Viêm não Nhật Bản thường mắc ở trẻ dưới 15 tuổi và có nguy cơ tử vong cao. Do đó, tiêm vacxin cho trẻ em là việc làm cần thực hiện sớm. Bài viết này sẽ cung cấp cho cha mẹ thông tin về lịch tiêm, phản ứng sau tiêm cũng như các biện pháp kết hợp phòng ngừa trong vấn đề ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em.
Menu xem nhanh:
1. Viêm não Nhật Bản – Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ
1.1. Thời điểm bùng phát bệnh
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Bệnh lây qua đường máu, do muỗi Culex (hay còn gọi là muỗi ruộng) hút máu động vật bị nhiễm bệnh rồi đốt lên người.
Ở nước ta, mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Bởi lúc này thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh.
1.2. Biểu hiện của bệnh
Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày thì bước vào giai đoạn khởi phát với các biểu hiện sau:
– Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, dù có chườm mát hoặc uống thuốc cũng không hạ sốt. Bên cạnh đó, người bệnh kèm theo ớn lạnh, tiêu chảy và mệt mỏi. Nghiêm trọng thì có cả biểu hiện đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.
– Với trẻ còn đang bú thì sẽ quấy khóc, có những đợt khóc thét
– Co giật toàn thân.
– Rối loạn nhịp thở.
– Tiêu tiểu không tự chủ.
1.3. Rủi ro do bệnh gây ra
Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nhanh chóng đến hôn mê và tử vong. Nếu qua giai đoạn đó có thể diễn tiến di chứng tùy vào mức độ tổn thương não. Tỉ lệ tử vong khoảng 10 – 20%.
Bệnh viêm não Nhật Bản để lại di chứng rất nặng nề cho trẻ, các di chứng phổ biến sẽ là:
– Rối loạn tâm thần và co giật tái phát.
– Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc rối loạn ngôn ngữ.
– Giảm hoặc mất khả năng học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội. Việc quay lại với cuộc sống bình thường trước khi mắc bệnh rất khó xảy ra.
2. Tiêm vacxin cho trẻ em giúp phòng viêm não Nhật Bản
2.1. Tiêm vacxin cho trẻ em khi nào?
Tiêm vacxin đầy đủ và đúng lịch là cách duy nhất để phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Vì bệnh thường xuất hiện ở trẻ dưới 15 tuổi nên cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng càng sớm càng tốt. Trẻ em đủ 9 tháng tuổi trở lên được chỉ định thực hiện tiêm phòng.
Hiện nay, có 3 loại vacxin cho trẻ em phòng bệnh viêm não Nhật Bản được tiêm chủng rộng rãi bao gồm:
– Vacxin Imojev của Thái Lan với 2 mũi tiêm cơ bản. Mũi sau cách mũi trước là 1 năm.
– Vacxin Jevax của Việt Nam được tiêm ở trẻ khi đủ 12 tháng, với 3 mũi cơ bản. Hai mũi đầu tiêm cách nhau từ 1 đến 2 tuần. Mũi thứ 3 tiêm sau một năm kể từ mũi tiêm thứ 2. Sau đó mỗi 3 năm/lần tiêm nhắc lại cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi để bảo đảm hiệu quả phòng bệnh tối đa.
– Vacxin Jeev (Ấn Độ) được chỉ định tiêm ở trẻ khi đủ 12 tháng tuổi, với 2 mũi cơ bản. Mũi thứ 2 cách mũi đầu là 4 tuần.
Cha mẹ cần chủng ngừa cho trẻ đủ liều và đúng lịch. Bởi khi tiêm mũi thứ nhất mới chỉ tạo ra một lượng kháng thể cần thiết để ngăn ngừa tấn công của virus viêm não Nhật Bản. Theo thời gian, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và mất đi. Nếu cha mẹ quên tiêm mũi thứ 2, 3 cho trẻ thì cơ thể của trẻ không còn “lá chắn” phòng vệ nguy cơ nhiễm bệnh.
2.2. Tác dụng phụ sau tiêm vacxin cho trẻ em
Vacxin được nghiên cứu một cách cẩn thận nên có tính an toàn cao cho tất cả đối tượng. Tuy nhiên, khi vacxin được truyền vào người thì tùy vào cơ thể mỗi trẻ sẽ có những phản ứng nhất định. Đây được gọi là hiện tượng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vacxin. Thông thường các phản ứng này nhẹ và tự biến mất sau 1-2 ngày, bao gồm:
– Sưng đỏ, hơi đau ở vị trí tiêm.
– Sốt nhẹ.
– Mệt mỏi.
Ngoài ra, rất hiếm xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng sau tiêm chủng. Nhưng cha mẹ vẫn nên cẩn thận, quan tâm tới trẻ sau khi tiêm xong bằng cách:
– Ở lại cơ sở tiêm để theo dõi trong vòng 30 phút.
– Nếu không có biểu hiện khác thường, trẻ được về nhà và tiếp tục theo dõi trong 24h tiếp theo. Cha mẹ cần chú ý tới thân nhiệt của trẻ, các biểu hiện tại vị trí tiêm, hành vi và nhận thức trong lúc chơi, ăn và ngủ.
– Để trẻ nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh và cần bổ sung cho trẻ những món ăn dinh dưỡng, dễ tiêu hóa (cháo, súp, trái cây, rau xanh, sữa chua,…).
Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường sau, cần đưa tới cơ sở y tế ngay để kiểm tra:
– Sốt cao đột ngột và quấy khóc dữ dội.
– Phát ban toàn thân không rõ nguyên nhân.
– Vị trí tiêm sưng, đỏ nặng.
– Trẻ thở dồn dập, khó thở, nhịp tim đập nhanh liên hồi.
– Đau bụng dữ dội, có biểu hiện nôn trớ.
– Tiêu chảy liên tục.
3. Các biện pháp phòng viêm não Nhật Bản khác
Bên cạnh tiêm vacxin cho trẻ em thì cần kết hợp các biện pháp phòng ngừa khác để đạt loại trừ nguy cơ nhiễm bệnh:
– Không cho trẻ em chơi ở gần chuồng gia súc, các khu vực có bụi cây rậm rạp.
– Hình thành cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, trước và sau khi đi vệ sinh.
– Ăn chín uống sôi.
– Mắc màn trước khi đi ngủ để tránh muỗi đốt.
– Vệ sinh khu vực ở, khu vực vui chơi của trẻ sạch sẽ.
Các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt là rất quan trọng, vì điều này sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh. Tiêm phòng vacxin cho trẻ em là biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất. Vì vậy, cha mẹ đừng quên lịch tiêm cơ bản cũng như lịch tiêm nhắc lại để đảm bảo vacxin phát huy khả năng bảo vệ. Hy vọng bài viết này đã đưa tới những thông tin bổ ích tới cha mẹ trong việc bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của căn bệnh nguy hiểm này nhé. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay cho cơ sở tiêm chủng uy tín để được giải đáp.