Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là bệnh lý khởi phát từ tình trạng rối loạn mạch máu võng mạc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân mắc nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thể bị suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Võng mạc là bộ phận trực tiếp đón ánh sáng từ môi trường bên ngoài, chuyển đổi chúng thành tín hiệu thần kinh và gửi tín hiệu này đến não thông qua dây thần kinh thị giác. Tĩnh mạch võng mạc có nhiệm vụ vận chuyển máu từ tim đến võng mạc và từ võng mạc về tim. Tĩnh mạch võng mạc bao gồm tĩnh mạch trung tâm và tĩnh mạch nhánh. Trong đó, tĩnh mạch trung tâm chạy bên trong dây thần kinh thị giác còn tĩnh mạch nhánh chạy dọc lớp trong võng mạc để luân chuyển máu vào tĩnh mạch trung tâm.
Theo đó, nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc là hiện tượng tĩnh mạch trung tâm võng mạc bị nghẽn do máu đông hoặc dịch tích tụ.
2. Nguyên nhân nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Như đã chia sẻ phía trên, bệnh lý này phát sinh do máu đông hoặc dịch tồn tại tại tĩnh mạch trung tâm. Những bệnh lý sau có thể là nguyên nhân sinh máu đông/dịch, cũng tức là nguyên nhân sinh nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc: Tăng nhãn áp (hay còn gọi là Glocom. thiên đầu thống), phù điểm hoàng, xơ vữa động mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, Cholesterol cao, rối loạn đông máu.
Ngoài ra thuốc lá và tuổi tác cũng là 2 nguyên nhân gây nghẽn tính mạch trung tâm võng mạc. Bên cạnh đó, có khoáng 10% bênh nhân mắc bệnh lý này không thể tìm ra nguyên nhân.
3. Dấu hiệu nhận biết nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Triệu chứng của nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc rất đa dạng, có thể nhẹ hoặc nặng tùy mức độ và vị trí tắc:
– Một số trường hợp bệnh đột ngột xuất hiện ở một hoặc hai mắt mà không có biểu hiện gì hoặc có biểu hiện đơn giản là một đốm đen ở mắt, không ảnh hưởng đến thị lực.
– Trong khi đó, các trường hợp khác có triệu chứng cơ bản như sau: Thị trường thu hẹp, suy giảm thị lực trầm trọng (1 phần hoặc hoàn toàn) chỉ trong vài phút hoặc vài ngày, hình ảnh quan sát được bị bao phủ bởi sương mù. Tình trạng này có thể biến mất sau một thời gian ngắn hoặc tồn tại dai dẳng tùy tình trạng toàn thân của bệnh nhân. Bệnh không có biểu hiện đau, nhức, đỏ, chảy nước mắt.
4. Biến chứng nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc là một bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tiến triển đến:
– Phù điểm vàng: Điểm vàng là bộ phận trung tâm của võng mạc. Hoạt động của điểm vàng giúp chúng ta nhìn hình ảnh được sắc nét. Phù điểm vàng là tình trạng máu và dịch rò rỉ vào điểm vàng, dẫn đến tình trạng phù.
– Tân mạch: Bệnh lý nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thể kích thích võng mạc sản sinh các mạch máu mới, bất thường, được gọi là tân mạch. Tân mạch có thể rò rỉ máu hoặc dịch vào khoang dịch kính, dẫn đến tình trạng xuất huyết dịch kính. Thậm chí, biến chứng tân mạch diễn biến nặng có thể gây bong võng mạc.
– Glocom tân mạch: Sự tăng sinh tân mạch có thể kéo theo sự tăng áp suất mắt, từ đó tăng nguy cơ khởi phát bệnh lý tăng nhãn áp hay Glocom/thiên đầu thống.
– Mất thị lực hoàn toàn: Là biến chứng nguy hiểm nhất của nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
5. Điều trị nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
5.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, trước tiên, chuyên gia nhãn khoa sẽ khai thác tiền sử bệnh lý của bệnh nhân. Tiếp theo, chuyên gia sẽ trực tiếp kiểm tra võng mạc, tìm kiếm xem có hay không dấu hiệu nghẽn hoặc chảy máu. Để làm được điều đó, chuyên gia nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc giãn đồng tử cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể sẽ được chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu sau:
– Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT): Cho ra hình ảnh có độ nét cao về võng mạc. Quan sát chúng, chuyên gia có thể xác định sự tồn tại hoặc không tồn tại của tình trạng sưng và phù nề võng mạc. Hình ảnh OCT sẽ được sử dụng để ghi lại tiến trình bệnh trong suốt quá trình điều trị.
– Soi đáy mắt
– Chụp mạch huỳnh quang: Quy trình xét nghiệm này được thực hiện như sau: Đầu tiên, chuyên gia tiêm thuốc nhuộm vào tĩnh mạch ở cánh tay và chờ đợi thuốc nhuộm theo máu di chuyển tới tĩnh mạch võng mạc. Tiếp theo, hình ảnh tĩnh mạch võng mạc có thuốc nhuộm sẽ được chụp lại. Cuối cùng, chuyên gia sẽ quan sát hình ảnh đó để tìm kiếm những bất thường.
5.2. Điều trị
Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị triệt để nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Tuy nhiên, phương pháp ngăn ngừa biến chứng của bệnh lý này thì vẫn có. Cụ thể, có thể nhắc đến một số phương pháp ngăn ngừa biến chứng nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc như sau:
5.2.1. Điều trị nội khoa
– Tiêm thuốc kháng (VEGF) hay còn gọi là thuốc chống tăng sinh mạch máu: Nhằm ức chế tình trạng tăng trưởng nội mô mạch máu. Từ đó, ngăn chặn sự hình thành tân mạch.
– Tiêm thuốc corticosteroid: Chống viêm, kháng phù nề.
5.2.2. Điều trị ngoại khoa
– Liệu pháp laser tiêu điểm: Dùng laser để giảm sưng/phù nề cho võng mạc.
– Liệu pháp laser quang đông võng mạc: Được áp dụng cho những bệnh nhân tăng sinh tân mạch sau nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Liệu pháp này giúp phá hủy các tổ chức tân mạch võng mạc, ngăn ngừa xuất huyết dịch kính, phù điểm hoàng, bảo tồn thị lực cho người bệnh.
6. Phòng tránh nghẽn tĩnh mạch trung tâm võng mạc
Để phòng tránh bệnh lý này, chúng ta cần kiểm soát tốt các bệnh lý nguyên nhân. Sâu xa hơn là kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu,… bằng cách:
– Tuân thủ chỉ định điều trị các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao,… của chuyên gia.
– Thăm khám sức khỏe tổng quát với chuyên gia ít nhất 1 lần mỗi năm.
– Bổ sung dinh dưỡng lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây,…. Ăn ít tinh bột, chất béo,…
– Vận động khoa học: Chơi thể thao hoặc đi bộ, chạy, đạp xe,… ít nhất 30 phút mỗi ngày.
– Từ bỏ các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu,…
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là một bệnh lý nhãn khoa nguy hiểm. Nếu ở bạn xuất hiện những triệu chứng đã được liệt kê phía trên, thăm khám ngay với chuyên gia để được điều trị kịp thời!