Viễn thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp ở mọi người hiện nay. Tật viễn thị ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thị lực, cản trở sinh hoạt, học tập và làm việc của mọi người. Cùng tìm hiểu về các dấu hiệu, nguyên nhân gây viễn thị và cách khắc phục mắt viễn thị ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là tật viễn thị?
Viễn thị – Hypermetropia, Farsightedness – là tình trạng các tia sáng không hội tụ đúng trên võng mạc mà hội tụ ở phía sau. Điều này dẫn tới việc mọi người chỉ có thể nhìn được hình ảnh ở phía xa, khó nhìn được ở gần.
Ở người trưởng thành, tình trạng này xảy ra do cấu tạo bất thường của nhãn cầu, giác mạc mắt khiến hình ảnh và ánh sáng thu về sai vị trí trên võng mạc. Viễn thị ở trẻ em xảy ra do đối tượng này đang trong giai đoạn phát triển cơ quan thị giác. Phần lớn trẻ sẽ trở về chính thị khi bước vào giai đoạn trưởng thành do khi đó, các cơ quan trong mắt đã phát triển hoàn thiện.
Viễn thị được các chuyên gia phân thành các mức độ cụ thể như:
– Viễn thị nhẹ: Nhỏ hơn 1.00 diop, mọi người vẫn có thể nhìn thấy đồ vật ở trước mắt, sinh hoạt không bị ảnh hưởng quá lớn, không bị khô hoặc đỏ mắt.
– Viễn thị trung bình: Từ 1.00 diop – 4.00 diop, người mắc sẽ thấy thị lực giảm, nhìn đồ vật ở gần thường mờ, không thể tự cải thiện thị lực, nhìn lâu có thể nhức mỏi mắt.
– Viễn thị nặng: Lớn hơn 4.00 diop khiến thị lực của mọi người giảm sút nghiêm trọng, nhìn gần khá mờ, mỏi mắt, nhức mắt và có hiện tượng đỏ mắt, chảy nước mắt sống.
2. Triệu chứng của bệnh
Khó nhìn vật ở gần, chỉ nhìn được vật ở xa hoặc rất xa là tình trạng chung của những người mắc tật viễn thị. Ngoài ra, mọi người còn thường xuyên gặp phải các vấn đề như?:
– Đau mỏi vùng mắt
– Chóng mặt
– Mờ mắt
– Đau đầu
– Lác mắt
– Nặng ở trán
– Cau mày…
Các vấn đề này có thể nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện nhiều hơn khi mọi người phải điều tiết mắt quá nhiều để nhìn hoặc khi mắc tật viễn thị nặng. Nếu không thăm khám và có hướng khắc phục sớm, viễn thị không chỉ cản trở sinh hoạt mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của mắt.
3. Nguyên nhân gây viễn thị
Ánh sáng thu về trong mắt không đúng vị trí trên võng mạc, gây ra tình trạng viễn thị do:
– Cấu trúc của mắt: Giác mạc quá dẹt, trục trước và sau nhãn cầu quá ngắn khiến ánh sáng hội tụ không đúng trên võng mạc, gây ra hiện tượng viễn thị.
– Điều tiết của mắt: Mắt điều tiết quá nhiều do ngồi làm việc sai tư thế, nhìn quá gần khiến nhãn cầu dần trở nên bất thường.
– Giãn thủy tinh thể: Do tuổi già khiến cơ thể bắt đầu lão hóa, thủy tinh thể mất đi tính đàn hồi và khả năng phồng lên.
– Bệnh lý võng mạc: Các bệnh về võng mạc hoặc khối u ở mắt khiến võng mạc chịu tổn thương, ảnh hưởng tới khả năng hội tụ ánh sáng và hình ảnh.
– Bệnh lý toàn thân: Ảnh hưởng của một số bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư… khiến sức khỏe thị lực cũng giảm sút, tỷ lệ mắc viễn thị cao hơn.
4. Điều trị tật viễn thị
4.1. Chẩn đoán tật viễn thị
Tình trạng mắt viễn thị cần được chẩn đoán xác định bởi bác sĩ có chuyên môn thông qua việc:
– Nhỏ mắt làm giãn kích thước đồng tử để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng võng mạc.
– Đo mắt bằng máy đo khúc xạ để đánh giá tình trạng viễn thị ở mọi người.
– Sử dụng kính hiển thị võng mạc, chiếu một loại ánh sáng đặc biệt vào mắt để kiểm tra hình ảnh phản chiếu trong võng mạc, giúp các bác sĩ đánh giá đúng tật khúc xạ. Phương pháp này thường được các bác sĩ áp dụng để xác định tật khúc xạ ở trẻ nhỏ.
Việc thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng có vai trò vô cùng quan trọng để các bác sĩ đánh giá đúng bệnh lý và đưa ra các hướng xử trí phù hợp nhất trong tương lai. Bởi vậy, mọi người cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín, do bác sĩ có chuyên môn thực hiện để đảm bảo an toàn nhất đối với bản thân.
4.2. Điều trị tật viễn thị
Nguyên tắc điều trị tật viễn thị thường được áp dụng hiện nay cụ thể như sau:
Tật viễn thị ở trẻ em
Viễn thị không cần điều trị chuyên sâu do tình trạng này có thể cải thiện khi trẻ trưởng thành. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho phụ huynh cách chăm sóc và bảo vệ mắt cho trẻ đúng cách, bổ sung dinh dưỡng cần thiết để duy trì đôi mắt sáng khỏe.
Viễn thị ở người lớn
Cách thứ nhất là đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng để cải thiện tình trạng viễn thị, giúp mắt có thể thu hình ảnh về đúng vị trí trên võng mạc hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cải thiện một phần tình trạng viễn thị. Cách thứ hai là phẫu thuật để điều chỉnh sự bất thường của giác mạc, giúp hình ảnh thu về đúng vị trí hơn. Phương pháp này có thể cải thiện đáng kể hoặc thậm chí là hoàn toàn tình trạng viễn thị, tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người.
Cần nhớ, điều trị bằng phương pháp nào còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chỉ định của bác sĩ nhãn hoa. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ để nhanh chóng cải thiện thị lực và giảm thiểu nguy cơ khiến tình trạng viễn thị tiến triển nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nhãn khoa, mọi người cũng cần xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh mắt thường xuyên, bổ sung đủ vitamin cần thiết cho cơ thể… để cải thiện sức khỏe đôi mắt.
Viễn thị là một trong số những tật khúc xạ thường gặp, ảnh hưởng lớn tới thị lực của mọi người nên cần được phát hiện sớm và xử trí đúng cách. Nếu phát hiện bản thân có các dấu hiệu của tật viễn thị như đã kể trên, mọi người nên tới các cơ sở nhãn khoa để được thăm khám kịp thời.