiện tiêm liều thứ nhất.
Sau mỗi lần tiêm, bạn cần chú ý phản ứng của cơ thể như: đau, đỏ, sưng tại nơi tiêm,… hoặc các biểu hiện nặng hơn như: khó thở, tụt huyết áp, sốt cao,… Khi gặp bất kỳ vấn đề gì bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị.
Vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho người lớn có thể là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp (vắc xin phòng viêm gan A và B).
4. Tiêm vắc xin viêm gan B sau bao lâu thì cần tiêm lại?
Tiêm vắc xin viêm gan B sau bao lâu thì tiêm lại cũng là thắc mắc của nhiều người. Bởi vacxin viêm gan B sẽ không đáp ứng miễn dịch suốt đời vì lượng kháng thể bị giảm dần theo thời gian. Thông thường, ở cả trẻ em và người lớn thì sau 5 năm hoặc 10 năm nên thực hiện việc xét nghiệm kháng thể chống virus viêm gan B (HbsAb). Nếu kết quả là HBsAb nhỏ hơn 10mIU/ml thì cần tiến hành tiêm nhắc lại 1 liều vacxin nhằm đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm được thời gian chích ngừa viêm gan B của từng đối tượng để có kế hoạch tiêm chủng cho bản thân và gia đình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp tận tình nhé!