Tại sao đau đầu, cách điều trị và khi nào cần khám 

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đau đầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là người trưởng thành, người cao tuổi, đây là chứng bệnh thường gặp nhất trên thế giới. Phụ nữ có tỷ lệ đau đầu nhiều hơn nam giới. Đau đầu có thể biểu hiện bệnh lý hoặc là dấu hiệu cho một hoặc một số bệnh lý nào đó. Cùng tìm hiểu các trường hợp đau đầu thường gặp để lý giải cho câu hỏi: tại sao đau đầu và cách xử trí hiệu quả trong bài viết dưới đây.

1. Tại sao đau đầu?

Đau đầu được phân thành đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát. Trong đó, đau đầu migraine và đau đầu do căng thẳng là hai loại đau đầu nguyên phát phổ biến nhất hiện nay. Còn đau đầu thứ phát có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân nguy hiểm.

1.1 Tại sao đau đầu? Nguyên nhân do bệnh đau đầu Migraine

Migraine hay còn gọi là đau nửa đầu hoặc chứng đau nửa đầu. Hiện đến nay, nguyên nhân gây chứng đau nửa đầu – migraine chưa được biết rõ. Người ta chỉ thấy có một số yếu tố khởi phát liên quan đến sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu migraine như: căng thẳng, mệt mỏi, thay đổi nội tiết ở phụ nữ, thiếu ngủ, thay đổi thời tiết, ăn nhiều đồ ngọt,…

Đau đầu Migraine có 2 loại:

– Migraine không có triệu chứng báo trước:

Chứng đau nửa đầu này biểu hiện là các cơn đau nửa đầu theo nhịp đập của mạch và nặng lên khi hoạt động. Các triệu chứng đi kèm có thể gặp như buồn nôn và nôn, nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn. Cơn đau thường kéo dài từ vài giờ tới vài ngày và để lại cảm giác ê ẩm trong đầu. Trường hợp đau đầu này, người bệnh thường thích nằm trong bóng tối yên tĩnh, ngại di chuyển vì càng di chuyển thì cảm giác đầu càng đau hơn.

– Migraine có triệu chứng báo trước:

Chứng đau nửa đầu có triệu chứng báo trước thường khởi phát bằng những triệu chứng thần kinh khu trú ở vỏ não hoặc thùy não, rồi sau đó phát triển dần dần trong khoảng 5-20 phút, và thường kéo dài hơn 60 phút. Sau đó cơn đau đầu có biểu hiện giống như cơn migraine không có triệu chứng báo trước.

Các triệu chứng báo trước có thể xảy ra như: rối loạn thị lực cùng bên đau, có cảm giác như kiến đốt, kim châm, tê yếu nửa người, nói khó hoặc mất khả năng ngôn ngữ,…

Các triệu chứng này thường kéo dài dưới 60 phút và người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn.

Điều trị đau đầu migraine gồm cắt cơn và điều trị phòng ngừa. Cắt cơn bằng thuốc giảm đau thông thường với những cơn đau ở mức độ vừa và bằng các thuốc đặc trị hơn với những cơn đau nặng.

Điều trị dự phòng khi cơn đau đầu xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày. Các thuốc điều trị dự phòng gồm: thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci,..

Ngoài việc điều trị phòng ngừa bằng thuốc, người bệnh migraine cần thay đổi lối sống. Nên hạn chế dùng rượu, socola, đồ ăn nhiều dầu mỡ, mì chính, gia vị cay nóng, thuốc lá, thiếu ngủ,…

Tại sao đau đầu? Nguyên nhân do bệnh đau đầu Migraine

Migraine hay còn gọi là đau nửa đầu hoặc chứng đau nửa đầu.

1.2 Tại sao đau đầu? Có phải đau đầu do căng thẳng?

Đau đầu do căng thẳng hay còn được gọi là đau đầu do căng cơ, nữ thường bị nhiều hơn nam. Chứng đau đầu này thường gặp ở người hay phải suy nghĩ, thường xuyên lo lắng căng thẳng kéo dài, trầm cảm, lo âu, mất ngủ,…

Các triệu chứng của cơn đau đầu do căng thẳng được thể hiện như: đau hai bên đầu, cơn đau thường xuyên và không có cảm giác mạch đập như migraine. Người bệnh cảm nhận thấy đầu bị bó chặt lại từ hai thái dương hay vùng chẩm, vùng cổ. Khởi phát cơn đau đầu từ từ, sau đó có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, và ít gây ảnh hưởng tới các hoạt động thể lực hằng ngày.

Phương pháp điều trị đau đầu do căng thẳng chủ yếu là điều trị tâm lý. Có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau thông thường để cắt cơn. Điều trị dự phòng bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng. Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, có thể sử dụng túi chườm ấm hoặc chườm lạnh lên vùng đau để làm dịu cơn đau, tập yoga hoặc các bài tập thể dục sẽ giúp bạn thư giãn và hạn chế cơn đau,…

Tại sao đau đầu? Có phải đau đầu do căng thẳng?

Hình minh họa vị trí đau đầu do căng thẳng, migraine, đau quanh mắt.

1.3 Nguyên nhân đau đầu thứ phát, lý giải: tại sao đau đầu?

Đau đầu thứ phát do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó có những nguyên nhân nguy hiểm như: u não, chấn thương sọ não, viêm não, viêm màng não, áp xe não, xuất huyết dưới màng nhện, xuất huyết não, viêm tắc tĩnh mạch não,…

Nhẹ hơn và thường gặp hơn là đau đầu do ngừng uống cà phê, đau do lạm dụng thuốc giảm đau khi ngừng uống thuốc, đau đầu do tăng huyết áp, viêm xoang, viêm tai, viêm nướu răng, sốt virus, thiếu máu, glocom,…

Đặc biệt là cơn đau đầu thứ phát do xuất huyết dưới nhện đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhân đột ngột xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn, có thể lú lẫn hoặc hôn mê, khi khám có thấy dấu hiệu cứng gáy.

Nguyên nhân chủ yếu là do vỡ túi phình động mạch máu não khiến máu tràn vào khoang trong dưới nhện và não thất. Người bệnh có thể thể tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Trái  ngược với sự khởi phát cấp tính dữ dội trong xuất huyết dưới nhện.

Triệu chứng đau đầu còn thường gặp trong bệnh u não. Cơn đau thường khởi phát từ từ tăng dần, một số tác giả còn mô tả biểu hiện đau đầu này giống như vết dầu loang, đau đầu hay tăng lên về nửa đêm và gần sáng. Ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân có thể chỉ có triệu chứng đau đầu đơn độc, ở giai đoạn muộn hơn sẽ có các dấu hiệu của hội chứng tăng áp lực nội sọ như: buồn nôn, mờ mắt, nhìn đôi; các dấu hiệu thần kinh khu trú tùy thuộc vào vị trí của khối u như: co giật, liệt nửa người, lú lẫn, loạng choạng, ù tai…

Nguyên nhân đau đầu thứ phát, lý giải: tại sao đau đầu?

U màng não là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thứ phát, cần thăm khám sớm và điều trị hiệu quả.

2. Khi nào cần đi khám

Để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc, người bệnh cần phải đi khám ngay khi có biểu hiện đau đầu đột ngột, dữ dội hoặc đau đầu có kèm theo những triệu chứng sau:

– Lú lẫn hoặc không hiểu lời nói

– Sốt cao, mệt mỏi

– Cổ cứng

– Tê bì, yếu nửa người

– Nói khó

– Nhìn mờ

– Buồn nôn hoặc nôn

– Đi không vững

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital