Để bé yêu có sức khỏe tốt và phát triển toàn diện, bố mẹ cần theo sát lịch tiêm phòng được Bộ Y Tế khuyến nghị cho con và đưa con đi tiêm đầy đủ, đúng lịch, giúp con tạo lá chắn bảo vệ sức khỏe. Trong bài viết này, TCI sẽ giúp bố mẹ tìm hiểu về việc tiêm vacxin cho trẻ 2 tháng tuổi bao gồm ở độ tuổi này trẻ cần tiêm những mũi nào và khi đi tiêm trẻ cần lưu ý những gì. Hãy đọc bài viết để có kiến thức đúng và thực hiện xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc cho con bố mẹ nhé.
Menu xem nhanh:
1. Việc tiêm vacxin đầy đủ cho trẻ là rất quan trọng
Việc tiêm vacxin đầy đủ cho trẻ là rất quan trọng, đó không chỉ là biện pháp để phòng bệnh hiệu quả mà còn đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ sức khỏe toàn diện của bé. Tiêm vacxin giúp kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ phát triển và tạo ra các kháng thể để chống lại các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Bằng cách này, trẻ sẽ có khả năng chống lại một loạt các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ nhỏ, giúp trẻ luôn khỏe mạnh.

Việc tiêm vacxin đầy đủ cho trẻ là rất quan trọng
Nhờ tiêm chủng, trẻ em không chỉ khỏe mạnh mà còn phát triển thể chất và trí não tốt, tạo tiền đề phát triển cho xã hội sau này. Việc tiêm chủng cũng giúp giảm chi phí chăm sóc y tế, thời gian và công sức của gia đình, đồng thời giảm khả năng mất khả năng lao động do bệnh tật. Góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững, làm tăng khả năng và năng suất lao động của cả cá nhân và cộng đồng.
Trẻ em được tuân thủ lịch tiêm phòng là yếu tố quyết định để đạt được hiệu quả tối đa từ quá trình tiêm chủng. Bố mẹ cần chủ động cho con đi tiêm phòng các mũi quan trọng và phù hợp với độ tuổi của con càng đầy đủ càng tốt.
2. Những loại vacxin quan trọng cho trẻ 2 tháng tuổi
Chăm sóc sức khỏe của trẻ sơ sinh là ưu tiên hàng đầu của mọi bậc phụ huynh, và việc chích ngừa đầy đủ vacxin cho trẻ từ 2 tháng tuổi là một bước quan trọng để đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ. Dưới đây là thông tin về những loại vacxin được khuyến nghị cho trẻ 2 tháng tuổi.
2.1. Vacxin phòng viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh gan do vi rút viêm gan B gây ra và có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như xơ gan và ung thư gan.
Đối với vacxin viêm gan B, trẻ được tiêm mũi đầu tiên ngay sau khi chào đời và thực hiện tiêm mũi thứ hai khi trẻ được 2 tháng tuổi.

Trẻ cần tiêm mũi viêm gan B thứ hai khi trẻ được 2 tháng tuổi
Sau khi tiêm vacxin viêm gan B, phần lớn trẻ không gặp vấn đề gì, một số trẻ thì có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như là đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ sau tiêm.
2.2. Vacxin phòng đồng thời 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván
Bạch hầu, ho gà, uốn ván là các bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài cho trẻ em.
Để phòng các bệnh này, trẻ em cần tiêm mũi vacxin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi. Các mũi tiêm tiếp theo được thực hiện cách mũi 1 là 1 tháng và 6 tháng.
Sau khi tiêm vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván, phần lớn trẻ không gặp vấn đề gì, một số trẻ thì có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như là đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ sau tiêm, nôn mửa.
2.3. Vacxin phòng bại liệt
Bệnh bại liệt khi ảnh hưởng đến tủy sống, vi rút có thể gây liệt tạm thời hoặc vĩnh viễn cho người bệnh, thậm chí có thể gây tử vong.
Lần đầu tiên trẻ cần tiêm vacxin phòng bại liệt là khi trẻ 2 tháng tuổi.
Vacxin bại liệt tương đối an toàn nên sau khi tiêm vacxin hầu hết trẻ không có phản ứng gì. Tuy nhiên một số trẻ có thể bị đau hoặc sưng tại vị trí tiêm.
2.4. Vacxin phòng Haemophilus Influenzae Týp B (Hib) gây viêm họng, viêm phổi, viêm màng não
Haemophilus influenzae týp b (Hib) là loại vi khuẩn có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, trong đó có viêm họng, viêm phổi, viêm màng não và có thể để lại di chứng lâu dài, thậm chí là tử vong
Với vacxin này, liều đầu tiên trẻ cần tiêm là khi 2 tháng tuổi.
Một số trẻ sau tiêm vacxin này có thể gặp tác dụng phụ là sốt và sưng, tấy đỏ, nóng hoặc khó chịu tại chỗ tiêm.
2.5. Vacxin phòng Rotavirus
Rotavirus là một loại virus gây tiêu chảy phổ biến ở đối tượng trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước nặng và nguy cơ tử vong. Để ngăn chặn tình trạng này, bố mẹ cần cho trẻ đi uống vacxin phòng Rotavirus với lịch uống liều đầu tiên ở 2 tháng tuổi, lịch các liều sau đó tùy thuộc vào loại vacxin trẻ uống lần đầu tiên.

