Uốn ván là tác nhân đe dọa tính mạng của rất nhiều người khỏe mạnh khi họ gặp phải các vết thương hở mà không có sự đề phòng. Bởi vậy, việc chích ngừa uốn ván sau khi bị thương vào thời điểm thích hợp là cực kỳ quan trọng để bạn bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân gây bệnh uốn ván
Uốn ván là một bệnh cấp tính nguy hiểm, khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện, khả năng cứu chữa và phục hồi thường rất thấp, dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Nguyên nhân chính gây bệnh uốn ván là do ngoại độc tố Tetanus Exotoxin của vi khuẩn uốn ván Clostridium Tetani phát triển trong điều kiện thiếu oxy tại vết thương. Vi khuẩn Clostridium tetani có thể tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm đất cát, bụi bẩn, phân thải.
Khi bào tử của vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hoặc tổn thương trên da, các độc tố mà Clostridium tetani tiết ra sẽ ngăn chặn quá trình giải phóng các chất ức chế có chức năng truyền tín hiệu thần kinh, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Điều này dẫn đến các triệu chứng cứng cơ tổng thể như co thắt cơ, đau đớn, sự mất ổn định trong khả năng kiểm soát cơ thể và rối loạn hô hấp.
2. Vết thương như thế nào thì cần chích ngừa uốn ván?
Tất cả các loại vết thương hở, trầy xước hoặc rách da,… đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, các vết thương có nguy cơ cao cần được tiêm phòng ngay lập tức, bao gồm các vết thương nặng do tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc các vết thương do dẫm phải các vật sắc nhọn như đinh gỉ, cành cây, các vết bỏng trên cơ thể,…
Các vết thương như vết trầy xước nhẹ và các vết thương hở không sâu mà không bị nhiễm bẩn thường có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn, tuy nhiên, chúng ta không nên lơ là với những vết thương này. Trái lại, cũng cần tiến hành sơ cứu đúng cách và kịp thời để tránh nguy cơ nhiễm trùng uốn ván. Đồng thời, để đảm bảo an toàn, việc tiêm phòng là cần thiết đối với những người có các vết thương này, bởi các biện pháp điều trị sau khi bệnh đã phát triển thường khó chạy đua lại so với tốc độ phát triển của vi khuẩn uốn ván, hầu hết các trường hợp đều gặp phải tử vong.
3. Thời điểm chích ngừa uốn ván sau khi bị thương
Việc tiêm phòng uốn ván sau khi bị thương cần tuân theo các hướng dẫn sau:
Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3-21 ngày, với trung bình khoảng 7-8 ngày. Ngay sau khi xảy ra vết thương, việc xử lý vết thương đúng cách giúp làm chậm quá trình xâm nhập của vi khuẩn. Sau đó, quan trọng là người bị thương nên đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng một cách nhanh chóng, ngăn chặn mọi nguy cơ uốn ván có cơ hội tấn công vết thương hở.
– Nếu vết thương sâu, ngóc ngách, bẩn, kín cần đến cơ sở khám chữa bệnh để khám ngay và nếu trước đó chưa từng tiêm các liều cơ bản phòng uốn ván thì cần được tiêm 01 mũi huyết thanh phòng uốn ván càng sớm càng tốt. Còn nếu trước đó đã từng tiêm phòng thì tùy tình huống sẽ được tiêm huyết thanh hay vắc xin.
– Vết thương nhỏ, không sâu, không bẩn thì cần vệ sinh sạch sẽ vết thương và cũng nên đến các phòng tiêm chủng để nghe tư vấn phòng bệnh uốn ván, vì tùy tình huống mà bác sĩ sẽ chỉ định nên tiêm các mũi cơ bản hay nhắc vắc xin phòng uốn ván.
Thời gian tiêm phòng hiệu quả nhất là trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị thương. Nếu việc tiêm vắc xin được thực hiện muộn hơn, sau 24 giờ kể từ khi vị thương thì việc tiêm phòng uốn ván vẫn có ích nhưng nguy cơ phát bệnh, biến chứng và thậm chí tử vong sẽ tăng lên theo thời gian.
4. Thời điểm cần chích ngừa uốn ván chủ động cho người khỏe mạnh
Cách hiệu quả để dự phòng bệnh uốn ván là chủ động tiêm vắc xin để ngừa bệnh, tốt nhất là trước khi xảy ra các vết thương. Sau khi tiêm phòng uốn ván thì trong cơ thể của chúng ta sẽ có sẵn kháng thể để trung hòa độc tố uốn ván nếu mà vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Hiện tại, ở Việt Nam đã có sẵn các loại vắc xin có chứa thành phần uốn ván, trong đó bao gồm cả vắc xin uốn ván đơn giá và vắc xin uốn ván kết hợp. Lịch tiêm phòng uốn ván được các chuyên gia y tế khuyến nghị như sau:
– Đối với trẻ em, nên tiêm vắc xin 5in1 trong chương trình Tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin 6in1 trong chương trình tiêm chủng dịch vụ từ 2 tháng tuổi.
– Phụ nữ thì sẽ được tiêm các mũi nhắc lại trong thời kỳ mang thai và hoàn thành các mũi tiêm trước khi sinh 1 tháng.
– Còn đối với người lớn khác chưa tiêm vắc xin phòng uốn ván thì nên tiêm vắc xin uốn ván theo phác đồ sau: tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, sau 6 tháng tiêm nhắc mũi số 3 và từ 5-10 năm sau thì tiêm nhắc lại 1 mũi. Việc này sẽ giúp bạn phòng được bệnh uốn ván trong suốt cuộc đời.
5. Hướng dẫn cách sơ cứu vết thương phòng ngừa vi khuẩn uốn ván
Khi gặp vết thương hở, có những hướng dẫn sau để sơ cứu và phòng ngừa uốn ván:
– Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch liên tục để loại bỏ chất bẩn và dị vật. Có thể loại bỏ dị vật bằng cách sử dụng oxy già. Việc này giúp làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn trong vòng 4 giờ đầu và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
– Băng bó vết thương nhanh chóng và đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng uốn ván. Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI sẵn các loại vắc xin uốn ván để phục vụ nhu cầu chủng ngừa cho mọi khách hàng cùng với dịch vụ tiêm chủng chất lượng, quy trình tiêm chủng đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn về vắc xin.
– Nếu vết thương có các dấu hiệu bất thường như đau tăng dần, sưng phù, đỏ vùng da xung quanh, có dịch nhầy chảy ra, mùi khó chịu, hạch sưng to, vết thương không lành hoặc lâu lành, người bị thương cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất. Tránh tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc hoặc rắc thuốc bột.
Như vậy, bài viết vừa sẻ đến bạn về thời điểm thích hợp để chích ngừa uốn ván sau khi bị thương. Nếu chưa có sự dự phòng uốn ván trước đó, đừng quên đến ngay Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để tiêm vắc xin ngừa uốn ván ngay khi gặp phải các vết thương hở, bạn nhé!