Trong các giải pháp làm đẹp, chắc chắn không thể không nói đến niềng răng chỉnh nha. Không chỉ cải thiện về thẩm mỹ, niềng răng cũng là một trong những phương pháp bảo vệ sức khỏe răng miệng nói riêng, sức khỏe hô hấp và toàn thân nói chung. Thế nhưng, rất nhiều điều về phương pháp làm đẹp này vẫn là những câu hỏi lớn trong suy nghĩ của mọi người.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về niềng răng
1.1. Khái niệm về niềng răng
Niềng răng hay chỉnh nha là một trong những kỹ thuật của nha khoa, là phương pháp sử dụng kỹ thuật và các dụng cụ nha khoa nhằm sắp xếp, xử lý, đưa răng về vị trí mong muốn, giúp hàm răng ổn định, đều, đẹp, cân đối hơn, đồng thời cải thiện khả năng nhai của người bệnh.
Niềng răng hiện nay là xu hướng mà nhiều người lựa chọn, bởi không chỉ giúp ổn định chức năng nhai và đưa khớp cắn đúng vị trí, mà niềng răng có vai trò lớn trong việc tạo hình khuôn mặt, tăng vẻ đẹp cho nhiều người.
1.2. Khi nào nên niềng răng chỉnh nha?
Niềng răng là một trong nhưng kỹ thuật điều trị trong nha khoa, nhằm đảm bảo khớp cắn đúng và chức năng nhai phù hợp của hàm răng. Việc niềng răng được chỉ định để khắc phục những khuyết điểm của răng như:
– Răng vẩu, hô
– Răng móm
– Mặt lưỡi cày
– Răng thưa
– Răng khấp khểnh, mọc lộn xộn, không đều, thường chenh chúc không ra hàng lối gọn gàng
– Hàm răng không khít, khớp cắn không đúng (khớp cắn ngược, khớp cắn sâu, khớp cắn hở)
– Hàm không cân đối
1.3. Có nhất thiết phải niềng răng chỉnh nha?
Chỉnh nha là lựa chọn của mỗi người. Đôi khi, không mắc các vấn đề về răng nhưng người ta vẫn lựa chọn chỉnh nha như một hình thức thẩm mỹ. Bên cạnh đó, những trường hợp trên đây nếu không điều trị bằng việc chỉnh nha thì bệnh nhân có thể gặp một số khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, ăn uống hằng ngày như:
– Tình trạng nhai khó, chán ăn, ăn kém, có thể ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa.
– Vệ sinh và chăm sóc răng miệng khó hơn, dễ gặp các vấn đề như viêm, sâu răng.
– Ảnh hưởng đến cơ xương khớp do vấn đề sai khớp cắn.
– Mặt lệch, cười xấu khiến người bệnh tự ti khi giao tiếp.
– Hội chứng rối loạn vùng khớp thái dương hàm (SADAM) khi sai khớp cắn kéo dài.
1.4. Những trường hợp bác sĩ chống chỉ định niềng răng
Có những trường hợp bệnh nhân không nên niềng răng do nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng lâu dài đến răng và sức khỏe như:
– Bệnh nha chu: Tình trạng viêm nướu mãn tính là nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu, khiến các mô nâng đỡ chân răng dần bị phá hủy, dẫn đến tình trạng tụt nướu, tiêu xương ổ răng, làm răng yếu. Do đó, những trường hợp này niềng răng đầy nguy cơ răng lung lay và rụng răng vĩnh viễn.
– Răng giả, răng bọc sứ: Một số trường hợp răng sứ có độ bóng nhẵn nhất định, cũng không có độ bám dính chắc chắn như răng thật, thế nên không thể gắn mắc cài lên.
– Răng và xương hàm có vấn đề, quá yếu: Niềng răng cần nền tảng răng và xương hàm khỏe nhằm đảm bảo khi kéo răng không gây nguy cơ lung lay hay rụng răng. Nếu răng và xương hàm quá yếu thì niềng răng sẽ không được an toàn và hiệu quả.
– Đã trồng răng implant: Siết niềng răng implant có khả năng làm lung lay chân giả. Trong trường hợp này, lực kéo chỉnh nha cũng thường không hiệu quả.
