Nhiều cặp đôi có dự định khám sức khỏe tiền hôn nhân nhưng lại không rõ quy trình thực hiện, do đó không tránh khỏi lo lắng, hoang mang ban đầu. Nếu bạn và vợ/chồng tương lai cũng đang trong hoàn cảnh như vậy thì đừng bỏ qua bài viết về review quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Chuẩn bị trước quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân
Có cần chuẩn bị gì trước khi khám tiền hôn nhân không? Và cần chuẩn bị những gì?. Đầu tiên, cả hai cần chuẩn bị cho mình nhận thức, cái nhìn rõ ràng về việc làm này. Đây là việc làm dựa trên sự tự nguyện từ hai phía, mang lại nhiều lợi ích như:
– Vừa đánh giá sức khỏe chung, vừa đánh giá sức khỏe sinh sản của mình và bạn đời.
– Phát hiện sớm bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả hai. Từ đó có kế hoạch điều trị như: HIV, viêm gan B, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…
– Dự phòng bệnh tật cho con khi chào đời, đảm bảo con sinh ra khỏe mạnh.
– Có thêm kiến thức về biện pháp tình dục an toàn nếu cả hai chưa có kinh nghiệm. Giảm bớt sự lo lắng, sợ hãi hay rối loạn cảm xúc trong đời sống vợ chồng, kế hoạch sinh con và làm cha – mẹ.
– Thể hiện trách nhiệm của mình với bạn đời, thêm thấu hiểu nhau hơn.
Các giấy tờ cá nhân cũng cần được chuẩn bị đầy đủ, chính xác. Điều này giúp việc làm thủ tục trở nên nhanh chóng, không mất thời gian chờ đợi quá nhiều. Một số giấy tờ sau cần chuẩn bị bao gồm:
– Chứng minh nhân dân hoặc căn cước nhân dân
– Thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh
– Sổ khám bệnh gần nhất
– Tên các loại thuốc đang sử dụng
Ngoài ra, cả hai có thể chuẩn bị thêm các câu hỏi cần được giải đáp từ bác sĩ. Những thắc mắc, mơ hồ sẽ được bác sĩ tư vấn, chia sẻ nhằm giúp cuộc sống vợ chồng bền lâu.
2. Quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?
Thông thường, quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ trải qua 4 bước chính: tư vấn trước khi khám, thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và nhận kết quả.
2.1. Tư vấn trước khi khám
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký khám, cặp đôi sẽ được hướng dẫn ra khu vực đo thể lực. Tại đây, cả hai sẽ lần lượt đo chiều cao, cân nặng và đo huyết áp. Sau đó tiến vào phòng khám sản phụ khoa để lắng nghe tư vấn trước khi khám từ bác sĩ.
Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn trực tiếp, chia sẻ kỹ hơn về tầm quan trọng của khám tiền hôn nhân. Đồng thời, bác sĩ sẽ lắng nghe chia sẻ tình trạng sức khỏe hiện tại của cả hai. Nếu bạn hay vợ/chồng tương lai có đang gặp tình trạng bất thường nào thì nên thẳng thắn nói với bác sĩ. Việc nắm bắt thông tin ban đầu sẽ giúp bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm chuyên sâu nếu cần. Hơn nữa, điều này cũng sẽ hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán kết quả.
Sau khi tư vấn xong, bác sĩ tiến hành khám phụ khoa đối với nữ và nam khoa đối với nam. Đối với nhiều cặp đôi thì rất là e ngại khi khám danh mục này. Nhưng nếu không kiểm tra có thể dẫn tới nhiều bệnh lý phụ khoa/nam khoa không hề hay biết.
2.2. Thực hiện xét nghiệm
Sau bước khám lâm sàng, thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu là danh mục khám tiếp theo. Trong gói khám tiền hôn nhân, lấy mẫu xét nghiệm nhằm mục đích:
– Đánh giá công thức máu
– Xác định nhóm máu
– Chẩn đoán tiểu đường
– Đánh giá chức năng gan và thận
– Tầm soát và phát hiện bệnh truyền nhiễm như virus viêm gan B, viêm gan C, HIV.
Ngoài ra:
– Nam sẽ được thực hiện thêm xét nghiệm tinh dịch đồ.
– Nữ sẽ được test nhanh thêm chlamydia – một loại bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục khiến nữ giới khó có thể có con
2.3. Chẩn đoán hình ảnh
Đây là danh mục kế tiếp trong quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bao gồm: siêu âm ổ bụng tổng quát và chụp X-quang ngực thẳng.
Đối với siêu âm ổ bụng tổng quát, cả hai sẽ lần lượt thực hiện. Với mục đích chính là giúp bác sĩ chẩn đoán:
– Các bệnh về tiêu hóa như đau dạ dày, viêm ruột thừa,…
– Các bệnh về gan như: xơ gan, viêm gan mạn tính, tầm soát ung thư gan,..
– Các bệnh thận – tiết niệu như: sỏi thận, tắc nghẽn thận, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư niệu quản,..
– Đặc biệt, phát hiện sớm các bệnh lý về sinh dục nam và nữ như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, viêm tiền liệt tuyến và ung thư tuyến tiền liệt.
Đối với chụp x-quang ngực thẳng, chỉ có nam giới mới cần thực hiện. Bước khám này nhằm đánh giá tổng quan về tim, phổi và các cơ quan lân cận.
2.4. Nhận kết quả sau quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân
Sau khi hoàn tất các bước khám trên, cặp đôi sẽ quay trở lại phòng khám ban đầu để lắng nghe kết quả. Tại đây, bác sĩ sẽ đọc kết quả cho cả hai, chẩn đoán bệnh và phương hướng điều trị nếu có.
Hơn nữa, bác sĩ cũng sẽ chia sẻ thêm các phương pháp chăm sóc sức khỏe khoa học. Dặn dò lưu ý trong chế độ ăn uống, sinh hoạt đầy đủ nhất. Nếu cặp đôi còn thắc mắc gì thêm, bác sĩ cũng sẵn sàng giải đáp và đưa ra hướng tư vấn phù hợp cho cả hai.
3. Lưu ý cần ghi nhớ trước ngày đi khám tiền hôn nhân
Để buổi khám sức khỏe tiền hôn nhân diễn ra thuận lợi, các cặp đôi cần ghi nhớ một số điều sau:
– Tuyệt đối không ăn gì trước khi làm xét nghiệm máu, ít nhất từ 6-8 tiếng.
– Nữ không nên đi khám khi đang trong quá trình kinh nguyệt
– Trước khi siêu âm ổ bụng nên uống nhiều nước và nhịn căng tiểu.
– Ưu tiên mặc trang phục thoải mái, đơn giản và không đeo nhiều phụ kiện kim loại.
– Nên đi khám sức khỏe sinh sản từ 3-6 tháng trước khi cưới
– Cả hai nên mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi tình trạng sức khỏe hiện tại của mình (nếu có). Không nên che giấu bởi có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sau này.
Trên đây là quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân mà các cặp đôi nên tham khảo. Bằng cách này sẽ giúp cả hai tự tin và bớt lo lắng, sợ hãi hơn. Và quan trọng nhất, việc khám sức khỏe trước khi cưới là vô cùng quan trọng. Đây là bước đệm vững chắc cho hạnh phúc hôn nhân bền lâu.