Trẻ 2 tháng tuổi cần uống vacxin phòng Rotavirus
Đa số trẻ sơ sinh không gặp phải tác dụng phụ sau khi uống vacxin rotavirus. Tuy nhiên, một số trẻ có thể trải qua các phản ứng như quấy khóc, tiêu chảy, hoặc nôn mửa. Trong trường hợp hiếm hoi, một số trẻ có thể phát sinh vấn đề lồng ruột và cần phẫu thuật can thiệp. Điều này chỉ là trường hợp rất hiếm và không phổ biến.
2.6. Vacxin Phế cầu
Vacxin này giúp kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ tạo ra kháng thể để chống lại vi khuẩn phế cầu gây ra các bệnh như viêm não, viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết.
Tại thời điểm 2 tháng tuổi, trẻ cần được tiêm mũi vacxin phế cầu đầu tiên. Các mũi tiếp theo thực hiện khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 10 tháng tuổi.
Sau khi tiêm vacxin trẻ có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như là sưng đau, chai cứng tại vị trí tiêm, sốt, đau đầu, buồn ngủ. Tuy nhiên hầu hết đều nhẹ và nhanh chóng thuyên giảm.
3. Lưu ý khi tiêm vacxin cho trẻ 2 tháng tuổi
Để làm cho quá trình chích ngừa ở trẻ 2 tháng tuổi trở nên dễ dàng hơn và giảm thiểu tác dụng phụ, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp như sau:
– Trước khi tiêm vacxin cho trẻ 2 tháng tuổi, không nên cho trẻ ăn hoặc bú quá no trước khi đi tiêm phòng để tránh tình trạng hạ đường huyết sau tiêm. Tuy nhiên, cũng cần tránh để trẻ đói quá, để đảm bảo trẻ có thể chịu đựng tốt quá trình tiêm.
– Trước khi tiêm, đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời, mang theo sổ tiêm phòng và hồ sơ sức khỏe của trẻ khi đến tiêm phòng.
– Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để bác sĩ dễ dàng thao tác, tránh mặc quần áo quá chật hoặc quá ấm.
– Thông báo chi tiết về tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm với bác sĩ, bao gồm các tình trạng bệnh, dị tật, tiền sử dị ứng, hay các phản ứng từ lần tiêm trước để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định tiêm phù hợp.

Trước khi tiêm vacxin cho trẻ 2 tháng tuổi cần thông báo cho bác sĩ tình trạng của trẻ
– Yêu cầu cán bộ y tế thông báo loại vacxin sẽ được tiêm, các phản ứng có thể xảy ra, và hướng dẫn về quá trình theo dõi sau tiêm.
– Hoãn tiêm nếu trẻ đang bệnh, đặc biệt là khi đang có sốt. Trong trường hợp cần hoãn tiêm, có thể tiếp tục tiêm theo lịch tiếp theo mà không cần bắt đầu lại từ đầu.
– Sau khi tiêm, nếu trẻ khóc hoặc cáu gắt, việc cho trẻ bú có thể giúp trẻ giảm căng thẳng và bình tĩnh trở lại.
– Để giảm khó chịu ở vùng da sau tiêm cho trẻ, mẹ có thể đặt một miếng vải sạch ẩm và mát lên vị trí tiêm để giảm khó chịu và đau nhức cho con.
– Nếu trẻ bị sốt hãy hạ sốt bằng cách lau người cho bé với nước ấm, việc này cũng giúp giảm tác dụng phụ liên quan đến sốt.
– Yêu cầu bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và hạ sốt với liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ để bố mẹ sử dụng khi cần thiết.
– Cha mẹ nên theo dõi các triệu chứng sau tiêm và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Việc thực hiện những biện pháp trên có thể giúp trẻ vượt qua quá trình chích ngừa một cách thuận lợi hơn, đồng thời giảm nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là thông tin về những loại vacxin cần tiêm cho trẻ khi tròn 2 tháng tuổi. Để được tư vấn kỹ càng hơn, đồng thời được thực hiện tiêm chủng an toàn, hiệu quả, bố mẹ có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để được hỗ trợ.