– Bệnh toàn thân: Những người có bệnh toàn thân như: có vấn đề về thần kinh, bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư máu,… thường có hệ miễn dịch kém, dễ bị các bệnh viêm nhiễm. Khi đó, việc xử lý các vấn đề về răng có thể gây những vấn đề nhiễm trùng hoặc căng thẳng gây nguy hiểm cho tính mạng.
2. Kỹ thuật niềng răng
2.1. Khi nào là thời điểm lý tưởng để niềng răng?
Niềng răng lý tưởng nhất là ở độ tuổi từ 12 đến 16. Tuy nhiên, hiện nay, người ta vẫn thường chỉnh nha ở độ tuổi muộn hơn, thậm chí là ở tuổi 40, khi răng còn chắc chắn khỏe mạnh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật.
2.2. Niềng răng mất bao lâu?
Tùy độ tuổi và tình trạng răng, xương mà thông thường, người lớn sẽ mất nhiều thời gian giữ niềng răng hơn. Bên cạnh đó, tùy theo phương pháp niềng răng mà thời gian để mỗi người niềng răng cũng sẽ khác nhau. Thời gian niềng răng thông thường có thể kéo dài từ 6 tháng đến 3 năm. Hiện nay, với phương pháp mắc cài cơ bản thì thời gian trung bình cho một ca niềng răng là 1,5 năm đến 2 năm. Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân sẽ có lịch trình tái khám cùng nha sĩ để được theo dõi sự tiến triển của việc niềng răng.
2.3. Có những phương pháp kỹ thuật niềng răng nào?
Hiện nay, với sự phát triển của kỹ thuật và những nghiên cứu mới, có khá nhiều phương pháp niềng răng. Một số phương pháp niềng răng cơ bản có thể kể đến như:
– Niềng răng mắc cài tự đóng: Phương pháp sử dụng mắc cài có hệ thống nắp trượt hoặc cánh kim loại để đậy và giữ dây trong mắc cài với thiết kế tự động và khả năng bám dính, cố định dây cung tốt.
– Niềng răng mắc cài mặt lưỡi hay còn gọi là niềng răng mặt trong: mắc cài được gắn ở mặt trong của răng, thường không lộ ra ngoài hay ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng thường gây ra những tổn thương cho lưỡi.
– Niềng răng 3D Clear: scan hàm và tạo ra khay niềng trong suốt phù hợp, vừa vặn với từng người. Tuy nhiên, có thể độ chính xác của khay niềng sẽ không hoàn toàn, đồng thời, phương pháp này cũng không biết trước tiến triển của việc chỉnh nha.
– Niềng răng invisalign: hiện đang là kỹ thuật cao nhất trong niềng răng, sử dụng khay niềng trong, dễ tháo lắp một cách chủ động, dễ vệ sinh và không ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống hay thẩm mỹ.
2.4. Nên thực hiện việc niềng răng ở đâu?
Vấn đề niềng răng không chỉ là thẩm mỹ, mà còn liên quan đến sức khỏe của chính bản thân người bệnh. Chính vì thế, các bệnh viện và cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt uy tín nên là lựa chọn cho bệnh nhân niềng răng. Điều này sẽ đảm bảo cho bệnh nhân được thăm khám chi tiết, quyết định đúng đắn và có trách nhiệm cho việc có nên niềng răng chỉnh nha hay không, phương pháp nào phù hợp và tiện lợi, đồng thời, nhận được sự tư vấn chuyên môn phù hợp trong suốt quá trình niềng răng.
Có thể nói, niềng răng chỉnh nha là dịch vụ nha khoa ngày càng được nhiều người lựa chọn. Các phương pháp niềng răng đa dạng, có thể phù hợp theo nhu cầu lựa chọn của từng cá nhân. Tuy nhiên, đây vẫn là dịch vụ được đánh giá là phức tạp với người bệnh. Do đó, cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn nơi niềng răng uy tín, thuận tiện và an tâm cho bản thân. Đồng thời, trong quá trình niềng răng, cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của nha sĩ để sớm đạt được kết quả điều trị như mong muốn.