Lẹo mắt là hiện tượng nhiễm khuẩn cục bộ làm sưng đỏ xung quanh rìa bờ mi. Khi mắt không may gặp phải tình trạng này, nhiều người thường băn khoăn không biết tại sao bị lẹo ở mắt. Nếu trả lời được câu hỏi này, việc điều trị và phòng bệnh lẹo mắt sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu đôi nét về tình trạng lẹo mắt
Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính do tình trạng nhiễm trùng nhỏ ở khu vực mà lông mi được gắn vào mắt. Căn bệnh này thường do tụ cầu khuẩn gây ra và thường xuất hiện ở sát bờ mi, khiến mi mắt ngứa, sưng đỏ, đau nhức. Tại khu vực bị đau sưng lên khối mủ đỏ nhìn giống như mụn nhọt hoặc khối u nhỏ. Sau khi vỡ mủ, lẹo sẽ xẹp nhưng về sau có thể tái xuất hiện ở những vị trí khác trên mắt.
Có hai loại lẹo ở mắt thường gặp nhất là:
– Lẹo ngoài mí mắt mọc ở bên ngoài bờ mi, chủ yếu do nhiễm trùng từ tuyến Zeiss.
– Lẹo trong mí mắt mọc ở bên trong bờ mi, chủ yếu do nhiễm trùng từ tuyến Meibomian.
2. Tại sao bạn bị lẹo ở mắt?
Khi thấy dấu hiệu sưng mí mắt, nổi nốt lớn, đa số mọi người thường tìm hiểu vì sao mắt bị lên lẹo. Các bác sĩ chuyên khoa Mắt cho rằng, khi những tuyến ở xung quanh mí mắt tiết ra quá nhiều dầu sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn tuyến dầu. Khi đó, dầu sẽ tích tụ và gây ra viêm nhiễm, tạo thành một khối u nhỏ.
Các bác sĩ thường không xác định được chính xác nguyên nhân gây lẹo mắt của từng người. Bởi vì tính chất của mỗi một loại da là khác nhau hoặc do mắc bệnh viêm mí mắt. Đôi khi, lẹo mắt có thể phát triển song song với bệnh chắp mắt.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc lẹo mắt là:
– Tay chưa được vệ sinh sạch sẽ đã thay kính áp tròng, hoặc không khử trùng kính áp tròng trước khi đặt vào trong mắt.
– Để lớp trang điểm ở trên mắt qua đêm.
– Dùng mỹ phẩm đã cũ hoặc quá hạn sử dụng.
– Đã từng bị viêm mí mắt hoặc viêm mí mắt mãn tính.
3. Bị lẹo ở mắt khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết trong các trường hợp, lẹo mắt có thể tự khỏi và không gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Tuy nhiên, nếu bị lẹo mắt kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây, các bạn phải nhanh chóng đến bệnh viện uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám:
– Bị sốt trên 37 độ trở lên
– Thị lực có vấn đề
– Lẹo mắt không cải thiện sau 2 ngày
– Sưng tấy và đỏ bên dưới mi mắt, sưng má cùng một vài bộ phận khác trên khuôn mặt.
– Lẹo mắt chảy máu, cục u sưng lớn và đau đớn, nốt rộp hình thành ở trên mí mắt hoặc cả mí mắt, mắt bị đỏ.
4. Một số phương pháp điều trị khi mắt bị lên lẹo
Phần lớn các trường hợp lên lẹo mắt có thể tự tiêu mà không cần điều trị. Tuy nhiên, để lẹo nhanh khỏi, bạn có thể áp dụng một số phương pháp sau để điều trị tại nhà:
– Chườm ấm: thực hiện chườm bằng vải sạch trên mí mắt khoảng 5 – 10 phút. Mỗi ngày lặp lại từ 3 – 5 lần và duy trì thực hiện hàng ngày đến khi lẹo giảm sưng. Chườm ấm có tác dụng làm mềm mô, tạo điều kiện lưu thông các tuyến dầu.
– Vệ sinh, làm sạch nhẹ nhàng các tế bào chết cho mắt.
– Giữ tay sạch sẽ, luôn rửa tay sau khi chạm vào nhiều đồ vật và trước khi đưa tay lên mắt.
– Rửa mặt hàng ngày và rửa sạch vùng da mắt.
– Không dùng tay chạm vào mắt, đặc biệt là vị trí bị nổi lẹo mắt.
– Tuyệt đối không cố gắng nặn mụt lẹo. Điều này có thể làm kích ứng hoặc biến dạng giác mạc.
– Không trang điểm cho đến khi lẹo lành hẳn.
Nếu lẹo kéo dài không khỏi, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị lẹo bằng các phương pháp khác nhau:
– Sử dụng kem/thuốc mỡ bôi chống vi khuẩn giúp rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của lẹo. Một số loại thuốc thường được sử dụng có thêm lợi ích bôi trơn như macrolide, thuốc nhỏ erythromycin. Nếu lẹo sưng to và gây áp lực cho giác mạc có thể sử dụng steroid tại chỗ trong thời gian ngắn.
– Dùng thuốc kháng sinh toàn thân sẽ được bác sĩ chỉ định khi nhiễm trùng lan rộng và tiến triển thành viêm mô tế bào ở quanh hốc mắt.
– Nếu uống thuốc kháng sinh không hiệu quả sẽ cần tiểu phẫu rạch và dẫn lưu dịch.
– Một số trường hợp có thể phải thực hiện sinh thiết nếu nghi ngờ ung thư.
5. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh lẹo mắt
Mụt lẹo ở mắt gây đau nhức, khó chịu và đôi khi khiến người bệnh ngại giao tiếp. Để hạn chế tốc độ phát triển của bệnh lẹo mắt, các bạn nên thực hiện những điều sau:
– Giữ cho da đầu, mặt, tay và lông mày luôn sạch sẽ
– Hạn chế hoặc tránh sử dụng phấn trang điểm mắt
– Tuyệt đối không được tự ý nặn mụn lẹo ở mắt
– Ngưng dùng kính áp tròng cho tới khi mụn lẹo khỏi hoàn toàn
– Kiêng thuốc lá, rượu bia, hành lá, tỏi, hẹ, ớt, thịt dê,…
Một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng mắt bị lên lẹo:
– Giữ mí mắt và lông mi sạch sẽ, luôn tẩy trang mắt trước khi ngủ.
– Rửa tay trước khi chạm vào các vùng quanh mắt.
– Không dùng chung đồ trang điểm với người khác, đặc biệt là đồ trang điểm mắt.
– Thay đồ trang điểm mắt định kỳ 3 tháng 1 lần.
– Giữ kính áp tròng sạch sẽ, vệ sinh trước khi đeo lên mắt.
– Nếu bị viêm bờ mi, người bệnh cần khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
– Không dùng chung khăn mặt hay vật dụng cá nhân với người bị lẹo mắt.
Mặc dù lẹo mắt là căn bệnh nhỏ ngoài da nhưng nếu chủ quan, không điều trị kịp thời và đúng cách, nó sẽ trở nên nghiêm trọng. Do đó, các bạn phải luôn chăm sóc sức khỏe đôi mắt nói riêng và cơ thể nói chung thật an toàn, cẩn thận. Khi các dấu hiệu bị lẹo ở mắt có sự bất thường, hãy nhanh chóng đến ngay Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được bác sĩ chuyên khoa Mắt trực tiếp thăm khám và điều trị!