Tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh nguy hiểm vì diễn tiến nhanh, hậu quả nghiêm trọng và trực tiếp đe dọa tới tính mạng. Cùng đọc bài viết sau để hiểu hơn về triệu chứng cảnh báo, khả năng hồi phục và cách điều trị căn bệnh này.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là tai biến mạch máu não?
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não còn được nhiều người gọi với tên rút gọn là tai biến. Tình trạng này hình thành khi lượng máu lên não giảm đột ngột, hậu quả là một phần não bộ bị chết, từ đó hoạt động của não và các bộ phận liên quan bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bệnh nhân có thể đối mặt với một số tổn thương như tình trạng chảy máu não, màng não hoặc nhũn não. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Đáng báo động, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đang có dấu hiệu tăng lên trong những năm gần đây.
Bệnh đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Đặc biệt những người có lượng cholesterol trong máu cao, người nghiện thuốc lá hoặc, thừa cân béo phì hoặc có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thuộc nhóm nguy cơ cao nên cần đặc biệt chú ý.
2. Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não chớ nên bỏ qua
2.1. Khuôn mặt buồn, mặt và miệng bị méo là dấu hiệu tai biến
Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện rõ trên khuôn mặt trước khi cơn đột quỵ diễn ra. Nguyên nhân mặt bị méo là do lượng oxy trong máu cung cấp cho não suy giảm, làm tổn thương thần kinh và tác động trực tiếp đến cơ mặt. Do đó khi thấy mặt trở nên buồn, bị tê liệt một phần hoặc nửa khuôn mặt thì nên cẩn trọng.
2.2. Khả năng cử động, cầm nắm của cánh tay giảm
Lượng máu lên não không đủ khiến khả năng vận động cũng bị ảnh hưởng. Bộ phận thể hiện rõ nhất là cánh tay. Sự suy yếu thể hiện rõ khi cử động tay bắt đầu gặp khó khăn và sau đó không thể làm gì được, cánh tay thường xuyên bị tê dại.
Để kiểm tra khả năng của tay, bạn có thể giơ hai tay lên cao, một bên tay sẽ không thể giơ cao hoàn toàn hoặc nặng hơn là rũ thõng xuống.
2.3. Thị lực suy giảm cũng là dấu hiệu tai biến
Thị lực giảm là dấu hiệu mà chỉ có chính người bệnh nhận ra. Do đó người bệnh cần chủ động nhận thấy sự khác biệt, báo người thân để xử trí kịp thời. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do não bộ chịu trách nhiệm về khả năng nhìn không được cung cấp đủ oxy nên hoạt động của thùy não giảm và tác động xấu đến thị lực. Ban đầu người bệnh thấy mọi thứ nhòe sau đó mờ dần.
2.4. Nói lắp, không thể nói tròn câu
Trước khi xảy ra đột quỵ một số cục máu đông xuất hiện cản trở quá trình lưu thông máu cho một phần não bộ có nhiệm vụ điều phối giao tiếp. Vì thế nói lắp, không nói được hết câu, nói những từ ngữ khó hiểu, nói không rõ lời đều là biểu hiện của bệnh.
2.5. Cơ thể bị yếu hơn, khó khăn trong cử động
Sau khi tê liệt ở cánh tay, người bệnh tiếp tục bị tê liệt một phần trên cơ thể hoặc thậm chí là nửa người. Một số bộ phận khó cử động dù đã gắng sức nhưng không thể sinh hoạt, vận động như bình thường. Đây là triệu chứng đặc biệt nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng liệt mãi mãi nếu không được điều trị sớm.
2.6. Hoa mắt, chóng mặt
Hoa mắt, chóng mắt, xây xẩm mặt mày, đầu óc quay cuồng là biểu hiện của thiếu máu não. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất xảy ra ở hầu hết trường hợp. Tuy nhiên người bệnh thường bỏ qua vì nghĩ là tụt huyết áp hoặc mệt mỏi thông thường. Ngay khi bị hoa mắt, chóng mặt liên tục cần đi khám ngay để xác định đúng nguyên nhân.
2.7. Dáng đi khác thường
Dấu hiệu tai biến tiếp theo mà tất cả mọi người cần lưu ý là đi lại khó khăn, bất thường trong dáng đi. Nếu đột nhiên khó đi lại, đi chậm hơn thì chắc rằng lượng máu đang giảm nhanh.
2.8. Đau đầu
Thiếu oxy lên não khiến người bệnh thường xuyên đau đầu dữ dội, có lúc đau đến nổ tung đầu. Nếu mức độ đau nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần đến bệnh viện để tránh các biến chứng nguy hiểm.
2.9. Khó thở
Bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở dốc và tim đập nhanh dù đang nghỉ ngơi.
Mỗi người sẽ gặp một hoặc nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng do thiếu oxy. Những dấu hiệu trên diễn ra trong thời gian ngắn và có thể biến mất hoàn toàn khiến người bệnh chủ quan. Tuy nhiên đó là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tai biến thoáng qua – cảnh báo cho đột quỵ não nguy hiểm sắp xảy ra.
3. Khả năng hồi phục của bệnh đột quỵ não như thế nào?
Tai biến là bệnh nguy hiểm vì gây ra các biến chứng đe dọa tới sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, công việc của người bệnh và thậm chí gây tử vong.
Thực tế, không một nghiên cứu hay bác sĩ nào có thể khẳng định bệnh nhân đột quỵ có thể bình phục hay là không? Để xác định được khả năng hồi phục, cần xác định nhiều yếu tố như: vị trí, kích thước tổn thương tại não bộ, tiền sử mắc bệnh nền, tuổi của bệnh nhân, thói quen sinh hoạt hàng ngày… Bên cạnh đó nếu được phát hiện và cấp cứu sớm thì tỷ lệ bình phục cũng cao hơn. Đó là lý do vì sao thời gian cấp cứu bệnh nhân đột quỵ được tính bằng giây, bằng phút.
Tùy vào biến chứng mỗi người mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ví dụ người bệnh mất khả năng giao tiếp sẽ được luyện tập về ngôn ngữ, tập các liệu pháp chuyên biệt để phục hồi tốt nhất. Nếu mất khả năng vận động sẽ điều trị vật lý trị liệu để cải thiện khả năng đi lại.
Bên cạnh đó, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò to lớn trong việc điều trị tai biến. Bệnh nhân thường cảm thấy tự ti, lo âu vì không thể làm những việc đơn giản nhất. Vì vậy, sự quan tâm và chăm sóc tận tình của người nhà rất quan trọng.
Hi vọng qua bài viết trên đây bạn đọc có thêm kiến thức về tai biến để bảo vệ sức khỏe bản thân và người nhà.