Rách võng mạc xảy ra do đâu?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Rách võng mạc là vấn đề ở mắt có thể xảy ra với bất cứ ai. Võng mạc bị rách nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Vậy, tình trạng này xảy ra do đâu và làm sao để điều trị? Để bạn đọc có cái nhìn chi tiết hơn, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!

1. Tình trạng rách võng mạc mắt

1.1 Tổng quan

Võng mạc là lớp mô thần kinh mỏng nằm ở vị trí phía trong cùng của mắt. Bộ phận này tương tự như phim trong máy ảnh, giúp ghi lại các hình ảnh bên ngoài và truyền lên não. Thông qua đó, chúng ta có thể nhận biết được thế giới và không gian ở xung quanh mình.

Võng mạc rách là tình trạng lớp mô thần kinh này bị rách hoặc bong ra khỏi vị trí vốn có của nó. Lúc này, dịch trong mắt tràn xuống dưới võng mạc, làm lớp võng mạc bị tách dần ra khỏi vị trí ban đầu và không còn được nuôi dưỡng. Hệ quả là mắt có thể trở nên nhìn mờ, hoặc thậm chí gây ra mù vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời (thường là trong khoảng thời gian từ 24 đến 72 giờ).

rách võng mạc

Rách võng mạc là tình trạng võng mạc bị rách hoặc bong ra khỏi vị trí vốn có của nó

1.2 Triệu chứng

Thông thường, người bị rách ở võng mạc có thể xuất hiện một trong các triệu chứng như:

– Nhìn thấy chớp sáng (ánh sáng nhấp nháy) ở góc mắt.
– Xuất hiện các chấm đen luẩn quẩn trước mắt, hoặc có màng đen bao phủ phía trước mắt.
– Mắt nhìn bị nhòe và mờ đi một cách đáng kể.
– Xảy ra tình trạng lóa ở một hoặc cả hai bên mắt.

Mặc dù vậy, cũng có một số trường hợp võng mạc bị rách nhưng không xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào.

2. Nguyên nhân gây rách võng mạc

Võng mạc có thể bị rách do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này có thể kể đến như:

– Do có sự xuất hiện của các vết rách hoặc lỗ ở lớp thần kinh cảm thụ.
– Do ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như: bệnh lý của màng bồ đào, bệnh lý võng mạc, dịch kính, hay các rối loạn gây viêm.
– Do chấn thương hoặc biến chứng sau phẫu thuật mắt (VD: cắt dịch kính, thay thủy tinh thể,…).
– Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra nhiều hơn ở người trên 40 tuổi. Đồng thời, cũng ảnh hưởng tới đối tượng nam giới nhiều hơn so với nữ giới.

Song song với đó, một số đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này là:

– Người bị cận thị nặng.
– Người đã từng bị rách/bong võng mạc, hoặc có người thân trong gia đình từng bị rách/bong võng mạc.
– Người trước đó đã từng trải qua các ca phẫu thuật mắt.
– Người có các bệnh lý liên quan đến mắt: võng mạc đái tháo đường, thoái hóa võng mạc chu biên, viêm màng bồ đào,…
– Người có tiền sử bị chấn thương ở mắt vì các lý do khác nhau.
– Người bị bệnh tiểu đường, hoặc người có yếu tố tuổi tác.
– Nếu võng mạc của trẻ em bị rách, phần lớn là do các tật bẩm sinh của dịch kính, hay cận thị nặng bẩm sinh.

rách võng mạc

Tình trạng rách võng mạc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau

3. Biện pháp điều trị & phòng tránh

3.1 Điều trị

Hiện nay, một số phương pháp được áp dụng phổ biến để điều trị tình trạng võng mạc bị rách là:

– Laser quang đông võng mạc: với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để tạo mô sẹo ở xung quanh các cạnh của vết rách. Thông qua đó, vùng võng mạc bị rách sẽ được gắn lại vào đáy mắt và lành lại sau vài ngày. Khi vết rách được cải thiện, dịch kính sẽ không thể chảy qua chỗ rách được nữa. Nhờ đó, ngăn ngừa được tình trạng bong võng mạc xảy ra trong tương lai.
– Thủ thuật làm lạnh cường độ cao (cryotherapy): bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ y tế cực lạnh để làm đông lạnh mô. Mục tiêu của phương pháp này cũng tương tự như phương pháp laser quang đông võng mạc, đó là tạo ra vết sẹo xung quanh để bịt kín vết rách, ngăn không cho bất kỳ chất lỏng nào lọt vào làm bong võng mạc.

Nhìn chung, hai phương pháp này đều khá an toàn và có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả các vết rách ở võng mạc đều cần được điều trị. Bên cạnh đó, nếu đã thực hiện việc điều trị, người bệnh vẫn có thể phát triển thêm các vết rách khác về sau. Vì vậy, việc tiếp tục theo dõi và lên lịch khám mắt định kỳ, cũng như lưu ý đến bất kỳ triệu chứng nào ở mắt trong tương lai là vô cùng quan trọng.

3.2 Phòng tránh

rách võng mạc

Đi khám mắt ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường xuất hiện ở mắt

Rách võng mạc nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị, mỗi người nên có các biện pháp chủ động phòng tránh. Vậy, làm thế nào để phòng ngừa hoặc phát hiện sớm rách/bong võng mạc? Nếu bạn vẫn chưa biết cách thì hãy bỏ túi ngay một số biện pháp dưới đây:

– Duy trì đi khám mắt định kỳ hàng năm. Đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ cao bị rách/bong võng mạc.
– Đối với người bị cận thị thì nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra. Thông qua đó kiểm tra tình trạng mắt và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
– Khi tham gia các hoạt động thể thao, hoặc làm các công việc đặc thù nguy hiểm nên sử dụng kính và các dụng cụ bảo hộ.
– Nếu bị bệnh tiểu đường, hãy đến gặp bác sĩ và tìm cách kiểm soát lượng đường trong máu.
– Trong trường hợp mắt có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy nhanh chóng đi khám mắt ngay.
– Chú ý đến vấn đề dinh dưỡng ở mắt. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và để mắt nghỉ ngơi hợp lý.

Như vậy, trên đây là những chia sẻ về tình trạng rách võng mạc ở mắt mà chúng tôi muốn chia sẻ. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc đã có cho mình thêm những thông tin hữu ích và biết cách phòng tránh hiệu quả tình trạng này. Để được tư vấn về các bệnh lý ở mắt liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital