Mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn hay tỉnh giấc, giật mình hoặc mơ thấy ác mộng, sáng hôm sau ngủ gà ngủ gật,… Đây là biểu hiện đặc trưng của người mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Nếu để tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe – tàn phá cả về thể chất và tinh thần của người bệnh. Cùng đọc để biết: rối loạn giấc ngủ kéo dài gây ra những hậu quả nghiêm trọng thế nào đến sức khỏe của bạn?
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết rối loạn giấc ngủ kéo dài
1.1 Rối loạn giấc ngủ kéo dài là như thế nào?
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng: mất ngủ (ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm hoặc thậm chí thức trắng đêm), trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ “chập chờn” hay tỉnh giấc giữa đêm sau đó khó ngủ tiếp, lúc ngủ hay bị giật mình hoặc mơ thấy ác mộng, sáng hôm người mệt mỏi và buồn ngủ “ngủ gà ngủ gật”,… Điều này phản ánh bạn đang bị rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ theo các nhà khoa học là một hội chứng nhưng cũng có thể được coi là bệnh, gây rối loạn sức khỏe về giấc ngủ (thói quen đi ngủ). Bệnh thể hiện chủ yếu dưới ba dạng hình thái đặc trưng là: mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ. Thường gặp ở những người lớn tuổi, người lao động trí óc phải suy nghĩ nhiều hay stress, lo âu, căng thẳng nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi kể cả trẻ em.
Rối loạn giấc ngủ kéo dài là tình trạng các triệu chứng rối loạn giấc ngủ nêu trên thường xuyên làm phiền bạn, không chỉ một hoặc hai lần mà kéo dài nhiều lần trong một khoảng thời gian dài ít nhất là từ 1 tháng trở lên. Tình trạng này người ta không còn gọi là rối loạn giấc ngủ cấp tính nữa mà là rối loạn giấc ngủ mạn tính. Đặc trưng nhất của rối loạn giấc ngủ là chứng mất ngủ, tình trạng mất ngủ kéo dài còn được gọi là mất ngủ mạn tính hay mất ngủ kinh niên.
1.2 Biểu hiện rối loạn giấc ngủ kéo dài
Người bị rối loạn giấc ngủ thường có các dấu hiệu đặc trưng sau:
– Mất ngủ: trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc. Có người than phiền “thức trắng đêm” không có cảm giác buồn ngủ.
– Ngủ nhiều: thời gian ngủ kéo dài hơn 9-10 tiếng khi tỉnh dậy bạn vẫn có cảm giác buồn ngủ. Ngủ rũ (buồn ngủ vào ban ngày, ngủ gật thường xuyên, khó tỉnh táo).
– Rối loạn nhịp thức ngủ: thường xuyên mê sảng, mơ thấy ác mộng, mộng du, hay giật mình giữa đêm một lúc mới ngủ tiếp. Có thể có những hiện tượng bất thường xảy ra trong giấc ngủ như: nghiến răng, ngưng thở khi ngủ,…
2. Rối loạn giấc ngủ kéo dài tàn phá sức khỏe nghiêm trọng
Mất ngủ vài ngày đã đủ khiến cơ thể bạn mệt mỏi và thiếu sức sống, nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài, không phát hiện sớm sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái kiệt sức, nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề nguy hại cho sức khỏe như:
– Suy giảm trí nhớ
– Tăng huyết áp
– Rối loạn nội tiết
– Giảm tiết men tiêu hóa …
– Trầm cảm, lo âu
– Béo phì
– Bệnh tiểu đường
– Bệnh tim mạch
– Đột quỵ
– Tăng nguy cơ tai nạn giao thông,…
Nguy hiểm nhất là làm tăng nguy cơ đột quy. Theo nghiên cứu, nguy cơ đột quỵ tăng khoảng 83% ở những người ngủ dưới 5 giờ mỗi đêm. Khi chất lượng giấc ngủ kém, ảnh hưởng tới khả năng tập trung, ghị nhớ khiến năng suất công việc, học tập bị giảm sút, tăng khả năng xơ vữa động mạch và thiếu máu não kéo theo hàng loạt biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý của người bệnh.
3. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ kéo dài
Rối loạn giấc ngủ kéo dài chủ yếu do người bệnh chủ quan trước biểu hiện rối loạn giấc ngủ cấp tính (rối loạn giấc ngủ trong ngắn hạn) gây ra từ đó bệnh diễn biến nặng thành mãn tính. Nguyên nhân có thể được phân loại thành 2 dạng chính như sau:
– Rối loạn giấc ngủ do yếu tố ngoại cảnh: môi trường sống, thói quen, tâm lý, tuổi tác,…
– Rối loạn giấc ngủ do bệnh lý: bệnh lý về thần kinh não bộ như: suy nhược thần kinh, đau nửa đầu migraine, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, u não,… hoặc do một số bệnh lý cơ thể khác như: bệnh dạ dày, bệnh tim mạch, bệnh cơ xương khớp, bệnh hô hấp,…
Việc chẩn đoán đúng nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ hay chứng mất ngủ là rất quan trọng, đây là “chìa khóa” để điều trị hiệu quả nhất, ngăn chặn bệnh tiến triển nặng gây các biến chứng nguy hiểm.
4. Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Theo nghiên cứu những người mắc bệnh trầm cảm có hơn 70% người bị trầm cảm có biểu hiện rối loạn giấc ngủ kéo dài.
Người bị mất ngủ mạn tính cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái mệt mỏi kéo dài, kiệt sức không tỉnh táo, không có năng lượng hay động lực để làm việc, dễ cáu gắt, nóng giận, khó kiểm soát được cảm xúc của mình, suy nghĩ tiêu cực thậm chí có ý định tự sát.
Khi bạn có triệu chứng lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress kéo dài nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần (bác sĩ tâm lý) để được chia sẻ, kiểm tra và tư vấn hướng cải thiện, điều trị hiệu quả. Phát hiện sớm, điều trị sớm sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất của bạn.